Tuổi nhỏ, ý tưởng lớn

GD&TĐ - Những năm qua, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng các cấp trở thành sân chơi bổ ích đối với các trường học.

Tẩn A Sì và Tẩn Sì Mẩy với đề tài Mô hình di sản văn hóa của người Dao ở Lào Cai.
Tẩn A Sì và Tẩn Sì Mẩy với đề tài Mô hình di sản văn hóa của người Dao ở Lào Cai.

Cuộc thi đã giúp các em phát huy tối đa sức sáng tạo thông qua sản phẩm cụ thể, tạo hứng thú học tập mỗi ngày.

Quảng bá, bảo tồn văn hóa truyền thống

Đề tài Di sản văn hóa người Dao Lào Cai của nhóm tác giả Tẩn A Sì và Tẩn Sì Mẩy đến từ Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS A Mú Sung (huyện Bát Xát - Lào Cai) xuất sắc đạt giải Đặc biệt tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2020. 

Sản phẩm miêu tả một cách sống động về lễ hội cúng rừng, làm cơm mới, đám cưới, đặc biệt là lễ cấp sắc hay còn gọi là lễ trưởng thành của người Dao. Sản phẩm này có tính sáng tạo, ứng dụng cao; có ý nghĩa trong bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao sinh sống trên địa bàn tỉnh. 

Trình bày ý tưởng thực hiện đề tài, em Tẩn Sì Mẩy - HS lớp 9 chia sẻ: Lễ cấp sắc của người Dao đỏ là nét đẹp văn hóa, có ý nghĩa giáo dục truyền thống. Với sản phẩm này, chúng em mong muốn góp phần nhỏ bé vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.

“Mô hình hệ thống thiết bị cắt - băm, sấy cỏ, ngô kết hợp năng lượng mặt trời và đóng bao ủ chua làm thức ăn cho gia súc” của nhón tác giả HS Hà Nội.
“Mô hình hệ thống thiết bị cắt - băm, sấy cỏ, ngô kết hợp năng lượng mặt trời và đóng bao ủ chua làm thức ăn cho gia súc” của nhón tác giả HS Hà Nội.

Mô hình được thực hiện dựa trên các nguyên lý chuyển động cơ học và có nhiều chuyển động cùng thực hiện một lúc. Để làm được chuyển động này là việc khá khó với HS cuối cấp 2. Tuy nhiên, với đam mê, nhiệt tình và sự hỗ trợ, đồng hành của các thầy, cô giáo và nhà trường, các em đã cho ra mắt một sản phẩn ấn tượng. 

Còn Tẩn A Sì, đồng tác giả thực hiện đề tài bộc bạch: Khó khăn nhất trong thực hiện sản phẩm là việc phải tìm hiểu phong tục đặc sắc của dân tộc Dao. Chúng em phải hỏi các thầy cúng trong bản. Ngoài ra, để làm các chi tiết tự động chúng em cũng nhờ các thầy cô giáo giúp đỡ.

Để giúp HS thực hiện đề tài, các thầy cô giáo đều rất nhiệt tình, hỗ trợ các em tìm kiếm tài liệu, hiện thực hóa việc trình bày các ý tưởng. Trong những năm qua, phong trào nghiên cứu khoa học được phát triển mạnh, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS A Mú Sung đã thành lập Câu lạc bộ Sáng tạo thanh thiếu niên để tập hợp, kết nối những em có đam mê nghiên cứu khoa học, cho ra đời các sản phẩm có chất lượng tham cuộc thi các cấp. 

Các nhóm tác giải nhận giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2020.
Các nhóm tác giải nhận giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2020.

Hữu ích với người nông dân

Với dụng cụ chẻ thân cây khoai mì, đẩy năng suất lao động tăng gấp 3 lần, sáng chế của nhóm học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2020.

Trình bày về ý tưởng của mình, em Nguyễn Gia Bảo cho biết: Những công đoạn xử lý cây mì hầu hết vẫn được làm thủ công. Vì vậy, tốn khá nhiều thời gian và công sức. Làm thế nào để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian và sức lao động cho người dân là câu hỏi được chúng em đặt ra.

Từ câu hỏi này, nhóm đã thiết kế dụng cụ chẻ thân cây khoai mì thành que. Dụng cụ gồm 3 chiếc máy: Một máy gọt mắt và vỏ; máy cưa cây thành đoạn và một bàn chẻ đoạn mì thành que nhỏ.

Để hoàn thành sản phẩm, nhóm phải nhờ đến sự hỗ trợ, giúp sức của gia đình và GV hướng dẫn. Chú của em Nguyễn Đình Nguyên, anh Hồ Nhật Tiến là người hiện thực hóa mô hình nghiên cứu của nhóm, hỗ trợ mua sắm thiết bị. Về phần nhà trường, cô Phạm Thị Phương Thảo là GV trực tiếp hướng dẫn và đưa cho nhóm nhiều lời khuyên hữu ích. 

Đồng tác giả thực hiện đề tài, em Nguyễn Đình Nguyên cho biết: Máy được thiết kế bộ phận băng tải để cuốn cây mì vào bên trong tiếp xúc với lưỡi cưa. Máy cũng được thiết kế hai lưỡi gà bên trên và bên phải nên hoạt động ổn định. Sau khi giới thiệu về công dụng của máy, nhiều hộ dân đã mua về sử dụng và mang lại hiệu quả cao trong mỗi mùa thu hoạch. 

Nhóm tác giả Nguyễn Gia Bảo, Nguyễn Đình Nguyên, Nguyễn Ngọc Quỳnh Mai - học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (Đồng Nai).
Nhóm tác giả Nguyễn Gia Bảo, Nguyễn Đình Nguyên, Nguyễn Ngọc 
Quỳnh Mai - học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (Đồng Nai).

Hệ thống hỗ trợ nhà nông

Với mong muốn nâng cao chất lượng thức ăn và giải phóng sức lao động cho các hộ gia đình chăn nuôi gia súc, 5 HS ở Hà Nội đã nghiên cứu và chế tạo thành công Mô hình hệ thống thiết bị cắt - băm, sấy cỏ, ngô kết hợp năng lượng mặt trời và đóng bao ủ chua làm thức ăn cho gia súc.

Là một trong 5 thành viên thực hiện đề tài, em Nguyễn Quỳnh Hương Ly - HS lớp 12D1 Trường THPT Cầu Giấy chia sẻ: Hệ thống thiết bị gồm 3 cụm máy chính: Cụm cắt băm; nhà sấy kết hợp năng lượng mặt trời; phun men vi sinh, ép đóng bao ủ chua. 

Cụm cắt băm gồm máng nạp nguyên và dao cắt băm có tốc độ quay 1.400 vòng/phút được nối với động cơ điện. Cụm nhà sấy kết hợp năng lượng mặt trời bao gồm khung được thiết kế theo hình bán cầu, lợp mái tấm sáng để hấp thụ ánh sáng mặt trời tốt nhất. Cụm phun men vi sinh, ép đóng bao ủ chua là một băng chuyền kết hợp với máy ép đóng bao và vòi phun men vi sinh. 

Khi độ ẩm sản phẩm trong nhà sấy nằm ở khoảng 65% - 70% sẽ được cho chạy trên băng chuyền. Tại đây, thông qua vòi phun, men vi sinh sẽ được phun và trộn đều với sản phẩm, sau đó, sản phẩm theo băng chuyền vào máy ép đóng bao. Không khí trong bao sẽ được ép hết ra ngoài để quá trình lên men chua yếm khí diễn ra thuận lợi. Sản phẩm sau đó được chuyển vào nhà sấy để ủ. 21 ngày sau được dùng làm thức ăn cho vật nuôi.

GS.TS Đặng Kim Chi - Viện Khoa học công nghệ và Môi trường, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đánh giá cao tính sáng tạo của mô hình. Các em đã ghép 3 công đoạn của quy trình công nghệ ủ chua thức ăn cho gia súc trên cùng một hệ thống, bảo đảm sản xuất khép kín theo hướng sản xuất công nghiệp. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba

Kiev khẳng định không có Kế hoạch B

GD&TĐ - Ngoại trưởng Ukraine cho biết, Kiev không có kế hoạch B cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho nước này.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…