Tủ sấy đũa của Lý A Sùng

GD&TĐ - Với đặc thù khí hậu lạnh, mây mù nên vào mùa đông nhiều trường học ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt.

Lý A Sùng lắp ráp sản phẩm. Ảnh: NTCC
Lý A Sùng lắp ráp sản phẩm. Ảnh: NTCC

Từ mong ước có đũa khô sử dụng trong bữa ăn bán trú hàng ngày, em Lý A Sùng dân tộc Mông, Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hầu Thào nảy ra ý tưởng và lắp ráp thành công máy sấy đũa tự động điều khiển bằng điện thoại thông minh...

Ý tưởng từ những bữa cơm dùng đũa ướt

Em Lý A Sùng kể: Mùa đông, bát đũa của HS bán trú gần như trong tình trạng ẩm ướt bởi sử dụng 3 lần/ngày. Tới bữa ăn hơn 300 HS bán trú thường xuyên sử dụng đũa ẩm, việc hong khô cũng chỉ đỡ phần nào.

Trong khi đó, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở trường bán trú là mối quan tâm hàng đầu của nhà trường. Ngoài quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh đồ dùng trong nhà (đặc biệt là đũa ăn) cũng vô cùng quan trọng.

Từ mong muốn tạo ra máy sấy đũa cho hơn 300 HS bán trú đồng thời cập nhật, ứng dụng cộng nghệ để lập trình, điều khiển thiết bị tối ưu, an toàn, tiến tới kết nối với hệ thống nhà thông minh đang phát triển... em Lý A Sùng được thầy Đoàn Tuấn Long – GV của trường hướng dẫn nghiên cứu thành công.

Sau hơn một tháng thầy trò vừa tự mày mò nghiên cứu và lắp ráp, sản phẩm để sấy khô và diệt khuẩn đồ dùng hỗ trợ học sinh bán trú một cách tối ưu nhất đã ra đời. Sản phẩm đã sử dụng hệ thống đèn UV để diệt khuẩn trong suốt quá trình sấy. Cùng đó, chỉ cần cài đặt ứng dụng ewlinhk trên điện thoại thông minh và điều khiển được máy ở bất kì nơi nào chỉ cần có kết nối 3G hoặc wifi với thiết bị.

Ngoài ra có thể ứng dụng bộ thiết bị dùng cho tủ có công suất lớn. Hệ thống được thiết kế di động tháo lắp, vận chuyển. Thiết kế được lập trình bảo đảm an toàn trong mọi trường hợp như mất điện và trạng thái tắt khi cấp điện trở lại.

“Ý tưởng của em Lý A Sùng ban đầu chưa thể biến thành sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, em có ý tưởng tốt, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo... trong quá trình triển khai. Điều đó đáng trân trọng và GV hướng dẫn đã định hướng, hỗ trợ giúp em biến ý tưởng thành hiện thực” – thầy Đào Tuấn Long bày tỏ.

Em Lý A Sùng - Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hầu Thào và sản phẩm “Máy sấy đũa tự động ứng dụng điều khiển qua điện thoại thông minh cho trường học bán trú”. Ảnh NTCC
Em Lý A Sùng - Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hầu Thào và sản phẩm “Máy sấy đũa tự động ứng dụng điều khiển qua điện thoại thông minh cho trường học bán trú”. Ảnh NTCC 

Phát huy giáo dục STEM

Sản phẩm “Máy sấy đũa tự động ứng dụng điều khiển qua điện thoại thông minh cho trường học bán trú” vừa đoạt giải Nhì tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng thị xã Sa Pa năm 2021. Sản phẩm được đánh giá cao bởi tính sáng tạo và khả năng ứng dụng vào thực tế. Thời gian tới, thầy trò sẽ tiếp tục nâng cấp sản phẩm để tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.

Thầy Đào Tuấn Long cho biết thêm: Phần thiết kế nguyên mẫu đã đáp ứng được yêu cầu sấy, sắp xếp và diệt khuẩn đồ dùng ăn uống. Đũa dùng để ăn uống được bảo quản tốt hơn, luôn sạch sẽ, khô ráo. Mặt khác, sau khi đũa dùng để ăn uống được rửa và xếp vào tủ là học sinh hết nhiệm vụ. Máy được cài đặt hoạt động vào khung giờ nhất định như 9 giờ sáng, 15 giờ chiều và 21 giờ tối sẽ giúp đồ dùng ráo nước, tiết kiệm được thời gian sấy và làm tăng hiệu quả sấy cũng như tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

Em Lý A Sùng chia sẻ: Điện năng tiêu thụ tạm tính trong 1 giờ với 1 bóng sấy có công suất 1.000W tương đương lượng điện tiêu thụ là 1kW/h và thời gian sấy là 15 phút. Như vậy sẽ mất 0,25kW. Với giá thành trung bình 1kw điện khoảng 2.000 đồng, mỗi lần sấy máy tiêu thụ hết 500 đồng tiền điện. 1 ngày 3 lần sấy hết 1.500 đồng, một tháng sẽ hết khoảng 40 - 50 nghìn tiền điện.

Với lượng đũa thực tế tại trường khoảng 300 đôi thì tủ sấy chỉ cần từ 1 bóng sấy để đạt tới nhiệt độ khoảng 55 độ C trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút. Như vậy về mặt giá thành cũng như lượng điện năng tiêu thụ có thể nhân rộng trong các trường bán trú.

Từ sản phẩm “Máy sấy đũa tự động ứng dụng điều khiển qua điện thoại thông minh cho trường học bán trú” cho thấy, tìm tòi ứng dụng khoa học vào thực tiễn trong trường học không quá khó khăn. Quan trọng là học sinh có ý tưởng, đam mê, thầy cô sáng tạo, nhiệt huyết trong hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học. Dù học sinh dân tộc, vùng cao khó khăn vẫn có thể tạo ra những sản phẩm khoa học có ích cho bản thân, nhà trường và cộng đồng...

Theo thầy Liễu Tiến Sơn – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hầu Thào cho biết: Sản phẩm dù được sử dụng công nghệ có sẵn, thầy trò chỉ mua thiết bị và nghiên cứu kết nối ứng dụng. Song nhà trường vẫn đánh giá cao tinh thần sáng tạo, nghiên cứu khoa học của em Lý A Sùng nhằm tạo ra sản phẩm thiết thực, ý nghĩa, mang tính ứng dụng cao cho hoạt động bán trú. Thời gian tới nhà trường sẽ đầu tư kinh phí để thầy trò làm thêm 4 - 5 tủ sấy, đưa vào sử dụng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.