Thiếu từ nhân lực, vật lực
Thầy Dương Văn Đông – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) cho biết: Trường “trống” cả về phòng lớp học, máy móc và GV dạy môn Tin học.
Còn hơn 1 năm chuẩn bị cũng không khả quan bởi trường có 19 điểm lẻ thì 12 điểm có HS lớp 3 chưa được dồn về trường chính do cơ sở vật chất không đáp ứng đủ. Để dạy Tin học ở 12 điểm trường, dù có máy và GV cũng không có điện để sử dụng thiết bị dạy học.
Thầy Đông cũng chia sẻ: Nguồn tuyển GV Tin học hiện nay tại địa phương khá “cạn”, kinh phí tuyển dụng GV theo diện hợp đồng không được cấp mà việc xã hội hóa từ phụ huynh dân tộc, làm nương rẫy vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, nhiều năm nay nhà trường chưa triển khai môn Tin học cho bất kỳ HS khối lớp nào từ 1 - 5.
Cô Vũ Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Huyện Phú Bình, Thái Nguyên) cũng cho biết: Trường đang triển khai môn Tin học cho HS từ khối 3. Nhưng ngay cả khi triển khai tạm thời thì nỗi lo dạy Tin học bắt buộc vào năm học sau nữa vẫn hiển hiện.
Nguyên nhân bởi GV dạy Tin học theo biên chế của trường hiện nay không có. GV đang dạy thuộc diện hợp đồng với thù lao không cao (5 triệu đồng/tháng). Lương thấp, việc lại nhiều, GV hoàn toàn có thể tìm đến nơi khác có thu nhập cao hơn.
“GV tin học hiện tại vẫn gắn bó với trường nhưng việc “giữ chân” được bao lâu? Có làm tiếp trong năm học tới không, trường không chắc chắn. Nguồn tuyển ít, kinh phí tuyển hạn chế, biên chế GV môn Tin học chưa có… việc triển khai Tin học bắt buộc với trường vùng khó vẫn là thách thức không nhỏ và thiếu tính bền vững khi phải xã hội hóa nhân lực, vật lực…” - cô Vũ Thị Thanh bày tỏ lo lắng.
Theo cô Trần Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Ma Li Pho (Phong Thổ - Lai Châu), môn Tin học không thể triển khai nhiều năm nay vì trường thiếu cả GV lẫn thiết bị máy móc, phòng học chuyên dụng. Toàn trường chỉ có 2 bộ máy tính để phục vụ công tác văn phòng.
“Thời 4.0, học Tin với HS vô cùng cần thiết, nhưng vì không có điều kiện nên HS vẫn “mù” tin học. Việc có triển khai dạy học Tin học bắt buộc cho HS lớp 3 thời gian tới hay không vẫn trông chờ vào đầu tư của địa phương cả nhân lực lẫn vật lực. Về phía nhà trường “lực bất tòng tâm”…” – cô Hằng nói.
Ông Phạm Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ (Sơn La) cũng bày tỏ lo lắng cho lộ trình triển khai Tin học bắt buộc vào năm học 2022 - 2023 khi địa phương này đang thiếu nhân lực lẫn trang thiết bị máy móc và chưa có hướng tháo gỡ khả quan.
Tháo gỡ cách nào?
Bắc Hà, một trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Lào Cai, tuy nhiên ông Nguyễn Nam Chinh – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà cho biết, việc triển khai Tin học bắt buộc năm học 2022 - 2023 sẽ đúng kế hoạch.
Có được điều này bởi Bắc Hà có lộ trình chuẩn bị và lên phương án thực hiện hiệu quả. Huyện đã đầu tư cho 100% trường học trên địa bàn có phòng học Tin chuyên dụng. Trường nào chưa đủ GV Tin học, phòng GD&ĐT sẽ cử GV Tin học giỏi trường khác hỗ trợ đào tạo GV từ môn học khác kiêm nhiệm. Trường nào không đủ GV kiêm nhiệm sẽ luân phiên GV 2 trường gần nhau (2 trường chung 1 GV Tin học).
Thực tế cho thấy, việc bổ sung biên chế GV Tin học cho các trường tại nhiều địa phương là “bài toán” khó bởi ngành Giáo dục đang trong bối cảnh tinh giản biên chế. Mặt khác, không phải trường vùng khó nào cũng có thể dồn được 100% HS lớp 3 ở các điểm trường lẻ về trường chính học tập. Như vậy càng khó để có đủ nhân lực, vật lực triển khai môn Tin học ở tất cả điểm trường lẻ.
Tuy nhiên, lời giải cho bài toán đội ngũ môn Tin học vẫn có thể linh hoạt theo cách riêng và phụ thuộc vào thực tế địa phương. Ví như, trong quá trình “dồn điền đổi thửa” trường dôi dư lượng nhỏ GV có thể lựa chọn thầy cô có năng lực chuyên môn nhất định, nền tảng tin học cơ bản để cử đi đào tạo văn bằng 2.
Thầy Tạ Văn Kha – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (Quản Bạ - Hà Giang) khẳng định: GV được cử tham gia khóa đào tạo ngắn hạn chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Bởi các thầy cô đều còn trẻ, có nền tảng tin học, ngoại ngữ.
Mặt khác kiến thức tin học cho HS tiểu học chưa quá cao siêu so với năng lực của GV nên không đáng lo lắng. Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ thông tin, GV hoàn toàn có thể tự học, tự bồi dưỡng thêm kiến thức để nâng cao trình độ tin học…
Cô Vũ Thị Thanh cũng cho rằng: Dạy Tin học bắt buộc, các ban ngành chức năng cần có lộ trình đào tạo, tuyển dụng GV. Dù có lộ trình triển khai Tin học bắt buộc đã có nhưng các trường vẫn tuyển GV theo kiểu tự phát, cần đến đâu tuyển đến đó nên không chỉ bị động về nguồn tuyển và chất lượng GV được tuyển cũng khó bảo đảm…