Start-up của học sinh Hà Nội giải nhất cuộc thi tại ĐH Quốc gia Úc

GD&TĐ - Chiến lược kinh doanh start-up “Bữa ăn đóng gói” của nhóm học sinh THPT Olympia đạt giải nhất cuộc thi Phân tích tài chính kinh doanh do Đại học Quốc gia Úc tổ chức.

nhóm học sinh THPT Olympia đạt giải nhất cuộc thi Phân tích tài chính kinh doanh do Đại học Quốc gia Úc tổ chức.
nhóm học sinh THPT Olympia đạt giải nhất cuộc thi Phân tích tài chính kinh doanh do Đại học Quốc gia Úc tổ chức.

Giải bài toán start-up về “Bữa ăn đóng gói” (meal kit) bằng kế hoạch kinh doanh bài bản, sáng tạo và khả thi nhóm học sinh đến từ THPT trường Phổ thông liên cấp Olympia đã giành được giải nhất Cuộc thi Phân tích Tài chính Kinh Doanh do trường Đại học Quốc gia Úc tổ chức và trao thưởng vào ngày 23/10 vừa qua.

Đây là cuộc thi được Đại học Quốc gia Úc tổ chức thường niên nhằm tạo tạo cơ hội cho các bạn học sinh THPT Việt Nam yêu thích với lĩnh vực tài chính, kinh doanh được thể hiện tài năng và cọ xát với môi trường thực tế.

Năm nay, với đề bài đưa ra là giải quyết bài toán kinh doanh “Bữa ăn đóng gói” (meal kit) dành cho những người bận rộn không có thời gian mua sắm các nguyên vật liệu để nấu các món ăn, Meal kit sẽ chuẩn bị đầy đủ các nguyên vật liệu, gia vị đã được pha trộn sẵn của một món ăn bất kỳ. Khách hàng chỉ cần nấu chín là có thể dùng được ngay.

Các đội tham gia sẽ phải lên chiến lược kinh doanh cho sản phẩm này để mang lại lợi nhuận tối ưu nhất và tránh những rủi ro.

Vượt qua gần 100 đội tham dự đến từ các trường THPT trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM như: trường chuyên Hà Nội Amsterdam, trường chuyên Đại học Ngoại ngữ,… 3 học sinh khối 11 trường THPT Olympia (Nguyễn Lê Phương Anh, Vũ Thanh Trang, Lê Phương Hoa) đã xuất sắc giành được giải thưởng cao nhất cuộc thi.

Chiến lược kinh doanh của nhóm học sinh Olympia được ban giám khảo đánh giá cao về sự sáng tạo, nhạy bén và khả thi khi giải quyết được vấn đề như xậy dựng được công thức tính vốn, đầu vào, nguồn hàng, sản phẩm đầu ra, lãi; chuẩn bị ngân sách tiền mặt chi tiết cho đợt hàng đầu tiên bán thử nghiệm; đưa ra những thách thức và những rủi ro thực tế của dự án đồng thời có những giải pháp khắc phục hiệu quả.

Giải nhì của cuộc thi thuộc về đội trường chuyên Hà Nội Amsterdam cùng với 3 đội thi có mặt trong đêm chung kết.

Sau khi phác thảo ra chiến lược kinh doanh, các bạn phải thuyết trình kế hoạch này với ban tổ chức đồng thời phải đưa ra những lập luận sắc sảo để bảo vệ luận điểm của mình khi ban giám khảo và các đội tham gia phản biện trực tiếp.

Lê Phương Hoa (khối 11, trường Olympia) chia sẻ: “Đề bài ban tổ chức đưa ra rất thú vị vì mang tính thực tế, gần gũi và phù hợp với độ tuổi của chúng em. Các kiến thức của bộ môn Marketing em học ở trường được áp dụng rất nhiều trong bài thi như: tìm kiếm đối tượng khách hàng mục tiêu, tìm ra điểm nổi bật của sản phẩm, quảng bá sản phẩm, các đối thủ cạnh tranh...

Được tham gia những cuộc thi như thế này giúp chúng em có được những trải nghiệm thực tế trong môi trường quốc tế, được học hỏi và trao đổi học tập với các bạn có cùng sở thích và được thể hiện khả năng của mình. Hơn hết, chúng em có cái nhìn cụ thể và thiết thực với một dự án kinh doanh start-up đầy những khó khăn, thử thách và rủi ro chứ không phải đơn giản là có ý tưởng hay là dự án đó sẽ thành công”.

Trong quá trình hội nhập hiện nay, học sinh không chỉ cần các kiến thức về Văn, Toán, Sinh, Sử, Địa… mà các kiến thức về tài chính, kinh doanh, kinh tế thị trường… cũng quan trọng không kém. Đây cũng là các kiến thức và kỹ năng cần thiết để giúp học sinh trở thành công dân toàn cầu trong tương lai.

Hiểu được vấn đề trên, nhiều trường đã đưa vào bộ môn học gắn với các ngành nghề và lĩnh vực thực tế để giúp học sinh được tiếp cận với những kiến thức nền tảng và hình thành những kỹ năng xã hội cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ