Rào cản “xã hội hóa” tới dạy học tiếng Anh cấp Tiểu học

GD&TĐ - Dạy tiếng Anh từ lớp 3 tại các trường tiểu học ở TP Cần Thơ đã đi vào ổn định, riêng dạy học tiếng Anh lớp 1, lớp 2 vẫn còn chậm do khó xã hội hóa…

Dạy và học tiếng Anh tại các trường tiểu học gặp khó do thiếu phòng học và thiết bị.
Dạy và học tiếng Anh tại các trường tiểu học gặp khó do thiếu phòng học và thiết bị.

Thiếu phòng học và thiết bị

Theo mục tiêu đề ra trong Chương trình Tiếng Anh mới của Bộ GD&ĐT, đến năm 2025, tất cả học sinh từ lớp 3 - 5 đều được học Tiếng Anh 4 tiết/tuần. TP Cần Thơ đã triển khai dạy học tiếng Anh ở tiểu học cho gần 80.000 học sinh, đạt tỷ lệ 80%. Trong đó, số học sinh từ lớp 3 - 5 được học tiếng Anh là 53.357; số học sinh lớp 1, 2 được học tiếng Anh 2 tiết/tuần là 25.570 em.

Khó khăn phổ biến ở một số trường là không đủ phòng học để dạy. Bên cạnh đó, một số đơn vị đang gặp khó khăn trong tuyển dụng giáo viên do không có chỉ tiêu hoặc có nhưng không tuyển được người do mức lương chưa thu hút người có chuyên môn giỏi, được đào tạo đúng chuyên ngành đăng kí tuyển dụng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) cho biết: Dạy tiếng Anh cấp tiểu học tính trên mặt bằng chung toàn huyện thì đạt nhưng vẫn còn gặp một số nơi gặp khó khăn. Một số điểm trường chưa có phòng lab, điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học chưa bảo đảm. Ngoài ra, hiện  ngành Giáo dục huyện có biên chế tuyển dụng giáo viên tiếng Anh nhưng không có nguồn tuyển, nên một số điểm trường vẫn thiếu giáo viên”.

Theo bà Lê Thị Hường, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và chủ động của nhà trường nên ngành Giáo dục quận hiện có đủ giáo viên để giảng dạy môn học này; 100% giáo viên đươc tập huấn bồi dưỡng chuyên môn và 100% học sinh tiểu học của quận đươc học tiếng Anh. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường thiếu phòng ngoại ngữ,  thiết bị. Ngành Giáo dục đã tham mưu trình UBND quận để đầu tư cho các đơn vị.

Theo đại diện Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), các trường chưa đảm bảo điều kiện dạy học tiếng Anh 4 tiết/tuần đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy cho học sinh các lớp 3, 4, 5 với thời lượng 2 tiết/tuần. Đồng thời, căn cứ vào tài liệu được Bộ GD&ĐT phê duyệt để lựa chọn nội dung và ngữ liệu phù hợp để dạy đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; sử dụng bài kiểm tra định kỳ phù hợp với nội dung đã học, không dùng bài kiểm tra theo chuẩn đầu ra của chương trình được thực hiện đủ 4 tiết/tuần.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong giờ học Tiếng Anh.
Học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong giờ học Tiếng Anh. 

Khó xã hội hóa

Một số trường học trên địa bàn TP Cần Thơ đã tích cực thực hiện công tác xã hội hóa để đưa tiếng Anh vào dạy học ngay từ lớp 1, lớp 2, tạo tiền đề tốt cho việc học ngoại ngữ của học sinh về sau. Đặc biệt, nhiều đơn vị như Trường Tiểu học Ngô Quyền, Võ Trường Toản, Mạc Đĩnh Chi (quận Ninh Kiều); Tiểu học Bình Thủy, Bình Thủy 2 (quận Bình Thủy), Tiểu học Thốt Nốt 1 (quận Thốt Nốt)… còn đẩy mạnh việc học tăng cường tiếng Anh, học tiếng Anh qua Toán, Khoa học và truyện đọc giúp chất lượng học tập được nâng cao.

Một số chương trình tiếng Anh được triển khai ở các cấp tiểu học như i-Learn giảng dạy tại 8 trường thuộc 3 quận Ninh Kiều, Bình Thủy và Thốt Nốt với tổng số học sinh tham gia là 2.812; Chương trình ISMART - dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh 5 trường thuộc quận Ninh Kiều và Ô Môn với tổng số học sinh tham gia là 1.856 khá bổ ích. Tuy nhiên, học phí là rào cản lớn nhất. Mặt khác, do sĩ số học sinh/lớp đông, trình độ chưa đồng đều nên khó truyền đạt kiến thức cũng như áp dụng các phương pháp giảng dạy trên lớp.

Chia sẻ về công tác triển khai dạy học tiếng Anh tại Trường Tiểu học Cái Khế 2 (quận Ninh Kiều), cô Nguyễn Thị Hậu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thực hiện Đề án Trường điển hình đổi mới, nhà trường tập trung đẩy mạnh hỗ trợ việc dạy và học tiếng Anh ở các khối. Dù đề án kết thúc, nhà trường tiếp tục duy trì để 100%  học sinh từ lớp 3 - 5 được học tiếng Anh theo chương trình 10 năm của Bộ GD&ĐT.

Với tiếng Anh tự chọn, nhà trường hợp đồng giáo viên bản ngữ dạy thêm một số tiết nhằm nâng cao khả năng giao tiếp. Tuy nhiên chỉ còn duy trì được 5 lớp học cho các khối. Mặc dù nhà trường tổ chức tuyên truyền qua giáo viên chủ nhiệm đến các hoạt động của trường, nhưng khi phản hồi thông tin, đa số phụ huynh ít quan tâm.

Ngoài ra, một bộ phận học sinh còn nhút nhát, thụ động, ngại nói tiếng Anh. Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thới 1 (quận Bình Thủy) chia sẻ: Mặc dù nhà trường thực hiện các công tác tuyên truyền qua giáo viên chủ nhiệm, cuộc họp ban đại diện cha mẹ học sinh về việc tổ chức dạy và học tiếng Anh theo Chương trình tiếng Anh thí điểm bằng phương án xã hội hóa nhưng đến nay vẫn không tổ chức được lớp học nào. Hy vọng ngành Giáo dục có chính sách hỗ trợ trong việc triển khai các Chương trình tiếng Anh theo hướng xã hội hóa trong thời gian tới…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.