Tỷ lệ trẻ em Việt Nam béo phì tăng vì dinh dưỡng và vận động

GD&TĐ - Ít ăn rau, thiếu vận động thể lực, trẻ em Việt Nam đối mặt với các yếu tố nguy cơ chính gây nên các bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành như: Tim mạch, đái tháo đường, ung thư… 

Tăng cường vận động thể lực sẽ giúp kiểm soát cân nặng ở trẻ. Ảnh minh họa.
Tăng cường vận động thể lực sẽ giúp kiểm soát cân nặng ở trẻ. Ảnh minh họa.

Chỉ 18% học sinh thường xuyên ăn rau trong ngày

Trẻ em và học sinh (HS) trong các trường học hiện nay chiếm gần 1/4 dân số Việt Nam (khoảng gần 23 triệu người). Đây là đối tượng đang trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần và hình thành các hành vi lối sống.

Tình trạng sức khỏe ở lứa tuổi này sẽ quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, hiện tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi ở nước ta vẫn còn ở mức cao (24,6% năm 2015), ảnh hưởng lớn đến phát triển chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ béo phì, thừa cân lại gia tăng nhanh, nhất là tại khu vực thành thị.

Năm 2015, điều tra của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em là 5,3%. Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho thấy, tỷ lệ thừa cân và béo phì của học sinh lớp 5, 9 và 12 năm 2017 ở Hà Nội là 18,6%. Con số này cao hơn so với tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009 - 2010 trên toàn quốc.

Theo TS Trương Đình Bắc, điều tra của Bộ Y tế cho thấy, chỉ có khoảng 18% HS thường xuyên ăn rau trong ngày; 20% HS bảo đảm vận động thể lực 60 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Một người ít vận động sẽ tăng 20 - 30% nguy cơ tử vong do nhiều nguyên nhân.

Chế độ dinh dưỡng không bảo đảm bao gồm thiếu dinh dưỡng và dinh dưỡng không hợp lý (ăn thiếu rau và trái cây, ăn nhiều chất béo no, chất béo chuyển hóa và ăn nhiều muối…).

TS Trương Đình Bắc cũng cảnh báo thêm tình trạng, người Việt đặc biệt là trẻ em rất thích đồ chiên, rán và nước ngọt. Song song với đó, tỷ lệ thừa cân béo phì cũng tăng nhanh. Tại nhiều bệnh viện đã ghi nhận tình trạng trẻ hoá các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp…

Phấn đấu tăng tỷ lệ bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng

Trong Chương trình Sức khoẻ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg, chăm sóc sức khoẻ trẻ em là một trong 11 nội dung ưu tiên giai đoạn 2018 - 2030.

Cụ thể, Chương trình đặt mục tiêu tới năm 2025, tỷ lệ trường học bán trú, nội trú có tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng cho HS sẽ đạt 70%, tăng lên 90% năm 2030 (đối với trường mầm non). Đối với trường tiểu học, tỷ lệ tương ứng là 75% - 100%.

TS Trương Đình Bắc cho hay, Bộ Y tế đã có khuyến nghị dinh dưỡng cho người Việt Nam sửa đổi năm 2016, trong đó xây dựng những hướng dẫn khẩu phần ăn bảo đảm đủ năng lượng, cân bằng dinh dưỡng theo các nhóm tuổi, giới và tình trạng sinh lý, nghề nghiệp.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, để truyền thông hiệu quả cho người dân kiến thức về dinh dưỡng, cần đưa giáo dục kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, lựa chọn các thực phẩm lành mạnh như thực phẩm ít muối, ít chất béo bão hòa, ít chất béo chuyển hóa, ít đường… vào trường học để giúp trẻ em có kiến thức và hình thành thói quen đúng về dinh dưỡng hợp lý khi trưởng hành.

Không chỉ có chế độ dinh dưỡng không hợp lý, trẻ em Việt Nam còn thiếu vận động. TS Bắc cũng chỉ rõ thực trạng, 30% người dân Việt Nam thiếu vận động thể lực do thiếu cơ sở hạ tầng cho các hoạt động như đạp xe, đi bộ tập các môn thể thao cộng đồng… Trong khi đó, đối với HS, chế độ dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực sẽ giúp tăng trưởng chiều cao, cơ thể phát triển cân đối, khoẻ mạnh.

Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng và tổ chức triển khai chương trình giáo dục dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực cho HS trong các cơ sở giáo dục. Một số mô hình triển khai thí điểm đã có thành công bước đầu, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình mẫu trên phạm vi toàn quốc. 

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ