Nước mắt thầy giáo thương học trò
Cuộc sống cứ trôi đi, có khó khăn vất vả, có những lúc tưởng chừng bỏ cuộc, lại hiện lên đôi mắt và cái nắm tay của thầy hiệu trưởng Hải Anh ngày nào: Thầy tin em sẽ vượt khó giữ trọn hạnh phúc!
Sinh ra trong một gia đình nông thôn ở Hà Tĩnh, nhà đông con và cái nghèo đeo bám quanh năm với lam lũ của mẹ và gánh nặng của cha, Dung đã quyết tâm đi xuất khẩu lao động nước ngoài để có thể đỡ đần cho gia đình.
Được bạn bè và người quen giới thiệu, cô tìm đến Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực AIC (Thuận Thành, Bắc Ninh) để học tiếng Trung với mong muốn đi làm việc tại Đài Loan.
Thời gian ấy, cô đã yêu và có tình cảm với một anh cùng quê. Tình cảm vốn rất tốt đẹp với bao dự định thì đến một ngày, anh không may bị tai nạn. Đau xót hơn khi bác sĩ cho biết rằng, anh sẽ bị cưa hai chân đến tận đùi.
Nước mắt bắt đầu lăn dài trên chuỗi ngày tháng sau đó của đôi bạn trẻ. Những tưởng tình yêu sẽ không đi đến đâu nhưng Hương quyết tâm sẽ không bỏ mặc anh mà sẽ lấy anh làm chồng, sẽ chăm sóc anh suốt cuộc đời này.
Tin ấy làm bố mẹ hai bên gia đình thương xót, lo lắng. Bao câu hỏi dồn nén: Chồng tật nguyền chăm bản thân còn khó, nuôi vợ ra sao? Rồi con cái thế nào? Tương lai quả thật mờ mịt.
Thậm chí, bố mẹ Dung vì thương con nên đã gọi điện lên trường nhờ thầy Hiệu trưởng Tạ Hải Anh khuyên nhủ học viên, rằng đừng nhắm mắt đưa chân rồi lỡ dở cả đời.
Coi học viên như những người thân và xót xa cho số phận của một người con gái còn trẻ, thầy Hải Anh đã suy nghĩ, trăn trở bao đêm. Như một người anh, thầy đã nói chuyện với Hương nhiều lần, lắng nghe học trò tâm sự, phân tích cho Huơng hiểu cuộc sống sẽ phải cố gắng lên gấp bội phần, thiệt thòi gấp trăm lần, cần chuẩn bị tâm thế ra sao cho cuộc sống phía trước...
Và nước mắt đau khổ xen lẫn sự quyết tâm, Dung nói: “Cuộc đời sướng, khổ em tự chịu, em không hối hận thầy à!". Khuyên trò cứng cỏi, tự tin, nhưng chính thầy Hải Anh cũng không kìm được nước mắt.
Thầy Hải Anh động viên Huơng học tập để hoàn thành khóa học, đồng thời quyên góp tiền để lo cho đôi bạn trẻ có được đám cưới ra mắt họ hàng.
Thầy hiệu trưởng Tạ Hải Anh đã không ngại đường xa, tổ chức dẫn cả lớp về dự đám cưới để động viên cô gái trẻ đầy nghị lực. Đó có lẽ là đám cưới kỳ lạ nhất, khi cả cô dâu chú rể lẫn khách mời thỉnh thoảng lại lén lau vội giọt nước mắt.
Đưa dâu, tặng cô học trò cọc tiền quyên góp được 7 triệu đồng, thầy Hải Anh thấy cay cay sống mũi. Cô trò nhỏ mặc chiếc áo dài trắng, đôi dép cũ kĩ xách túi quần áo đẩy chồng trên xe lăn trong ngày cưới không cỗ, không hoa.. Muốn nói bao điều mà sao lúc đó chỉ nghẹn ngào nắm tay Dung thật chặt.
Hiện Dung đang sống và làm việc tại Đài Loan với mức thu nhập cao. Hai vợ chồng vẫn không quên ơn người thầy đã tạo điều kiện và luôn ở bên học viên khi các em gặp khó khăn nhất về vật chất cũng như tinh thần.
Có thầy, em có gia đình!
Đi làm xa rồi, có chút "thành tựu" của một người đàn ông, Hoàng viết thư gửi thầy Hải Anh: Em không nghĩ rằng thầy lại quan tâm đến em nhiều như thế, và khi nghe lời thầy, gọi dì, gọi bố, nhận được ánh mắt trìu mến của người thân, lòng em bỗng dưng nhẹ nhõm hơn... Có thầy, em có gia đình!
Đến AIC, lật giở từng lá thư của biết bao khóa học viên đã làm việc và học tập tại nước bạn gửi về nhà trường và thầy cô, lá thư của học viên Nguyễn Văn Hoàng với chất chứa tâm sự biết ơn thầy cô có lẽ đặc biệt nhất.
Là con trai trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt ở Hà Nội. Chàng trai trẻ đã bất mãn với tất cả mọi người, mất niềm tin vào cuộc sống.
Rồi bố Hoàng đi bước nữa. Từ đó, Hoàng càng chán ghét gia đình mình, ghét cả người dì đã về nhà sống thay thế mẹ. Hoàng bắt đầu sinh ra ngang ngược, bướng bỉnh và không ai có thể làm cậu sợ.
Nghĩ Hoàng giờ đi làm tự lập có thể cân bằng được cuộc sống, gia đình gửi cậu đi đào tạo tiếng tại AIC để xuất khẩu lao động.
Với một môi trường thân thiện nhưng nghiêm khắc về nội quy, quy định, với bản tính cũ, Hoàng đã rất khó khăn để theo học giống như các bạn.
Lúc đó, thầy Hiệu trưởng Tạ Hải Anh đã tự mình tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình học viên rồi gọi riêng lên phòng trò chuyện.
Giãi bày về những suy nghĩ, sự căm hận của mình với gia đình, Hoàng đã khóc. Những suy nghĩ tiêu cực len lỏi vào đầu óc của một cậu bé mới chỉ đôi mươi làm thầy Hải Anh không khỏi xót xa.
Khuyên nhủ và phân tích cho Hoàng rất nhiều, chàng trai bướng bỉnh vẫn chưa nguôi nỗi hận thù. Thầy Tạ Hải Anh không đành lòng nhìn người học viên giống như người em trai, người thân của mình sa ngã. Vậy nên gần như thầy Hải Anh chuyển hẳn vào trường để sống cùng học trò, ngày ngày rủ rỉ, chỉ bảo, khuyên lơn...
Mưa dầm thấm lâu, tình cảm chân thành của thầy đã được Hoàng cảm nhận. Để một ngày, thầy Hải Anh cùng một nhóm học viên đưa Sơn về thăm gia đình. Cậu con trai ngỗ ngược ngày nào hiền lành gãi đầu xin lỗi bố và dì. Thật không lời nào tả được niềm vui của gia đình Sơn lúc đó.
Hiện, Hoàng đã có việc làm ổn định bên nước bạn, thường xuyên gửi tiền về giúp gia đình avf không quên những lá thư gửi người thầy đã làm cuộc đời em thay đổi.
Nhà trường đâu chỉ là nơi dạy chữ
Thầy Tạ Hải Anh sinh năm 1976, về công tác tại AIC được 15 năm, từ làm giáo viên rồi đến quản lý, cũng là ngần ấy thời gian thầy gắn bó với từng thế hệ học viên, được nghe những câu chuyện cảm động, được thấu hiểu từng mảnh đời khó khăn và không kém bất hạnh của những người em còn rất trẻ, được các em coi mình như người thân, người bạn để sẻ chia. Đối với thầy, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong nghề.
Và không chỉ đào tạo kĩ năng học tập, kĩ năng làm việc, điều thầy quan tâm nhất đó là kĩ năng sống của những chàng trai, cô gái còn rất trẻ.
Thầy Hải Anh chia sẻ: Nhiều khi thấy mệt mỏi, có lúc khó khăn định buông xuôi, nhưng nhìn thấy các em có hoàn cảnh khó khăn và có nhiều gia đình phải khóc vì bị các công ty lừa đảo mất cả tiền, mà vẫn không được đi lao động. Lại tự nhủ tiếp tục xốc tới, làm việc tốt hơn nữa.
AIC giờ tiếng lành bay xa, rất nhiều học viên tìm đến đây để bồi dưỡng tri thức, rèn luyện kỹ năng để làm việc trong môi trường lao động quốc tế.
Câu chuyện về hướng phát triển AIC đang rôm rả, tiếng điện thoại reo vang, thì ra là "báo cáo ngắn gọn" của cậu học trò Kiều Minh hiện đang làm việc bên Nhật:
"Thầy ơi, em ổn định cuộc sống bên này rồi. Phía Nhật đánh giá cao năng lực của lao động Việt Nam lắm. Em có người bạn muốn học ở đây, em giới thiệu rồi, thầy giúp bạn ấy thầy nhé...".
Cậu học trò vẫn tâm sự rủ rỉ với thầy. Có lẽ cậu cảm thấy được niềm tự hào trong giọng nói thân quen, dù không nhìn thấy những lấp lánh vui trong đôi mắt thầy giáo Hải Anh.