Tri ân người thầy: Nên thường xuyên hơn

GD&TĐ - Tri ân thầy cô phải được coi là nhiệm vụ quan trọng của nhà giáo dục. Chứ không phải chỉ chú trọng xây được nhiều trường to, trang bị nhiều phương tiện hiện đại. Nếu ở trong những ngôi trường hiện đại ấy mà tình thầy trò lợt lạt thì nhiệm vụ của các nhà giáo xem như đã thất bại.

Tri ân người thầy: Nên thường xuyên hơn

“Chúng em yêu thầy”, “Mãi yêu thầy”... Những tấm bảng gỗ hoặc bìa giấy được học sinh Trường THPT Hoa Lư A (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) giương cao trên sân trường, các em cùng hát vang bài hát Bụi phấn để tặng thầy, hoặc có em lặng lẽ góc trường với đôi mắt đỏ hoe... Đó là những hình ảnh của buổi sáng đầy xúc động trong buổi chia tay thầy hiệu trưởng Nguyễn Trọng Khánh diễn ra mới đây.

Câu chuyện tiễn đưa thầy của học sinh Trường THPT Hoa Lư A lập tức lan nhanh trên mạng. Tình yêu và sự kính trọng người thầy của các em lúc nào cũng hồn nhiên nhưng không kém mãnh liệt.

Câu chuyện trên truyền đi thông điệp: Truyền thống biết ơn thầy cô không bao giờ vơi. Chỉ tiếc là các hoạt động tri ân thầy cô còn ít được tổ chức trong nhà trường hiện nay.

Có nhiều nguyên nhân: có thể do phải chạy theo hoạt động chính là dạy và học, chạy theo các phong trào thi đua khiến nhà trường không còn thời gian. Nhưng cũng có thể do nhà trường chưa thấy hết ý nghĩa của hoạt động này.

Và càng ít hoạt động tri ân thầy cô thì công tác trồng người chưa trọn vẹn, thêm khó khăn. Các nhà giáo dục nhấn mạnh mỗi lần tri ân thầy cô sẽ giúp học trò thấy được vẻ đẹp của người có công dạy dỗ mình mà trước đó các em chưa nhận ra.

Tình thương, lòng bao dung và cả sự hy sinh thầm lặng của người thầy mang lại sự kính trọng và biết ơn trong học sinh. Kính trọng thầy cô là thành trì đạo đức học đường mà các nhà giáo dục khuyên phải giữ lấy và vun trồng vì chúng tạo nên những con ngoan trò giỏi, vì chúng làm cho sứ mệnh trồng người thêm thiêng liêng.

Ở ý nghĩa xã hội, chúng bảo vệ không chỉ kỷ cương nhà trường mà còn cho xã hội sau này khi học sinh khôn lớn.

Theo các giáo viên kinh nghiệm, có rất nhiều cách thức tổ chức hoạt động tri ân thầy cô nhưng tựu trung có hai dạng chính.

Một là tri ân một người thầy cụ thể nhân một dịp nào đó như về hưu, chuyển công tác... Hai là tri ân về một hành động hay một câu chuyện đẹp về thầy cô.

Một hiệu trưởng có hơn 30 năm dạy học cho biết ông có thể kể ra nhiều câu chuyện về sự chịu thương chịu khó của các thầy cô đang hàng ngày dạy dỗ học trò của mình nếu tập trung quan sát.

Chẳng hạn, một em học sinh bị cảm sốt trong giờ học nhận được sự chăm sóc tận tình của cô như người mẹ; một học sinh đang gặp bế tắc trong cuộc sống do cha mẹ chia tay đã kịp nhận được lời an ủi của thầy; hay chỉ đơn giản là thầy cô đi cổ vũ một trận cầu của học sinh…

Những câu chuyện bình thường ấy hầu như ở trường nào cũng có, nếu kịp thời phát hiện và kể ra cho mọi người cùng nghe sẽ như một thứ dinh dưỡng nuôi lớn sự kính trọng thầy cô trong lòng học sinh; đồng thời là nguồn năng lượng truyền cảm hứng để người thầy thăng hoa trong nghề nghiệp, dốc lòng vì thế hệ mai sau.

Chúng tôi nghĩ không nhất thiết phải dấy lên thành một phong trào tri ân thầy cô mà chỉ cần xây dựng ý thức thường trực trong lãnh đạo nhà trường, giáo viên và cả học sinh. Nếu được thì ngành giáo dục địa phương cần khuyến khích nhà trường quan tâm nhiều hơn đến hoạt động tri ân.

Cách thức tiến hành nhẹ nhàng nhưng chân thật. Đó có thể là một buổi sinh hoạt dưới cờ, hiệu trưởng kể về câu chuyện một giáo viên đã giúp đỡ học sinh của mình, em học sinh mang đến những bông hoa tươi thắm tặng thầy cô.

Đó có thể là buổi giới thiệu thầy cô mới về trường, vài dòng tiểu sử, bông hoa và pháo tay. Hoặc tổ chức một nhóm nhỏ học sinh đến thăm khi hay tin thầy cô bệnh… Tùy vào điều kiện mà nhà trường tổ chức với các hình thức khác nhau xoay quanh chủ đề này. Nhưng tuyệt đối không làm theo kiểu hình thức, phong trào; không xuất phát từ tấm lòng, tự nguyện.

Chúng tôi thích ví hình ảnh người thầy với người gieo hạt. Ngày hôm nay người thầy gieo hạt yêu thương thì ngày mai sẽ nhận được cả mùa hoa trái ngọt ngào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.