Linh hoạt trong bài học và thực tiễn

GD&TĐ - Không chỉ giáo dục kiến thức, kỹ năng, nhà trường còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống cho  học sinh. Nhiều trường học nói chung và giáo viên nói riêng tại TPHCM đã chủ động, sáng tạo trong việc lồng ghép các bài học, chuyên đề để tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học trò. 

Thầy Võ Kim Bảo và học sinh đang trao đổi.
Thầy Võ Kim Bảo và học sinh đang trao đổi.

Lồng ghép vào trong từng bài học

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1 cho biết, ngoài dạy học sinh về kiến thức, thầy còn giáo dục đạo đức, lối sống cho các em bằng các cách: Rút bài học về đạo đức sau khi học một văn bản, cho học sinh bàn sâu về vấn đề đó; Thông qua viết bài văn nghị luận xã hội, giáo dục cho các em về đạo đức, lối sống; Giáo dục đạo đức cho các em trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, mỗi tuần một vấn đề nào đó trong xã hội và cho các em nêu ý kiến, thảo luận như vấn đề về bạo lực học đường, về ứng xử văn minh nơi công cộng, về bảo vệ môi trường…

Thầy Bảo lấy ví dụ, ở lớp 8 có truyện ngắn Lão Hạc, có đoạn ông giáo cảm thông với hoàn cảnh của Lão Hạc, và nói về việc vì sao vợ ông không cảm thông cho lão, do vợ ông không hiểu hoàn cảnh. Học sinh sẽ thảo luận về vấn đề này để rút ra bài học về tình yêu thương, có hiểu thì mới có thương. Ông giáo thương Lão Hạc vì hiểu rõ hoàn cảnh của Lão Hạc. Vợ ông không thương bởi không hiểu hoàn cảnh của lão.

Từ đó, giáo viên phải giảng sâu hơn về việc “không ai muốn mình trở nên đáng ghét, nếu thấy ai đó đáng ghét, hãy tự nhắc nhở bản thân mình rằng họ có lý do để trở nên như vậy. Hãy thông cảm, và có cái nhìn bao dung với cuộc sống. Hãy mở lòng mình ra để cảm nhận, hơn là chê bai, ghét bỏ dẫn đến những hành động, lời nói không đáng có…”.

Ngoài những bài giảng, theo thầy Bảo, “nói phải đi đôi với làm”, bản thân thầy cô chính là tấm gương phản chiếu để các em nhìn vào, soi vào và học hỏi. Không có bài học nào hay hơn là bài học từ việc làm, lời nói, nhân cách, tri thức của người thầy.

Tại Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (Quận 6), thầy Trần Văn Minh, phụ trách Đoàn thanh niên nhà trường cho biết, mỗi tháng, học sinh của trường đều được tổ chức học những chuyên đề giáo dục đạo đức, kĩ năng sống. Một trong những bài học đầu năm học là học sinh sẽ được dạy những chuyên đề như: Biết ơn cha mẹ, cách ứng xử với bạn bè, thầy cô...

Bên cạnh đó, trường còn thực hiện giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua hoạt động trang trí lớp học và hành lang nhà trường với những câu danh ngôn nổi tiếng, những bộ tranh có ý nghĩa giáo dục như những lời nhắc nhở thường xuyên để các em hình thành nhân cách tốt. Trường cũng tổ chức một số hoạt động từ thiện, kết nối nhân ái, những chuyên đề học tập trải nghiệm để học sinh cùng tham gia nhằm giáo dục các em qua những bài học cụ thể, những hành động thiết thực…

Theo thầy Trần Văn Minh, nhờ tổ chức các chuyên đề giáo dục đạo đức, kĩ năng sống trên, học sinh nhà trường đã có những chuyển biến tích cực. Các em ngoan, mạnh dạn, tự tin, rèn luyện bản thân, nỗ lực học tập và tham gia các hoạt động tập thể tích cực. Em Võ Ngọc Hân, học sinh lớp 12A2 chia sẻ: “Qua các hoạt động giáo dục kĩ năng sống do nhà trường tổ chức, em đã rút ra được những bài học bổ ích. Từ đó, em có cách nhìn tích cực về cuộc sống, biết cảm thông, chia sẻ với mọi người hơn. Ý thức được trách nhiệm của người học sinh trong học tập và rèn luyện để sau này thành người có ích cho xã hội, cho đất nước”.

Học sinh Trường THCS-THPT Đào Duy Anh tham gia chuyên đề giáo dục đạo đức “Biết ơn cha mẹ” trong đầu năm học 2019 - 2020. Ảnh: Trường cung cấp
Học sinh Trường THCS-THPT Đào Duy Anh tham gia chuyên đề giáo dục đạo đức “Biết ơn cha mẹ” trong đầu năm học 2019 - 2020. 
Ảnh: Trường cung cấp 

Gắn bài học với thực tiễn

Đối với cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, giáo viên Giáo dục công dân, Trường THCS Đức Trí, Quận 1, mỗi bài giảng cô luôn tạo sự thú vị, sinh động và đầy sáng tạo. Cô Thủy được ví như là “cô giáo gameshow” bởi thường xuyên tổ chức hoạt động dạy học bộ môn này như một gameshow mô phỏng chương trình Đường lên đỉnh Olympia để giúp học trò nắm vững kiến thức. Đặc biệt, cô liên tục lồng ghép các hoạt động thực tiễn trong các bài giảng theo từng chuyên đề của từng khối.

Cô Thanh Thủy chia sẻ, ở khối 6, các em sẽ học các bài: Biết ơn, Yêu thương con người; Sống chan hòa với mọi người; Lễ độ; Lịch sự - tế nhị… Học sinh khối 8 học các bài: Tôn trọng người khác; Xây dựng tình bạn trong sáng, lành mạnh; Tích cực tham gia các hoạt động chính trị xã hội; Phòng, chống nhiễm HIV/AIDS. Vì vậy, ngoài việc dạy cho các em hiểu được nội dung bài học, cô đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho học sinh cùng phụ huynh tham gia.

Ví dụ như quyên góp xây dựng nhà tình thương, thăm và tặng quà cho các em khuyết tật mồ côi ở mái ấm Thanh Tâm, huyện Cần Giờ và trẻ em nhiễm HIV/AIDS tại Linh Xuân, quận Thủ Đức; góp tiền ủng hộ cho trẻ bị cha mẹ bỏ rơi tại ngã tư Mạc Đĩnh Chi - Điện Biên Phủ, Quận 1; ủng hộ giúp trẻ em, người nghèo và xây nhà tình thương cho cụ già neo đơn 89 tuổi ở huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận…

Qua thực hiện đối với học sinh khối 6 và 8, trực tiếp cho các em đi và cảm nhận, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, học sinh đã tiến bộ rất nhiều. Các em tự tin, tham gia trải nghiệm tích cực hơn vào các hoạt động học, biết tiết kiệm và giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình. Đặc biệt, các em biết cảm thông, chia sẻ khó khăn với mọi người từ những việc nhỏ nhất. Các buổi học do chính các em trải nghiệm thực tế, phần nào cũng tạo nhiều suy ngẫm về bài học, cùng nhau hợp tác làm việc nhóm, chia sẻ kinh nghiệm, biết nghĩ cho người khác.

Theo cô Thanh Thủy, giáo dục học sinh về đạo đức lối sống không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà mỗi ngày, mỗi tiết học, mỗi lần trao đổi, trò chuyện giáo viên sẽ nhắc nhở các em, bồi đắp thêm cho các em một chút. Việc giáo dục đạo đức lối sống, người giáo viên không thể “đơn độc” mà cần sự kết hợp chặt chẽ với gia đình, với xã hội để giúp các em hình thành nhân cách đạo đức, lối sống văn minh, hiện đại nhưng cũng đầy nghĩa tình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ