Ham thích tìm hiểu về các loại máy móc thiết bị và thích được quan sát trực tiếp các hiện tượng vật lý xảy ra trong tự nhiên, Lê Văn Hùng, Nguyễn Danh Sơn đã tự tay làm ra chiếc máy phát tĩnh điện. Đây là chiếc máy được đánh giá cao trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT toàn tỉnh Thanh Hóa vừa qua. Đề án đã đạt giải nhì và được chọn là 1 trong 6 giải toàn tỉnh Thanh Hóa tham gia kỳ thi cấp Quốc gia.
Hỏi về ý tưởng chọn làm máy phát tĩnh điện VAN DE GRAAFF phục vụ cho công tác giảng dạy trong nhà trường, Lê Văn Hùng cho biết: Ngay từ khi học ở bậc THCS, môn vật lý lớp 7 có giảng dạy về hiện tượng điện, những hiện tượng như sấm, sét, mưa dông… và trong chương trình vật lý lớp 11 có các vấn đề nhiễm điện của các vật do cọ xát, tiếp xúc và hưởng ứng. Đặc biệt là sự phóng tia lửa điện trong tự nhiên sau mỗi lần mưa dông, các em không có điều kiện để quan sát thực tiễn.
Trong khi đó, quá trình học tập cần vận dụng lý thuyết gắn với thực hành để có một các nhìn sâu sắc nhất về hiện tượng điện ma sát và hiệu ứng mà nó sinh ra. Vì vậy, em muốn tự làm ra loại máy phát tĩnh điện để có thể quan sát được các hiện tượng vật lý đó bất cứ lúc nào và cũng mong muốn sẽ giúp các bạn học sinh có thể hiểu rõ hơn về hiện tượng phóng điện tự nhiên.
Mặt khác, tại Việt Nam chưa có cơ sở hoặc tác giả nào sản xuất loại máy phát điện này để phục vụ cho công tác giảng dạy.
Em Sơn cũng hào hứng nói: Em và Hùng làm máy phát tĩnh điện này với mong muốn nó sẽ mang lại lợi ích thiết thực trong các giờ thực hành thí nghiệm ở nhà trường. Tạo hứng thú cho học sinh, từ đó giúp học sinh quan sát trực quan và hiểu sâu hơn về các hiện tượng điện ma sát, tích điện, phóng điện nhưng có độ an toàn cao.
Việc bắt tay vào làm chiếc máy phát tĩnh điện VAN DE GRAAFF gặp nhiều khó khăn khi Hùng và Sơn mới học lớp 10. Trong khi đó, nhiều kiến thức vật lý liên quan đến kiến thức lớp 11. Hai em phải nghiên cứu, tìm tòi, gặp những chỗ vướng mắc Hùng và Sơn phải hỏi thầy giáo hướng dẫn. Vì nhà cách xa nhau nên Hùng và Sơn phải tranh thủ giờ ra chơi hay những hôm tan học về sớm để cùng nhau thảo luận, nghiên cứu.
Để hoàn thiện chiếc máy, Hùng và Sơn phải làm đi làm lại nhiều lần. Có lúc làm hoàn chỉnh rồi đưa vào chạy thử lại thấy chưa đạt yêu cầu, rồi phải nghiên cứu làm lại. Trong thời gian 2 tháng sau khi nhà trường phát động cuộc thi, Hùng và Sơn đã hoàn thành sản phẩm của mình.
Chiếc máy phát tĩnh điện nhìn đơn giản, nhỏ gọn. Những vết nối vẫn còn vụng về bởi được làm thủ công. Tuy nhiên, Ban tổ chức đã đánh giá cao về tính ứng dụng của chiếc máy này. Với nguyên tắc hoạt động là sử dụng một vành đai di chuyển để tích lũy lượng điện tích trên một quả cầu kim loại rỗng ở phía trên của thân máy.
Kết quả chạy thử nghiệm cho thấy hiện tượng phóng điện như: Đẩy mạnh mẫu giấy, phóng điện qua tay, hút tóc vào phía trong, làm bút thử điện phát sáng… Điều đặc biệt là chiếc máy được làm bằng các vật liệu có sẵn trên thị trường với chi phí thấp (chỉ với 700 nghìn đồng) phù hợp với điều kiện kinh tế của các trường học.
Cô Đào Ngọc Thùy, Hiệu trưởng Trường THPT Trường Thi cho biết thêm: Hùng và Sơn là hai học sinh giỏi của trường, ham học hỏi, tích cực tham gia vào các hoạt động của nhà trường. Khi nhà trường thông báo về Kỳ thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT, Trường THPT Trường Thi có 3 đề tài dự thi và đã đạt 3 giải Nhì.
Trong đó, Ban tổ chức đã chọn Đề tài tự làm máy phát tĩnh điện là 1 trong 6 giải toàn tỉnh tham gia cuộc thi cấp Quốc gia. Trong quá trình các em làm đề tài tham gia thi, nhà trường cũng hỗ trợ cùng với gia đình các em trong việc mua các thiết bị, vật liệu. Sắp tới, tham gia kỳ thi cấp Quốc gia, nhà trường sẽ hỗ trợ để các em hoàn thiện hơn đề tài của mình.