Hai học sinh chế tạo xe nhặt trái điều

GD&TĐ - Quan sát những người nông dân mỗi mùa điều đều phải cặm cụi cúi xuống nhặt trái điều, vừa tốn thời gian vừa đau lưng, hai học sinh Nguyễn Tiến Đạt và Trần Nguyễn Đức Thống đã chế tạo ra “Xe đẩy nhặt trái điều tiết kiệm sức lao động”. Chiếc xe không chỉ giúp những người nông dân ở vùng sâu, vùng xa của huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) bớt cực nhọc hơn mà còn giúp 2 học sinh này giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khoa học.

Nguyễn Tiến Đạt (phải) và Trần Nguyễn Đức Thống (trái) bên sản phẩm “xe đẩy nhặt trái điều tiết kiệm sức lao động”
Nguyễn Tiến Đạt (phải) và Trần Nguyễn Đức Thống (trái) bên sản phẩm “xe đẩy nhặt trái điều tiết kiệm sức lao động”

Mong người nông dân bớt cực khổ

Tháng 2-2016, thời điểm mùa điều chín rộ, Tiến Đạt và Đức Thống vào vườn điều của một bạn học chung lớp chơi.

Chứng kiến những người nông dân vất vả nhặt trái điều gom lại thành đống rồi ngồi vặt lấy hạt điều, cả Tiến Đạt và Đức Thống đều nảy ra ý nghĩ phải tìm cách giúp cho việc nhặt trái điều được nhanh và tiết kiệm sức lao động. Hai em cùng chia sẻ ý nghĩ này và thống nhất sẽ cùng nhau thực hiện.

Trong suốt 3 tháng trời, sau giờ học, Tiến Đạt lại sang nhà Đức Thống để làm việc trong khoảng 2 đến 3 tiếng. Ban đầu, các em vẽ phác thảo 1 chiếc xe đẩy nhặt trái điều, tiếp đó, tìm mua bánh xe đạp cũ và các vật liệu cần thiết để chế tạo thiết bị.

Trùng hợp là quá trình hai em chế tạo xe đẩy nhặt hạt điều cũng là thời gian cuộc thi sáng tạo KHKT dành cho học sinh trung học đang được phát động tại Trường THCS Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), nơi hai em theo học. Do vậy, ngoài sự nỗ lực của cá nhân, các em còn nhận được sự động viên, hỗ trợ của nhà trường.

“Để có được chiếc xe hoàn chỉnh đem đi dự thi, chúng em đã làm hư 3 chiếc xe khác. Hai chiếc xe đầu em làm bộ lồng bằng gỗ nhưng không hiệu quả.

Chiếc xe thứ 3, tụi em chuyển sang bằng sắt mạ kẽm nhưng khi đưa vào thử nghiệm thì thấy năng suất thấp nên lại phải làm một chiếc xe khác. Với sự hỗ trợ của giáo viên hướng dẫn, lần này chúng em đã làm được 1 chiếc xe đẩy nhặt điều tương đối ưng ý”, Đức Thống chia sẻ.

Tiến Đạt cũng cho biết thêm: “Khi bắt tay vào làm chiếc xe đẩy nhặt trái điều này, chúng em không nghĩ là sẽ đem đi dự thi. Tuy nhiên, khi đem xe vào vườn điều nhà các bạn học cùng lớp để chạy thử nghiệm thì phụ huynh của các bạn tỏ ra hứng thú và “xin” dùng thử.

Sau khi trải nghiệm, các bác đều có lời khen vì nó tiện dụng, hiệu quả và khuyên chúng em nên đem sản phẩm đi dự thi. Cùng với đó, ngoài sự giúp đỡ của thầy Nguyễn Hữu Thọ trong việc cải tiến sản phẩm, nhà trường cũng hỗ trợ chúng em kinh phí để mua nguyên vật liệu. Đó là động lực để chúng em nỗ lực làm được sản phẩm hoàn thiện như hiện tại”.

Chiến thắng bất ngờ

Xe đẩy nhặt trái điều do Tiến Đạt và Đức Thống chế tạo có kết cấu hình trụ với rất nhiều đinh nhọn nhô ra để khi đẩy xe trên mặt đất thì trái điều bị dính chặt lại. Sau đó, trái điều sẽ bị một hệ thống thanh gạt chắn lại, làm cho rớt xuống 1 cái rổ được đặt ở phía trước xe đẩy. Khi rổ điều đầy, người sử dụng chỉ việc nhấc rổ ra và đổ điều dồn lại một đống cho người khác ngồi vặt.

Xe đẩy này có một tay cầm như tay lái xe đạp, giúp người đẩy xe đứng thẳng lưng trong quá trình đẩy và có thể chuyển hướng xe theo mong muốn.

Theo khảo sát của hai học sinh này, trung bình, 2 ha điều cần phải năm lao động thì mỗi ngày nhặt được 250kg điều. Trong khi đó, nếu sử dụng xe đẩy nhặt trái điều thì sẽ có sức lao động tương đương bốn nhân công.

Đáng nói, tỉ lệ “nhặt” trái điều của chiếc xe đạt 100%. Với việc tính toán khoảng cách của các đinh trên lồng phù hợp với kích thước trái điều ngoài thực tế, sẽ không có bất cứ trái điều nào bị bỏ sót khi xe đẩy lăn qua”, Tiến Đạt tự tin cho biết.

Nguyễn Tiến Đạt (phải) và Trần Nguyễn Đức Thống (trái) nhận giải nhì cuộc thi KHKT cấp tỉnh
Nguyễn Tiến Đạt (phải) và Trần Nguyễn Đức Thống (trái) nhận giải nhì cuộc thi KHKT cấp tỉnh

Điểm đáng chú ý là vật liệu dùng để làm xe đẩy này hoàn toàn có thể sử dụng vật liệu tái chế, dễ sản xuất và kinh phí thấp (khoảng hơn 1 triệu đồng/1 xe).

Ngoài ra, cơ chế vận hành chiếc xe này khá đơn giản mà hiệu quả kinh tế lại cao. Vì không phải sử dụng nhiên liệu nên thiết bị rất thân thiện với môi trường. Đặc biệt, với tư thế đứng thẳng lưng trong quá trình đẩy xe nhặt trái điều, thiết kế của các em còn giúp cho người lao động phòng tránh được bệnh gai cột sống và thoát vị đĩa đệm (do phải cúi xuống để nhặt trái điều như cách làm truyền thống).

Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ: “Mặc dù sản phẩm này đã mang đến cho chúng em nhiều giải thưởng nhưng để đi vào thực tế thì vẫn cần hoàn thiện hơn nữa. Em mong muốn sẽ có người quan tâm và phát triển sản phẩm này”.

Hiện tại, cả Đức Thống và Tiến Đạt đều học lớp 10, Trường THPT Văn Hiến (thị xã Long Khánh). Cũng như quá trình làm xe đẩy nhặt trái điều, mong muốn lớn nhất của Tiến Đạt là áp dụng kiến thức đã học vào giải quyết thực tiễn chứ không phải làm vì giải thưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ