Bảo vệ sức khỏe học đường: Cân đối chất lượng bữa ăn với hoạt động thể chất

GD&TĐ - “Để xây dựng thực đơn dinh dưỡng hợp lý cho trẻ tại nhà trường, thực đơn phải dựa vào nhu cầu năng lượng của từng lứa tuổi. Chế độ ăn đủ, cân đối cộng với hoạt động thể thao phù hợp sẽ giúp giảm tỉ lệ thừa cân béo phì – gánh nặng kép về dinh dưỡng Việt Nam”. 

Bữa ăn cần đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng
Bữa ăn cần đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng

Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương Lan, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội.

- Xin bà cho biết, dinh dưỡng học đường có vai trò quyết định như thế nào trong việc nâng cao thể lực và phát triển chiều cao của học sinh?

Mỗi bữa ăn của trẻ phải đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng. Năng lượng cho trẻ phụ thuộc vào từng lứa tuổi. Ví dụ ở độ tuổi học đường, có học sinh tiểu học, học sinh THCS, học sinh THPT, từng lứa tuổi lại có những chỉ số riêng.

Bên cạnh đó, bữa ăn cho trẻ phải đa dạng để có đủ dinh dưỡng cho sự tăng trưởng về thể lực, phát triển về trí não và sức khỏe. Muốn trẻ phát triển toàn diện về thể lực, chúng ta cần tập trung vào việc cung cấp dinh dưỡng trong các bữa ăn. Ngoài bữa ăn ở nhà, bữa ăn ở trường rất quan trọng (bữa ăn học đường chiếm hơn 30%).

Các chất dinh dưỡng theo khuyến cáo của Tổ chức Dinh dưỡng thế giới cần đầy đủ bốn ô thực phẩm: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. 4 ô này kết hợp với nhau, hỗ trợ nhau để hấp thu cũng như chuyển hóa các chất dinh dưỡng giúp trẻ có một thể lực phát triển toàn diện.

- Vậy, để tăng cường chiều cao cho trẻ cần chú ý tới điều gì?

Muốn tăng chiều cao tối ưu nhất cho trẻ, chúng ta phải chú ý tới 3 giai đoạn vàng trong quá trình phát triển. Thứ nhất là giai đoạn bé ở trong bụng mẹ. Thứ 2 là hai năm đầu đời và thứ 3 là khi trẻ bắt đầu dậy thì.

Đặc biệt, trong giai đoạn thứ 3 (thời gian ở học đường), một chế độ dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực thích hợp sẽ tạo điều kiện cho trẻ có chiều cao vượt bậc.

Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội)

Trong chế độ dinh dưỡng, trẻ cần được ăn đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng protid (chất đạm), gluxit (chất đường) lipip (chất béo), vitamin và muối khoáng. Ngoài các chất dinh dưỡng trên, trẻ phải được bổ sung nhóm canxi (giúp xương chắc, khỏe) và vitamin D.

Những thực phẩm chứa nhiều canxi như: Trứng, tôm, cua, cá và thực phẩm bổ sung canxi nhiều nhất đó là sữa và các chế phẩm từ sữa. Vitamin D có vai trò quan trọng vì nó giúp hấp thu canxi có trong sữa.

Bên cạnh yếu tố dinh dưỡng, việc cho trẻ đi ngủ sớm cũng là một yếu tố tăng cường chiều cao lý tưởng ở trẻ. Trẻ nên bắt đầu đi ngủ trước 10 giờ tối. Hóc-môn tăng trưởng sẽ tiết ra ở khung thời gian từ 10 đến 12 giờ và với điều kiện đứa trẻ đó phải ngủ sâu giấc.

Ở hoạt động thể lực, bố mẹ nên khuyến khích các con chơi các môn thể thao trong thời gian rảnh rỗi trong ngày như bơi lội, bóng rổ…

- Hiện nay, tỉ lệ béo phì ở trẻ em tại các nhà trường có chiều hướng gia tăng. Theo bà đâu là nguyên nhân?

Béo phì, là gánh nặng kép về dinh dưỡng ở Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ này ở trẻ có chiều hướng tăng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Di truyền, nội tiết, tác dụng phụ của thuốc và do chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Trẻ bị béo phì còn do khẩu phần ăn hàng ngày: Trẻ ăn quá nhiều so với nhu cầu.

Các phụ huynh cần lưu ý, để có cân nặng chuẩn thì năng lượng đưa vào cơ thể phải bằng năng lượng tiêu hao. Nếu năng lượng đưa vào cơ thể nhiều hơn năng lượng tiêu hao, năng lượng thừa đó sẽ tích lũy trong cơ thể tạo thành năng lượng dự trữ, tạo ra mỡ thừa và các khối cơ trong cơ thể.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, chiều cao của trẻ phụ thuộc 20 % vào di truyền, 80 % là yếu tố dinh dưỡng và hoạt động thể lực. Trong 20% thuộc về yếu tố di truyền, các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận: Nếu các điều kiện sống như dinh dưỡng, môi trường không thỏa mãn thì sự phát triển cũng sẽ không tương xứng so với tiềm năng di truyền đã đặt ra. Với các yếu tố ngoại cảnh thì dinh dưỡng và bệnh tật đóng vai trò quyết định đến chiều cao của trẻ. Nếu trẻ có chế độ ăn đủ, cân đối sẽ giúp việc tăng trưởng chiều cao một cách tối đa. 

Ngoài nhu cầu năng lượng do lượng thực phẩm đưa vào quá nhiều, một lý do nữa là do trẻ ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng chất béo cao như đồ ăn KFC, xúc xích, đồ uống có ga…

Muốn cải thiện tình trạng này, bên cạnh việc cân đối chế độ ăn cho trẻ cần phải tư vấn cho các bà mẹ về chế độ dinh dưỡng hợp lý. Người lớn cũng cần tư vấn cho trẻ hiểu về những tác hại để các con thay đổi thói quen ăn uống.

Ngoài chế độ dinh dưỡng còn là hoạt động thể lực. Nếu ăn đủ chế độ, nhưng lười hoạt động trẻ cũng không tiêu hao được năng lượng, trẻ vẫn bị tích mỡ thừa trong cơ thể.

- Xin bà chia sẻ cách xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho trẻ ở trường?

Xây dựng thực đơn cần dựa vào nhu cầu của từng lứa tuổi để đưa ra mức năng lượng hợp lý. Có nghĩa là suất ăn của một trẻ lớp 1 phải khác với suất ăn của trẻ học lớp 2, lớp 3, lớp 4 và càng khác với học sinh THCS, THPT.

Chế độ ăn học đường phải đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm 4 nhóm thực phẩm chính. Để hạn chế và dự phòng những bệnh mãn tính không lây, trong đó có bệnh thừa cân, béo phì phải cân đối các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Ăn quá nhiều chất béo, hay tinh bột cũng đều có khả năng gây thừa cân, béo phì.

Các nhà trường cần xây dựng thực đơn phong phú, đa dạng có đầy đủ các thực phẩm thì mới kích thích được trẻ trong bữa ăn, hạn chế việc trẻ ăn vặt.

Dựa vào thực trạng học sinh của trường, các chuyên gia dinh dưỡng sẽ nghiên cứu và cân đối thực đơn trong tuần. Nếu trường có nhiều trẻ thừa cân, béo phì cần phải hạn chế các món xào, rán, tăng cường các món luộc, hấp.

Nếu có nhiều học sinh suy dinh dưỡng thì bổ sung thêm chất béo, nghiêng về các thực phẩm được chế biến như xào có thêm dầu ăn, mỡ động vật. Bên cạnh đó, phải dựa vào mức tiền của các gia đình để cân đối đầy đủ các nhóm thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng cho bữa ăn của các em.

Thực đơn cũng phải phụ thuộc vào lượng trẻ ăn: Ví dụ trẻ ăn được, cho trẻ ăn đúng khẩu phần. Với trẻ ăn ít, cô có thể bớt đi một chút, tránh tình trạng trẻ bỏ thừa hay cho bạn ăn hộ, vì những cháu ăn được sẽ lại thừa cân.

Ngoài ra việc an toàn thực phẩm trong bữa ăn cũng rất quan trọng. Các nhà trường cần phải kiểm soát nguồn thực phẩm. An toàn thực phẩm gồm có từ lúc nhập thực phẩm, chế biến, rồi đưa suất ăn đến trẻ. Khâu nào cũng cần phải giám sát.

Nếu không giám sát an toàn thực phẩm tốt có thể xảy ra những vụ ngộ độc ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của học sinh.

*Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ