Trong bối cảnh số lượng và chất lượng giáo viên (GV) tiếng Anh ở nhiều địa phương còn bất cập, mốc thời gian triển khai đang tới gần…, việc chuẩn bị cần chủ động và có giải pháp phù hợp.
Thách thức
Theo Sở GD&ĐT Lai Châu, toàn tỉnh có 61/113 trường tiểu học dạy tiếng Anh với tổng số 452/1.300 lớp; 12.427/33.274 học sinh (HS), có 79 GV tiếng Anh. Để đáp ứng đủ HS lớp 3, 4, 5 được học tiếng Anh chương trình 10 năm, tỉnh còn thiếu 181 GV.
Nguyên nhân thiếu GV tiếng Anh tại Lai Châu được chỉ ra bởi nguồn tuyển GV tiếng Anh thấp hơn chỉ tiêu cần tuyển dụng. Trình độ chuyên môn của một số thí sinh dự tuyển chưa đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm.
Mặt khác, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với GV giảng dạy môn Tiếng Anh chưa tương xứng cũng là rào cản lớn trong khi GV tiếng Anh dễ tìm công việc khác với thu nhập cao hơn.
Đặc biệt, tại Lai Châu GV tiếng Anh chủ yếu từ tỉnh khác đến công tác. Khi đủ thời gian công tác theo quy định lại có nguyện vọng chuyển vùng, dẫn đến số lượng GV tiếng Anh thiếu nhiều so với nhu cầu.
Tại Lào Cai, tính đến năm học 2019 - 2020 tổ chức dạy thí điểm tiếng Anh cho trẻ 5 tuổi cấp MN tại 66 trường, 362 lớp, 8.990 HS; cấp tiểu học là 153/185 trường, 1.449 lớp, 53.096 HS; cấp THCS, số trường học chương trình tiếng Anh 10 năm tăng lên 90/185 trường, 359 lớp, 12.762 HS; cấp THPT học tiếng Anh 10 năm là 35/36 trường, 234 lớp, 8.928 HS, tiếng Anh 7 năm có 35/36 trường, 264 lớp, 10.092 HS.
Chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại Lào Cai tới nay đã được khẳng định tuy nhiên để triển khai dạy học tiếng Anh bắt buộc từ năm học 2022 - 2023, Lào Cai vẫn phải tháo gỡ nguồn nhân lực cả về số và chất lượng.
Cô Nguyễn Hương Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ - Hà Giang) chia sẻ: Trường có 1 GV tiếng Anh nhưng phải giảng dạy cho hơn 200 HS từ lớp 3 - 5 tại điểm trường chính. HS của 3 điểm trường lẻ do thiếu GV nên chưa thể triển khai dạy học.
Theo cô Giang, khi tiếng Anh trở thành môn bắt buộc với HS lớp 3 - 5 từ năm học 2022 - 2023 và để hơn 300 HS ở các điểm trường chính và lẻ được học 4 tiết/tuần, nhà trường cần tăng cường thêm ít nhất 1 GV tiếng Anh mới bảo đảm hết khối lượng chương trình giảng dạy.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) - thầy Lê Quang Tùng cho biết: Trường có 1 GV tiếng Anh đảm đương dạy học cho gần chục điểm trường. Ban giám hiệu phải cắt giảm số tiết học của HS và áp dụng dạy học luân phiên 1 - 2 tuần học một lần với HS điểm trường. Hiện vẫn còn 3 điểm trường không thể bố trí GV dạy học tiếng Anh. Trường cần tăng cường 1 - 2 GV mới thực hiện được dạy học tiếng Anh bắt buộc. Thế nhưng hiện nguồn tuyển trong tình trạng thiếu về số lượng, yếu về chất lượng...
Tháo gỡ từ đâu?
Thiếu GV tiếng Anh, khó khăn về cơ sở vật chất… đã và sẽ gây khó khăn lớn khi triển khai môn tiếng Anh bắt buộc ở lớp 3 từ năm học 2022 - 2023 tại các địa phương. Do đó, việc chuẩn bị cần chủ động và dựa vào đặc thù riêng để có giải pháp phù hợp.
Sở GD&ĐT Lai Châu đã tiến hành tổng rà soát và xây dựng kế hoạch, đưa ra giải pháp cụ thể. Trước hết, sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu các chính sách đặc thù riêng của tỉnh để thu hút GV tiếng Anh lên công tác tại Lai Châu lâu dài.
Cùng đó, tham mưu với UBND tỉnh đáp ứng về cơ sở vật chất, phòng học, các thiết bị mạng Internet, máy tính, màn hình, phần mềm dạy học tiếng Anh theo hướng chuẩn để thực hiện các điều kiện học, thực hành nghe - nói tiếng Anh hiệu quả.
Đặc biệt, 100% GV môn Tiếng Anh sẽ được tập huấn kỹ năng, phương pháp dạy. Ngoài nội dung được tập huấn tại lớp, Sở tiếp tục chỉ đạo đội ngũ GV nỗ lực tự học tập, tìm tòi các tài liệu ở các kênh khác nhau (theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT) để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Để gỡ khó nguồn tuyển, ngành GD Lai Châu sẽ tuyển dụng những người được đào tạo sư phạm chuyên ngành tiếng Anh hoặc được đào tạo tiếng Anh và có chứng chỉ sư phạm tiếng Anh theo quy định.
Ông Bùi Văn Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà (Lào Cai) cho biết: Năm học 2020 – 2021, ngành đã tuyển thêm được 13 GV tiếng Anh. Tuy nhiên số lượng GV này chỉ đáp ứng tạm đủ. Từ năm học 2022 - 2023, khi số lượng HS tăng đồng thời triển khai tiếng Anh bắt buộc, ngành chắc chắn phải tuyển thêm.
Theo ông Bùi Văn Tiến, trong trường hợp không tuyển đủ GV để triển khai dạy học tiếng Anh bắt buộc, ngành Giáo dục Bắc Hà sẽ tăng số tiết giảng dạy cho GV và trả tiền tăng giờ. Mặt khác, huy động GV dạy liên trường, GV THCS có thể dạy cho trường tiểu học, GV trường tiểu học dạy cho trường tiểu học…
Ông Nguyễn Văn Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (Yên Bái) đưa ra phương án: Nếu chưa tuyển đủ GV ngoại ngữ để triển khai dạy học tiếng Anh bắt buộc có thể triển khai theo hình thức tăng cường GV THCS dạy tiểu học và GV dạy học trực tuyến. Như vậy, một GV có thể dạy cho HS của nhiều trường trong trên cùng một địa bàn.