Sự an toàn là bước đệm, không phải đích đến

GD&TĐ - Hạnh phúc là một dòng chảy vô hình. Mình có thể cảm nhận nhưng không thể cầm nắm được nó.

Sự an toàn là bước đệm, không phải đích đến

Để cảm nhận được hạnh phúc, mình phải luôn không ngừng đi cùng dòng chảy. Nếu đứng lại và cố gắng sở hữu thứ luôn chuyển động, nó sẽ trôi tuột khỏi tay giống như dòng nước vậy.

Hạnh phúc là sản phẩm của việc thực hiện những điều có ý nghĩa. Đó là lí do Victor E. Frankl viết trong tác phẩm Đi tìm lẽ sống: “Happiness cannot be pursued; it must ensue –– Hạnh phúc không thể được theo đuổi, nó phải được sản sinh.”

Thế nào là hạnh phúc?

Mỗi người có định nghĩa riêng cho khái niệm này. Tuy nhiên định nghĩa chung nhất là “cảm thấy thoả mãn”.

Có người cho rằng, họ không hạnh phúc vì họ không có được những thứ họ muốn.

Ví dụ như một đứa trẻ nghĩ mình không hạnh phúc vì không được sở hữu món đồ chơi mà nó muốn. Người nghèo nghĩ mình không hạnh phúc vì thiếu tiền. Người cô đơn nghĩ mình không hạnh phúc vì thiếu đi một nửa.

Nhưng thực tế, có được những thứ mình muốn không đồng nghĩa với hạnh phúc. Đứa trẻ sau khi sở hữu món đồ chơi sẽ nhanh chóng muốn một món đồ chơi mới. Nhiều người sau khi thoát nghèo vẫn sống không hạnh phúc. Có những mối tình đẹp như mơ rồi vẫn đổ vỡ.

Nói lòng tham con người là vô hạn không sa. Nhưng đó là cách những người không sâu sắc phân tích vấn đề. Gốc rễ chuyện này sâu xa hơn thế nhiều.

Cái thời khắc mà mình thoả mãn với những thứ mình có, giống như dừng chân trên dòng chảy để cố gắng cầm nắm những giọt hạnh phúc, hạnh phúc thực sự sẽ trôi tuột đi mất. Thông thường, khi mình sở hữu được những thứ mình muốn, mình sẽ hạnh phúc với món đồ mới đó một thời gian. Sau đó một trong hai trường hợp sau sẽ xảy ra:

1, Không còn thoả mãn nữa: mình cảm thấy không hạnh phúc và muốn sở hữu một thứ gì đó khác

2, Tiếp tục thoả mãn: mình tự lừa dối bản thân rằng mình cảm thấy hạnh phúc với những gì mình có ở hiện tại và tự bóp nghẹt tiềm năng của chính mình bằng sự tự mãn.

Cả hai trường hợp này đều dẫn đến lối mòn.

Tuổi già, bệnh tật và cái chết

Vào khoảng năm 490 trước Công Nguyên, một vị vua sinh hạ được hoàng tử có khí chất hơn người.

Một vị ẩn sĩ tới chúc phúc hoàng tử đã đưa ra lời tiên tri rằng hoàng tử hoặc sẽ trở thành một vị quân vương vĩ đại trăm người khó sánh, hoặc một bậc đạo sĩ thống trị thế giới tâm linh.

Nhà vua không đời nào muốn con mình đi theo con đường khổ hạnh, quyết cho người xây dựng một thành trì mới chỉ có sự trẻ trung tràn trề hạnh phúc mà không có sự già yếu và bệnh tật. Vị vua nghĩ nếu hoàng tử lớn lên trong một thế giới không có khổ đau, nơi mà mọi ước muốn đều được thoả mãn thì sẽ không có lí do gì để đi theo con đường khổ hạnh. Ở đây, hoàng tử chỉ việc tập binh khí và tận hưởng cuộc sống nhung lụa xa hoa tràn đầy thú vui nhục dục.

Thế nhưng, chàng cảm nhận được sự giả tạo trong thế giới mà vua cha tạo ra. Chàng quyết tâm khám phá thế giới trần tục đằng sau sự an toàn và những cảm giác khoái lạc giả tạo. Ba thứ đầu tiên mà chàng khám phá ra là tuổi già, bệnh tật và cái chết. Hiểu được sự đau khổ trong cuộc đời là không thể tránh khỏi, chàng đã quyết định đi theo con đường tu luyện khổ hạnh để tìm một lối thoát ra khỏi sự khổ đau của thế giới vật chất.

Sau này chàng trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Con người được thiết kế để tìm kiếm sự không chắc chắn

Câu chuyện của Phật Thích Ca nói lên bản chất con người từ xưa tới nay vẫn luôn là đi tìm những cái mới, những cái bí ẩn, những cái không chắc chắn. People are designed to search for the uncertainties – Con người được thiết kế để tìm kiếm sự không chắc chắn.

Lửa là một trong những phát hiện vĩ đại nhất trong lịch sử, nhưng chúng ta không dừng ở đó mà tiếp tục phát minh ra điện, rồi tiếp tục tìm kiếm những thứ mới mẻ mà chúng ta chưa biết (có thể một ngày sẽ là cỗ máy thời gian).

Hướng đến sự không chắc chắn (the uncertainties) là bản năng của con người, vì có như vậy công nghệ và tri thức của nhân loại mới phát triển được như ngày hôm nay. Vì vậy, người trẻ không nên yên phận với một cuộc sống ổn định.

Theo Institute of Economic Affairs, 40% người già sau khi nghỉ hưu còn bị trầm cảm vì mọi thứ quá ổn định, không còn thấy được mục đích sống. Các cụ cũng nói rồi, nhàn cư vi bất thiện, cớ sao người trẻ lại không tận dụng thời gian và sức lực để thoả chí vẫy vùng?

Hạnh phúc không ở cuối con đường của việc đấu tranh

Nhưng đặt ra mục tiêu và đạt được mục tiêu đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Vậy làm thế nào để đạt được hạnh phúc?

Có lẽ nên để người đã hỏi câu hỏi này hơn 2400 năm trước tự trả lời nó: Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, bởi hạnh phúc chính là một con đường – Phật Thích Ca.

Hạnh phúc là một con đường, một dòng chảy, một thứ không thể cầm nắm và sở hữu vì bản thân nó luôn chuyển động. Nhưng chỉ cần mình còn đi trên con đường này, mình sẽ cảm nhận được hạnh phúc. Hạnh phúc thực sự là sản phẩm phụ của quá trình đấu tranh, chứ không phải phần thưởng chính nơi cuối con đường của việc đấu tranh.

Hoạ sĩ Steve Cutts đã phác hoạ rõ nét khái niệm này trong đoạn cuối của bộ phim ngắn Happiness: 

Chú chuột trong phim chạy theo đồng tiền một cách rất bản năng, để khi chạm vào được thứ mà nó theo đuổi thì cũng là lúc nó bị mắc bẫy.

Hạnh phúc là khi mình còn có cái để theo đuổi. Một khi mình ngừng theo đuổi vì nghĩ là mình đã đạt được nó, đó chính là lúc mình mắc bẫy và bị nhấn chìm bởi guồng quay cuộc đời.

Victor Frankl cũng chỉ ra rằng nếu mình theo đuổi một mục đích sống, hạnh phúc ắt sẽ được sản sinh.

Trong một thế giới luôn vận hành với tốc độ chóng mặt, đứng yên là thụt lùi, mà thụt lùi là chết. Vì vậy, nếu mình tiếp tục thoả mãn sau khi đạt được một mục tiêu, đó là thứ hạnh phúc giả tạo và mình đang tự lừa dối mình. Sự thật là ở tuổi này không có gì là đủ cả, nên mọi sự thoả mãn mà mình cảm nhận được đều là giả tạo mà thôi.

Hãy tiếp tục đấu tranh vì lý tưởng tuổi trẻ và vì ý nghĩa sống. Nếu cuộc sống chưa ổn định, hãy đấu tranh để có một cuộc sống như vậy. Một cuộc sống như vậy sẽ là bước đệm vững chắc giúp mình tiến xa hơn, thiếu đi bước đệm này mình khó có thể nhìn rộng ra được, vì tầm nhìn con người luôn bị hạn hẹp vào những vấn đề trước mắt (vì vậy những người có khả năng nhìn xa hơn những vấn đề ở hiện tại đều là những người thành công). Hãy nhớ, sự an toàn là bước đệm, không phải đích đến. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ