Việc bố trí đội ngũ để dạy học các môn này được nhà trường, địa phương lưu ý đặc biệt, bởi triển khai việc chưa có tiền lệ luôn đi kèm theo khó khăn, thách thức.
Xác định lộ trình riêng chuẩn bị đội ngũ
Từ học kỳ I năm học 2020 - 2021, Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình đã lên kế hoạch dự kiến phân công giáo viên (GV) có trình độ, năng lực để dạy Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý lớp 6 năm học 2021 - 2022. Cán bộ, GV nhà trường tham gia đầy đủ hoạt động tập huấn trực tiếp, trực tuyến về Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 do Bộ/sở/phòng GD&ĐT tổ chức.
Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng, dù trường chủ động từ sớm, nhưng sẽ có khó khăn không tránh khỏi, bởi đội ngũ quen với cách dạy riêng rẽ từng môn học. Hình thức quản lí nhà trường, hoạt động chuyên môn của GV cũng quen với cách tách biệt các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý…
“Nhà trường xác định lộ trình riêng về bồi dưỡng và phân công người dạy, bổ sung phòng học và thiết bị dạy học, liên kết với các cơ sở giáo dục, cơ quan nghiên cứu, cơ sở sản xuất… để tổ chức cho HS trải nghiệm và tìm tòi, khám phá. Đồng thời, tiến hành các biện pháp hỗ trợ như bồi dưỡng, tự bồi dưỡng GV để có vốn tri thức rộng và khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức liên quan. Trong hoạt động chuyên môn, nhà trường bố trí lại theo hướng: GV trong tổ bộ môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội hỗ trợ lẫn nhau những nội dung, chủ đề tích hợp” – thầy Nguyễn Tiến Dũng nêu giải pháp.
Chia sẻ khó khăn tương tự, từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, cho biết: Một số cơ sở giáo dục còn thiếu GV các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Ví dụ, có trường chỉ có 1 GV môn Hóa học. Việc giảng dạy theo chương trình hiện hành (môn Hóa chỉ có ở lớp 8, lớp 9) đã khó khăn; nay thêm môn Khoa học tự nhiên ở khối lớp 6 sẽ là thách thức với các cơ sở giáo dục. Hơn nữa, trình độ chuyên môn của mỗi GV giảng dạy từng phân môn trong trường không đồng đều. Cần có một bộ phận GV còn có tư tưởng ỷ lại, không có ý thức phấn đấu...
“Xác định được khó khăn trên, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THCS trong huyện ưu tiên sắp xếp đội ngũ GV tốt nhất giảng dạy lớp 6 năm học 2021 - 2022, trong đó đặc biệt chú trọng tới 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Đồng thời, tham mưu UBND huyện bố trí, điều động, luân chuyển GV hợp lý. Bảo đảm các trường có đủ GV giảng dạy môn học trên. Ngoài ra, có kế hoạch bồi dưỡng GV, tiến dần tới 1 GV có thể đảm nhiệm ít nhất 2 đến 3 phân môn trong môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý” – ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Lưu ý phân công GV, tổ chức giảng dạy
Năm học 2021 - 2022, tỉnh Vĩnh Long có 97 cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy lớp 6 theo Chương trình GDPT năm 2018. Dự kiến có khoảng 2.207 GV tham gia giảng dạy khối 6 năm học 2021 - 2022, trong đó có 326 GV dạy môn Khoa học tự nhiên, 230 GV dạy môn Lịch sử và Địa lý.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long Trịnh Văn Ngoãn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là 2 môn học tích hợp nên phân công GV và tổ chức giảng dạy có những nét khác biệt so với chương trình hiện hành. Cụ thể, ở chương trình hiện hành, Lịch sử, Địa lý là 2 môn độc lập, mỗi môn được bố trí 1 tiết/lớp/tuần ở khối 6. Nhưng theo Chương trình GDPT 2018, 2 môn này được tích hợp với nhau thành môn học Lịch sử và Địa lý, bố trí 105 tiết/lớp/năm học ở khối 6 (bình quân 3 tiết/lớp/tuần).
Tương tự, HS lớp 6 theo chương trình hiện hành chỉ được học môn Vật lý 1 tiết/lớp/tuần, môn Sinh học 2 tiết/lớp/tuần và chưa được học môn Hóa học. Tuy nhiên, theo chương trình mới, HS lớp 6 được học môn Khoa học tự nhiên với thời lượng 140 tiết/lớp/năm học (bình quân 4 tiết/lớp/tuần). Đây là môn tích hợp của các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học theo chương trình hiện hành.
Từ năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT Vĩnh Long chủ động yêu cầu các cơ sở giáo dục đánh giá năng lực đội ngũ, lựa chọn GV năng lực tốt, có trách nhiệm cao để phân công giảng dạy khối 6 nói chung, các môn học tích hợp nói riêng. Tính đến nay, tất cả GV được phân công giảng dạy lớp 6 năm học 2021 - 2022 (2.207 GV) được tập huấn giới thiệu SGK lớp 6, nghiên cứu sách và có các bước chuẩn bị về chuyên môn để khi triển khai không bị bỡ ngỡ” – ông Trịnh Văn Ngoãn thông tin.
Tuy địa phương, cơ sở giáo dục, GV đã chủ động chuẩn bị cả về chuyên môn lẫn tinh thần, nhưng quá trình triển khai cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Một trong số đó, theo ông Trịnh Văn Ngoãn là số giờ dạy/năm học của từng phần (Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học...) tăng lên so với chương trình hiện hành, dẫn đến khó khăn về nhân sự (thiếu, thừa cục bộ giữa các môn), nhất là nhân sự môn Hóa học. Khó khăn này, địa phương có thể chủ động điều tiết; nhưng về lâu dài, khi triển khai thực hiện ở các lớp 7, lớp 10 và những năm tiếp theo sẽ rất khó khăn nếu không có sự chuẩn bị sớm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn lại xác định khó khăn trong sắp xếp thời khóa biểu, bố trí GV đứng lớp. Ví dụ: Môn Khoa học tự nhiên được bố trí theo chủ đề, trong đó có chủ đề đầu liên quan nhiều đến phân môn Hóa học, nhưng chủ đề sau lại liên quan nhiều đến Sinh học, Vật lý. Vì vậy, nếu không bố trí hợp lý, giai đoạn đầu GV phân môn Hóa học sẽ rất vất vả, trong khi GV các phân môn Vật lý, Sinh học lại không có nội dung để lên lớp.