Thầy giáo quân hàm xanh vận động xây trường học cho trò nghèo

GD&TĐ - Không chỉ làm nhiệm vụ chính trị canh giữ vùng biên của Tổ quốc, làm “thầy giáo” dạy chữ cho các em thơ. Thượng tá Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1973) – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Y Tý (Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai) còn vận động hàng tỷ đồng từ các nhà hảo tâm xây trường lớp cho học sinh đến trường.

Thầy giáo quân hàm xanh vận động xây trường học cho trò nghèo

Đóng vai người thân để giúp học sinh hòa nhập

Réo rắt tiếng gọi bạn đi học, tiếng trẻ thơ nô đùa trên mỗi con đường mòn ở Y Tý, các em nắm tay nhau kể chuyện về “thầy Sơn của chúng em”. Đó là câu chuyện về những buổi học thầy đến dạy chữ, những kỹ năng đi rừng, đi núi tránh hiểm nguy, cách vượt qua sợ hãi, và cả những bài học về tình yêu thương nhau…

Sinh ra và lớn lên tại Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), thượng tá Nguyễn Văn Sơn công tác tại Đồn Biên phòng Y Tý (Lào Cai) đã nhiều năm bén duyên với mảnh đất Y Tý sương gió.

Trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Y Tý, Thượng tá Sơn đã cùng Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban ngành địa bàn 3 xã A Lù, Ngải Thầu, Y Tý; tổ chức khảo sát cụ thể, tỷ mỷ để lựa chọn các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần phải giúp đỡ, đáp ứng được các tiêu chí của Chương trình "Nâng bước em lới trường".

Đau đáu với những khó khăn của người dân nơi đây, thượng tá Sơn đã rà soát các trường hợp, cuối cùng đơn vị đã nhận đỡ đầu 8 cháu; trong đó có 2 cháu đón về đơn vị trực tiếp nuôi ăn học.

Hai cháu được đơn vị nhận nuôi đều là học sinh lớp 7. Một học sinh dân tộc Mông, một em dân tộc Hà Nhì. Cả hai em đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bố mẹ mất sớm, một em ở nhà với bà nội, một em ở với bác. Đồng thời, 6 cháu còn lại ở cùng gia đình và họ hàng, đơn vị hỗ trợ mỗi tháng 500.000đ/cháu để các cháu được đến trường.

Thầy giáo quân hàm xanh Nguyễn Văn Sơn chia sẻ:" Các cháu được đơn vị đỡ đầu, nuôi dưỡng đều là dân tộc thiểu số; lần đầu tiên các cháu xa gia đình, họ hàng và người thân, để đến đơn vị ở cùng cán bộ, chiến sỹ. Chính vì vậy thời gian đầu các cháu còn nhiều bỡ ngỡ trong việc sinh hoạt, ăn ở cũng như giao tiếp.

Chúng tôi đã thay phiên nhau đóng vai người thân để các cháu sớm hòa nhập cuộc sống mới và coi đơn vị như mái nhà của mình. Bản thân tôi luôn coi các cháu như con, em trong nhà, động viên, giúp đỡ các cháu trong học tập, mua sắm quần áo, giày dép, sách vở, trang thiết bị học tập cho các cháu; hàng ngày phân công cán bộ đưa, đón các cháu đi học, buổi tối dạy các cháu học bài. Đặc biệt dạy các cháu thực hiện nền nếp, chế độ trong ngày như một quân nhân của đơn vị".

Hiểu được bản tính các cháu còn nhút nhát, rụt rè nên Thượng tá Nguyễn Văn Sơn còn tổ chức cho các cháu đi thăm quan các di tích lịch sử, tuyên truyền giáo dục cho các cháu về truyền thống của quân đội, để các cháu thêm ôn luyện kiến thức cũng như lòng tự hào dân tộc.

Mỗi buổi sáng, nhìn hai em học sinh lớp 7 dậy gấp chăn màn gọn gàng rồi tươi vui tập thể dục, ăn sáng đến trường, lòng những người chiến sĩ như ấm lại. Thời gian qua, các cháu được nhà trường đánh giá là học sinh chăm ngoan, có tiến bộ rõ rệt trong học tập, đạt thành tích khá, giỏi.

Vận động xây trường cho trò đến lớp

Không chỉ quan tâm đến việc học, thầy Sơn còn trăn trở bởi nếu chỉ giúp được những cháu có hoàn cảnh khó khăn thì bao nhiêu học sinh khác cần có tương lai, có con chữ, có cuộc sống mới phải làm sao đây.

Cuối cùng, thầy Sơn đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ các cháu quần áo, sách vở, đồ dùng học tập.

Đặc biệt trong năm 2017, thầy Sơn đã vận động Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giúp đỡ kinh phí với số tiền 1.200.000.000 đồng để xây dựng Trường Mầm non Y Tý giai đoạn 2.

Đồng thời, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn đã vận động Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai, Bệnh viện Hưng Thịnh, (tỉnh Lào Cai) khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 700 học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn đơn vị quản lý.

Những lần học sinh đến đơn vị để gọi “thầy ơi”, anh Sơn chẳng nhớ hết. Chỉ biết rằng, anh hạnh phúc lắm bởi trong cuộc đời của mình lại được trân trọng, được bén duyên với nghề giáo. Dù đó không phải là nhiệm vụ chính của anh nhưng anh coi đó là phần việc có ý nghĩa lớn đối với mình, với nơi mà mình chẳng sinh ra nhưng lại thành quê hương.

Gần 2 năm tham gia dạy các em học sinh ở Y Tý học tập và rèn luyện, thầy giáo quân hàm xanh Nguyễn Văn Sơn được bà con nhân dân thêm phần tin yêu, quý mến. Anh cho rằng, trong cuộc đời, cho đi nghĩa là nhận lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ