Triển khai dạy học tiếng Anh, Tin học bắt buộc: Tìm giải pháp bù đắp cho vùng khó

GD&TĐ - Chuẩn bị dạy 2 môn bắt buộc là Ngoại ngữ và Tin học, nhiều địa phương đã xây dựng lộ trình, ưu tiên tuyển dụng giáo viên.

Giáo viên ngoại ngữ đang ôn tập cho học sinh Trường THCS Tân Phúc (Lang Chánh, Thanh Hóa).
Giáo viên ngoại ngữ đang ôn tập cho học sinh Trường THCS Tân Phúc (Lang Chánh, Thanh Hóa).

Chuẩn bị dạy 2 môn bắt buộc là Ngoại ngữ và Tin học, nhiều địa phương đã xây dựng lộ trình, ưu tiên tuyển dụng giáo viên. 

“Trắng” giáo viên lẫn cơ sở vật chất

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) chỉ có 1 giáo viên (GV) Tiếng Anh. Nhưng nếu được tăng cường thêm nữa vẫn không thể bố trí GV dạy Anh văn cho các điểm trường lẻ. Thầy Lê Huy Phương – Hiệu trưởng cho hay: Từ điểm trường chính đến điểm trường lẻ gần nhất là khoảng 3km. Nhưng một số điểm trường, như điểm Tắk Rối, mất khoảng 17km và phải qua sông. Trong ngày, GV không thể di chuyển đến các điểm trường lẻ để dạy học được. Chưa kể một số điểm lẻ đến nay chưa có điện lưới, chỉ sử dụng điện mặt trời. Chất lượng kết nối mạng cũng không bảo đảm. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều trường tiểu học ở vùng núi cao Nam Trà My.

Tại Thanh Hóa, hầu hết huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều bố trí đủ GV tiếng Anh dạy lớp 3 trong năm học 2022 - 2023 (trừ huyện Quan Sơn). Nhưng để bố trí đủ cho cả lớp 4 và lớp 5, cả tỉnh còn thiếu 114 GV.

Đặc biệt, với huyện vùng cao như Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước... kể cả được bố trí đủ GV tiếng Anh, trường vẫn không thể tổ chức vì có quá nhiều điểm lẻ. Ông Chu Đình Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: Trên địa bàn có 20 trường tiểu học, nhưng thiếu tới 16 GV tiếng Anh. Trong khi, các trường vùng biên giới, địa hình phức tạp, nhiều điểm lẻ nên việc bố trí GV tiếng Anh dạy liên điểm trường, liên cấp là rất vất vả cho GV thậm chí không thể thực hiện được. “Thời gian tới, huyện Quan Sơn được UBND tỉnh cho phép tuyển dụng 65 viên chức GD, nhưng chưa chắc đã đủ ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển kể cả GV văn hóa lẫn tiếng Anh”, ông Trọng chia sẻ.

Ngoài thiếu giáo viên, cơ sở vật chất đáp ứng dạy Tin học, Ngoại ngữ cũng nan giải. Huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) cũng chỉ có 6/19 trường tiểu học có phòng máy tính. Kể cả những trường đã đạt chuẩn quốc gia, cũng không đáp ứng được yêu cầu cơ sở vật chất tối thiểu dạy Ngoại ngữ, Tin học theo chương trình mới.

Tương tự, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An có 33 trường có học sinh tiểu học, nhưng chỉ có 3 trường có phòng Tin học và 6 trường có phòng dạy tiếng Anh. Số còn lại “trắng” phòng học, thiết bị dạy 2 môn này. Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho hay: Kỳ Sơn là địa phương đi đầu của tỉnh trong việc dồn học sinh lớp 3, 4, 5 từ điểm lẻ về trường chính ở bán trú. Dự kiến đến năm học 2022 – 2023 sẽ phủ kín. Mục đích để tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất để tất cả học sinh được tiếp cận môn Tin học, Ngoại ngữ. Tuy nhiên, đầu tư phòng Tin học, Ngoại ngữ cần kinh phí lớn mà ngành Giáo dục không thể tự lo liệu được.

Trang bị phòng Tin học đầy đủ máy móc hiện đang “quá sức” đối với nhiều trường tiểu học vùng cao.
Trang bị phòng Tin học đầy đủ máy móc hiện đang “quá sức” đối với nhiều trường tiểu học vùng cao. 

Giải pháp bù đắp

Năm học 2020 – 2021, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) có gần 86% HS được học Anh văn. 100% HS lớp 3, 4, 5 được học Tin học. Thầy Bùi Quang Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Từ 9 điểm trường, nhà trường đã vận động, tuyên truyền với phụ huynh đưa HS về ở bán trú tại điểm trường chính. Theo đó, phụ huynh của mỗi thôn sẽ cắt cử nhau để đưa, đón toàn bộ HS của thôn mình vào đầu và cuối tuần. Đến nay, nhà trường chỉ còn một điểm trường thôn. Nhà trường đang xin bổ sung thêm 1 GV Anh văn cho năm học 2021 – 2022. “Nếu được bổ sung thêm GV, năm học tới, 100% HS của trường sẽ được học Anh văn ngay từ lớp Một” – thầy Ngọc khẳng định.

Mặc dù là huyện miền núi cao, nhưng theo ông Bùi Thế Giới – Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Tây (Quảng Ngãi), ở các điểm trường lẻ, vẫn có thể triển khai dạy học Tin học như các điểm trường chính. “Điểm trường lẻ nào có điều kiện phòng ốc không bảo đảm, không thể trang bị máy tính để bàn, GV có thể sử dụng laptop được chuyển từ điểm trường chính sang. Hằng năm, ngoài máy tính bàn, nhà trường còn được trang bị cả máy tính xách tay nên cũng thuận tiện trong di chuyển”, ông Giới nói.

Ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho hay: Kết quả rà soát đội ngũ GV Tin học, tiếng Anh ở bậc tiểu học của sở cho thấy, toàn tỉnh còn thiếu 253 GV so với nhu cầu khi triển khai Chương trình GDPT mới. Trong đó, môn Tin học thiếu 107 GV, môn Anh văn thiếu 146 GV. Trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ số lượng theo quy định, ngành GD sẽ đề xuất thực hiện hợp đồng đối với vị trí việc làm còn thiếu.

Theo kế hoạch, đến năm học 2022 – 2023, huyện Tương Dương sẽ đưa học sinh lớp 3, 4, 5 về trường chính và mỗi trường nhiều nhất có 2 điểm có phòng Tin học. Tuy nhiên, bà Võ Tuyết Chinh – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện chia sẻ: Phòng có thể chủ động thực hiện đề án trong phạm vi chức năng của mình, như gom nhóm học sinh về trường chính, vận động tổ chức bán trú, huy động sự hỗ trợ của giáo viên chăm sóc, quản lý học sinh. Nhưng để bảo đảm cơ sở vật chất thì vượt quá khả năng của ngành và cần kinh phí hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương.

Tại tỉnh Thanh Hóa, Sở GD&ĐT đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng GV tiếng Anh, Tin học để trình UBND tỉnh phê duyệt, đáp ứng nhu cầu cho năm học 2022 - 2023.

Sở cũng đề nghị UBND tỉnh giao đủ số người làm việc cho các địa phương theo số lớp, học sinh được tỉnh phê duyệt hằng năm. Đồng thời, bố trí đủ GV theo Chương trình GDPT mới. Quan tâm đầu tư đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học môn Tiếng Anh và Tin học cho các địa phương để dạy học theo Chương trình GDPT mới. Đề nghị Bộ GD&ĐT chấp thuận cho các cơ sở đào tạo thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Trường ĐH Hồng Đức) mở ngành đào tạo trình độ ĐH Sư phạm Tin học. Giao tăng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành ĐH Sư phạm tiếng Anh cho Trường ĐH Hồng Đức để đào tạo nguồn GV tiếng Anh và Tin học cho tỉnh.

Dù khó khăn thế nào vẫn thực hiện đúng Chương trình GDPT 2018 để học sinh không bị thiệt thòi nhiều so với vùng miền khác. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, cơ sở vật chất, đội ngũ có đến đâu sẽ thực hiện dạy học đến đó. - bà Võ Tuyết Chinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ