Triển khai Chương trình mới: Nhận diện bất cập tìm giải pháp tháo gỡ

GD&TĐ - Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, thực hiện Chương trình GDPT 2018 nảy sinh một số vấn đề cần giải quyết...

Cô trò Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, Đắk Lắk). Ảnh: NTCC
Cô trò Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, Đắk Lắk). Ảnh: NTCC

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn 10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW với giáo dục phổ thông (GDPT), cụ thể là thực hiện Chương trình GDPT 2018, nảy sinh một số vấn đề cần giải quyết.

Chuyển biến tích cực

- GS đánh giá thế nào về những kết quả đổi mới GDPT, đặc biệt là việc triển khai Chương trình GDPT 2018 thời gian qua?

- Nghị quyết số 29-NQ/TW đã chỉ rõ mục tiêu của GDPT là: Tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời.

Bảo đảm cho học sinh trình độ THCS (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.

Phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Hơn 10 năm qua, triển khai Nghị quyết 29, cụ thể với GDPT là xây dựng, thực hiện Chương trình GDPT 2018 đạt một số kết quả tích cực.

Theo đó, về nhận thức, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã quán triệt đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhà trường và tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội; đặc biệt là thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục. Các lực lượng, cả trong và ngoài ngành Giáo dục có nhận thức đúng đắn hơn vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đổi mới giáo dục, nhất là GDPT; từ đó, tạo sự đồng thuận rộng rãi để thực hiện đổi mới.

Về triển khai: Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình GDPT 2018. Nội dung GDPT được xây dựng và chuẩn hóa theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn.

Sách giáo khoa, tài liệu hỗ trợ dạy và học được biên soạn phù hợp với từng đối tượng học, chú ý đến học sinh dân tộc thiểu số và khuyết tật. Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường sư phạm tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trên toàn quốc; giúp họ hiểu rõ nội hàm đổi mới, cách thức thực hiện dạy - học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội. Ảnh: Mai Thanh

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội. Ảnh: Mai Thanh

7 vấn đề nảy sinh

- Thực tiễn triển khai luôn có vấn đề phát sinh. Với Chương trình GDPT 2018, GS thấy nội dung gì cần được giải quyết?

- Quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 nảy sinh một số vấn đề cần giải quyết.

Thứ nhất, phải thẳng thắn nhìn nhận, không phải tất cả cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã nhận thức đầy đủ, thấu đáo về nội hàm đổi mới. Do đó, chưa có các chương trình hành động kịp thời, sát với thực tiễn địa phương.

Thứ hai, công tác truyền thông còn bất cập. Nhìn chung, các phương tiện truyền thông có nhiều cách để phổ biến tinh thần Nghị quyết 29. Bộ GD&ĐT cũng chủ động trong công tác này.

Tuy nhiên, không phải tất cả cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt. Ngay cả trong nội bộ ngành cũng chưa chắc nhận thức đầy đủ tinh thần đổi mới. Tất nhiên, nhận thức là cả quá trình. Vì vậy, công tác này phải thường xuyên và liên tục.

Thứ ba là vấn đề nhân lực. Thực hiện Chương trình GDPT cần có đội ngũ thực thi. Mặc dù đã tổ chức tập huấn thông qua 9 mô-đun thuộc Chương trình ETEP, nhưng do diễn ra vào thời gian dịch bệnh Covid-19, mặt khác thời gian khá gấp nên “độ ngấm” chưa đến nơi đến chốn; vừa bồi dưỡng, vừa triển khai nên vội vàng.

Một số cơ sở chưa nhận thức đầy đủ cách thức tổ chức do đó cử, hoặc thay đổi cán bộ chưa phù hợp dẫn đến không đảm bảo tính “cốt cán”, “tam sao thất bản” khiến hiệu quả chưa cao. Ngay cả đội ngũ giảng viên sư phạm cũng không phải tất cả nắm vững để thực hiện công tác bồi dưỡng nên có những hệ lụy đáng lưu ý.

Việc chuẩn bị nhân lực cho Chương trình GDPT 2018 lẽ ra cần làm sớm hơn. Tác động khác không thể bỏ qua là mức sống của thầy cô còn khó khăn đã chi phối đáng kể đến công việc đòi hỏi tâm sức và trí tuệ mỗi người. Nhiều môn học thiếu giáo viên, nhất là vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc.

Thứ tư là tính đồng bộ trong quản lý và triển khai. Còn một số cán bộ quản lý do nhận thức nên duy trì cách làm cũ. Điều này chẳng những cản trở mà còn làm thầy cô bị bó buộc và ái ngại khi đổi mới.

Thứ năm là sự đồng bộ trong dạy học và thi cử. GDPT mang tính toàn diện. Dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học là cả quá trình. Bài toán “học gì thi nấy” hay “thi gì học nấy” vẫn đặt ra. Hơn nữa, việc dạy đang gặp khó khăn; ra đề kiểm tra, đánh giá thi cử theo cách thức mới cũng là thách thức không nhỏ với thầy cô.

Thứ sáu về cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị. Chương trình GDPT 2018 yêu cầu trang thiết bị tối thiểu. Thực tế, trong số trang thiết bị trước đây có thể tận dụng lại một phần đáng kể. Tuy nhiên do bảo quản và một thời gian dài không khuyến khích sử dụng, kèm theo kiểm tra, thi cử ít liên quan nên việc sử dụng chưa hiệu quả.

Đến nay, khi cần thì không phải cơ sở nào cũng có thể đáp ứng ngay. Phòng học, thực hành vùng khó khăn chưa kiên cố hóa hoàn toàn; các thành phố lớn thiếu trường lớp dẫn đến sĩ số cao, việc triển khai hoạt động giáo dục gặp khó.

Thứ bảy là Chương trình giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm và tiếng dân tộc. Một trong các yếu tố mở trong Chương trình GDPT 2018 là Chương trình giáo dục địa phương. Tuy vậy, việc này diễn ra chậm, tác động đến vận hành tổng thể chương trình.

Không ít địa phương lúng túng khi thực hiện. Hoạt động trải nghiệm chưa được hướng dẫn đầy đủ, vì vậy chưa thực sự hiệu quả, có nơi còn hình thức. Đối với tiếng dân tộc, không phải các dân tộc đều có chữ viết. Mặt khác, đội ngũ biên soạn tài liệu học tập cho tiếng dân tộc không dễ tìm. Vì vậy, cần có lộ trình thích hợp.

Giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ). Ảnh: NTCC

Giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ). Ảnh: NTCC

Sát thực tiễn, kế hoạch rõ ràng

- Cần làm gì để khắc phục những vấn đề đặt ra nói trên, thưa GS?

- Việc cần làm, theo tôi là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết 29 và có chương trình hành động cụ thể, sát với thực tiễn theo một lộ trình, kế hoạch rõ ràng. Cùng đó, tăng cường công tác truyền thông, chú trọng truyền thông nội bộ.

Công việc rất quan trọng là tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cụ thể, thiết thực, nhất là phương pháp giáo dục, cách thức kiểm tra đánh giá.

Các cơ sở giáo dục cần chủ động hơn trong công việc này. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị kịp thời và kế hoạch cụ thể. Nhanh chóng có giải pháp cải thiện điều kiện thu nhập cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Cũng cần tiếp tục đốc thúc thực hiện Chương trình giáo dục địa phương, tiếng dân tộc, hoạt động trải nghiệm để triển khai đồng bộ Chương trình GDPT 2018.

Với cơ sở đào tạo sư phạm cần gắn bó mật thiết hơn với địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; sát với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương.

Một việc nữa có tính lâu dài và bền vững đó là tiếp tục chuẩn bị đội ngũ. Trong đó, ngoài bồi dưỡng thì đào tạo mới đội ngũ giáo viên là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn. Gắn liền với việc này là thực hiện kịp thời Nghị định 116 sửa đổi của Chính phủ về hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm.

Hơn nữa, việc thúc đẩy và ban hành Luật Nhà giáo sẽ tạo hành lang pháp lý cũng như xác định hoạt động của nhà giáo. Qua đó, tạo động lực để những yêu cầu, chế độ, chính sách, quyền lợi của nhà giáo được tường minh hơn.

Một việc mang tính căn cơ của hệ thống đó là nghiên cứu một cách khoa học, thực tiễn, xét đến các yếu tố địa lý, lịch sử để cơ cấu lại hệ thống đào tạo sư phạm; tạo được hệ thống chủ lực cùng với hệ thống vệ tinh để công tác đào tạo sư phạm chất lượng hơn. Trong đó, không chỉ đào tạo mà còn làm tốt công tác nghiên cứu khoa học giáo dục, tư vấn chính sách.

Thực hiện đồng bộ các nội dung nêu trên, với quyết tâm chính trị và sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cả xã hội mà chủ lực là thầy cô và cán bộ quản lý giáo dục chúng ta kỳ vọng sẽ có những thay đổi tích cực hơn trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn GS!

Về tổng thể, tinh thần đổi mới thông qua Chương trình GDPT 2018 bước đầu tạo chuyển biến tích cực, cả nhận thức, triển khai trong toàn hệ thống và phù hợp với xu thế giáo dục tiến bộ trên thế giới. Đây là tiền đề quan trọng nhằm tạo đà cho chuyển biến có tính căn cốt là phát triển phẩm chất, năng lực người học thay vì chỉ nặng về trang bị kiến thức. GS Nguyễn Văn Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ