Thổi hồn cho tác phẩm văn học dân gian
Từ SGK, truyện cổ tích Tấm Cám thân quen bước lên bục giảng đã cho học sinh hiểu rõ hơn giá trị sống trong xã hội phân chia giai cấp bằng mối quan hệ “mẹ ghẻ con chồng”. Truyền thuyết Bánh chưng bánh giầy vốn là câu chuyện đẹp về sự tích đặc sản ẩm thực có truyền thống từ ngàn xưa cũng được theo suốt chương trình học của HS từ tiểu học lên trung học.
Thế nhưng khi được trải nghiệm bằng các loại hình nghệ thuật, các tác phẩm văn học dân gian (VHDG) bắt đầu tự thân lột xác. Những tác phẩm VHDG đã thật sự hóa thân ngọt ngào trên sàn diễn bởi công sức lao động nghệ thuật vất vả của các lớp khối 10.
Trong 3 tháng thiết kế vở diễn, HS lại bắt đầu hành trình khám phá các tác phẩm bằng những góc nhìn khác. Văn bản không chỉ đối thoại bằng ngôn ngữ SGK mà được HS đánh thức bằng hình thức sân khấu hóa với lớp vỏ ngôn ngữ đời thường trên sàn diễn. Đây cũng là khoảng thời gian các em huy động rất nhiều kiến thức về môn học CNTT. Để có tác phẩm sân khấu chỉn chu, các nhóm phải tự bắt tay viết kịch bản, phân vai, thực hành diễn xướng.
Các em phải băng qua một hành trình nhiều cửa ải thử thách khi ứng dụng CNTT vào các công đoạn “hoài thai” từng sản phẩm nghệ thuật. Ngoài dựng bảng treo, tìm kiếm phông nền sân khấu, các nhóm phải biết thiết kế PowerPoint, poster, thực hành cắt ghép các đoạn phim, ghép nhạc, thu lời bài hát... Hết săn lùng trên mạng, các em tìm người để học hỏi kinh nghiệm và sau đó lên kế hoạch soạn thảo văn bản và chương trình... Tất cả trong một hành trình khép kín mà chưa bao giờ thử sức.
Bằng tinh thần làm việc nhóm, HS đã tìm những cách mới lạ, sáng tạo để vào vai một cách hoàn thiện nhất. Có thể nói 2 tiết mục “đinh” của tập thể lớp 10A5 và 10A12 đã được trau chuốt hoàn hảo từ giai đoạn tập dượt đến khi ra mắt qua vòng thi sơ khảo. Bên cạnh đó, mảng ca dao dân ca, các bài vè, hò đối đáp như Vè trái cây rau củ, Đối đáp giao duyên cũng được lên tiếng bởi công sức diễn xướng của 2 tập thể lớp 10A5 và 10A8.
Tiết mục có sự hỗ trợ từ âm nhạc đã tạo nên một sắc màu mới trong nghệ thuật diễn xướng dân gian. Hình thức diễn xướng bằng các tích trò dân gian đã làm sáng tỏ thêm từng đặc trưng cơ bản của VHDG. Những tác phẩm VHDG đã được các nghệ nhân điền dã thổi thêm luồng sinh khí mới.
Kỹ năng ứng dụng CNTT thỏa sức tung hoành
Với tư cách người đứng trên bục giảng và đồng hành cùng dự án, cô Lê Thị Hoài Thanh – GV bộ môn Ngữ văn - chia sẻ: “Diễn xướng dân gian đã trở thành phép màu kỳ lạ cho người dạy có cơ hội khắc phục những bất cập trong chương trình giữa thời gian cho phép và khối lượng kiến thức cần phải truyền đạt.
Diễn xướng còn là cánh cửa mở rộng những chân trời tri thức quan trọng, bổ sung từng vấn đề chưa được đặt ra trong chương trình chính khóa”. Theo cô, đó còn là lăng kính tuyệt vời tăng cường tính xã hội, tính thời sự cho nội dung bài đã học, qua đó người học hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa dân gian của quê hương, đất nước.
Bảo Trân – lớp 10A5 khẳng định: “Tác phẩm VHDG được khai thác nhiều hơn thông qua hình thức diễn xướng dân gian ở nhiều góc độ và làm thỏa mãn nhu cầu sống lại tác phẩm VHDG trong môi trường diễn xướng. Thông qua các hình thức diễn bằng lời, nhạc, vũ, VHDG đã lấp lánh hiện lên từng vẻ đẹp độc đáo khi được diễn xướng”. Nguyễn Hoàng Thịnh – lớp 10A2 cho biết, nhờ hình thức diễn xướng mà HS dễ dàng nắm vững nội dung của một số thể loại VHDG hơn, điều mà thầy cô và HS rất khó thực hiện trong giờ học chính khóa do hạn chế về thời gian và điều kiện của lớp học nhỏ.
Quá trình song hành cùng dự án, cô Lê Thị Mỹ Tiên – GV bộ môn Tin học - đã trở thành người dẫn đường tin cậy cho các công đoạn thực hành và ứng dụng CNTT vào từng sản phẩm nghệ thuật. Trong giảng dạy, tích hợp liên môn như một ngôi nhà được xây dựng trên nền tảng vững chắc để chứa đựng tri thức khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội.
Ứng dụng CNTT vào trong ngành GD-ĐT và đặc biệt đối với công cuộc đổi mới phương pháp dạy học là một nhu cầu sống còn mà thời đại 4.0 đã đặt ra. Đó còn là sự đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, phương pháp hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá chất lượng GD, gắn nhà trường với thực tiễn cuộc sống, hình thành năng lực giải quyết vấn đề của HS trung học. Những kỹ năng ứng dụng CNTT không bị ràng buộc bởi bất kỳ dây trói nào mà thỏa sức tung hoành trong dự án.