Trên đỉnh Hải Vân

GD&TĐ - Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một clip nói về chuyện đánh nhau trên đỉnh đèo Hải Vân giữa hai chủ quán.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Người ở quán bên này hướng dẫn cho anh tài xế xe chở khách du lịch “xịch tới một xíu” để khỏi ảnh hưởng đến quán bên cạnh. Thế nhưng, thay vì cho xe dịch chuyển chầm chậm, bác tài đạp ga hơi quá một tí nên húc vào chiếc xe đang đỗ trước mặt của quán bên cạnh. Thế là cãi nhau rồi lao vào đánh nhau như những đấu sĩ!

Đỉnh Hải Vân, ranh giới giữa hai thành phố Đà Nẵng và Huế vốn là nơi nghỉ xả hơi của cánh lái xe sau khi “bò” tới đỉnh đèo từ hai phía. Từ đây có thể quan sát khá rõ thành phố Đà Nẵng cũng như toàn cảnh hùng vĩ của hai bên đèo.

Mặc dù có hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân hơn 20 năm nay nhưng các tour du lịch vẫn chọn cách leo đèo để du khách được đặt chân lên đỉnh Hải Vân mà “chớp bóng nuôi phây”.

Việc du khách dừng đỗ trên đỉnh Hải Vân là điều kiện tốt để các hàng quán mọc lên tại đây. Hơn 20 năm trước, trên đỉnh núi này có một “kỳ nhân” tên Lại Phiền Hà, mở hàng quán đầu tiên phục vụ du khách - theo đúng nghĩa của từ này. Ông Hà có chữ lót là Thanh - Lại Thanh Hà, nhưng xét thấy bản thân hay làm phiền vợ con nhiều lần nên ông đổi chữ Thanh thành chữ Phiền - Lại Phiền Hà.

Những ai từng qua đây lúc chưa nhiều hàng quán như bây giờ, không thể không biết đến “kỳ nhân” này. Tên thì vậy nhưng chưa làm phiền ai cả, ngược lại ông phục vụ khách tận tình, chu đáo. Nội cái việc xây toilet tại điểm dừng chân này để đáp ứng nhu cầu của khách là một “sáng kiến vượt thời gian” của ông Lại Phiền Hà. Trước đó, khách du lịch lên tới đỉnh đèo là chọn bụi bờ để xả vì không có sự chọn lựa nào.

Theo chân Lại Phiền Hà, một số người cũng đến đây để mở quán bán nước giải khát. Dần dần hình thành trên đỉnh đèo này một “xóm bán nước”. Cảnh chèo kéo du khách bắt đầu xuất hiện từ đấy. Nằm giữa hai di sản thiên nhiên thế giới là Huế và Hội An - Mỹ Sơn mà chèo kéo khách Tây dai như đỉa thì cũng khó coi nên chính quyền địa phương cũng đã hơn một lần quán triệt cho số bán nước này rằng phải cạnh tranh lành mạnh chứ không được dùng “vũ lực” để tranh khách.

Trật tự đã được lập lại sau khi chính quyền “quán triệt”. Những tưởng mọi thứ đã đi vào quy củ, “vừa lòng khách đến, hài lòng khách đi” thì nổ ra chuyện đánh nhau như đã xuất hiện trên mạng xã hội mới đây.

Buôn bán thì cần phải có cạnh tranh để khách có sự chọn lựa nhưng phải “cạnh tranh lành mạnh” bằng thái độ phục vụ, bằng giá cả phải thơm - ngon - bổ và… rẻ chứ không nên cạnh tranh bằng nắm đấm như thế. Chứng kiến cảnh đánh nhau, mặt bên nào cũng đằng đằng sát khí như trong clip thì “bố thằng Tây” cũng chạy chứ đừng nói đến chuyện dừng chân để ngắm cảnh.

Để không tái diễn cảnh này nữa, chính quyền địa phương không nên dừng lại ở “tuyên truyền giáo dục” bằng việc nhắc nhở mà cần phải có chế tài xử phạt nghiêm minh. Cứ đánh vào túi tiền thì ắt sẽ có “trật tự” thôi. Cần phải trả lại sự trong lành cho một nơi được xem là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều loại nồi, chảo trên thị trường không chỉ khó sử dụng mà còn độc hại. (Ảnh: ITN).

5 loại nồi, chảo không nên mua

GD&TĐ - Nhiều loại nồi, chảo trên thị trường không chỉ khó sử dụng mà còn độc hại. Vì vậy, chúng ta phải hết sức chú ý khi lựa chọn.