Nữ tiến sĩ 30 tuổi và tình yêu với nghề giáo

GD&TĐ - Giảng viên Vũ Thị Tuyết, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là một trong những tiến sĩ trẻ và tâm huyết với nghề, đặc biệt là bồi dưỡng, đào tạo sinh viên. Cô Tuyết còn là một trong những thanh niên tiêu biểu trong đội ngũ trí thức trẻ tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2019.

Giảng viên Vũ Thị Tuyết, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Giảng viên Vũ Thị Tuyết, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Kế hoạch không ngờ

Cô Tuyết sinh năm 1989 ở Chí Linh - Hải Dương. Ước mơ được trở thành giáo viên từ những ngày còn nhỏ khiến cô miệt mài học tập. Khi thi đỗ vào Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, cô Tuyết luôn thôi thúc bản thân phải rèn luyện tốt và phấn đấu sẽ học lên cao hơn nữa. Thế nhưng kế hoạch lấy bằng tiến sĩ trước 30 tuổi là điều cô không ngờ tới.

Những năm học đại học cô luôn dành được học bổng của trường. Tốt nghiệp thủ khoa Ngữ văn cô được giữ lại trường làm giảng viên. Trong 3 năm sau đó cô liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng nhận tấm bằng thạc sĩ hạng ưu. Kết quả này giúp cô Tuyết một lần nữa khẳng định bản thân để quyết tâm lấy bằng tiến sĩ trước tuổi 30.

Bắt đầu thi nghiên cứu sinh ngay sau khi tốt nghiệp thạc sĩ vào năm 2015, cô Tuyết hoàn thành bảo vệ luận án vào năm 2018 khi vừa 29 tuổi. “Thực sự khi làm luận án tôi cũng rất cố gắng để cân đối giữa công việc của trường, việc học và việc gia đình. Nhưng bản thân đặt mục tiêu bằng bất cứ giá nào cũng phải học xong đúng thời hạn để thực hiện nhiều dự định khác. Trong khi làm luận án, có lúc tôi cảm thấy bế tắc vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học nhưng nhờ có sự động viên của gia đình, thầy hướng dẫn và sự động viên của đồng nghiệp nên tôi đã hoàn thành đúng thời hạn” – cô Tuyết chia sẻ.

Trong quá trình thực hiện luận án, con gái còn quá nhỏ, công việc của chồng bận rộn, nhưng anh luôn là chỗ dựa chia sẻ, giúp đỡ vợ hoàn thành kế hoạch của mình. Cô Tuyết vẫn nói vui: “Tấm bằng tiến sĩ của tôi, một nửa là công lao của chồng, một phần là của cha mẹ, người thân hậu thuẫn, bạn bè động viên và phần nhỏ là sự cố gắng của bản thân”.

Dáng người nhỏ nhắn, mỗi lần lên bục giảng, mọi người thường nhầm cô là sinh viên. Kỷ niệm trong nghề với cô Tuyết đó chính là được dạy cho nhiều đối tượng với các độ tuổi khác nhau. Chính những học viên ấy đã giúp cô trau dồi thêm khả năng đứng lớp và hiểu biết thêm nhiều lĩnh vực của đời sống. Mỗi ngày được đứng trên bục giảng là một niềm đam mê lớn. Làm đúng công việc mình thích, thành công khi nỗ lực hết mình, cô Tuyết luôn trân trọng những kết quả mà mình đã cố gắng.

Niềm đam mê khoa học!

Với công trình “Đặc điểm ngữ nghĩa của từ ngữ trong ca dao tình yêu người Việt” khi bảo vệ trước hội đồng, cô Tuyết chia sẻ: “Mục đích nghiên cứu của đề tài là tập trung tìm hiểu nghĩa chuyển, ý nghĩa biểu trưng, cơ chế tạo nghĩa biểu trưng của từ ngữ ở trường nghĩa chỉ thực vật và vật thể nhân tạo trong ca dao tình yêu người Việt. Qua đó, luận án đã chỉ ra những nét đặc trưng trong bức tranh ngữ nghĩa của từ ngữ và những đặc trưng tư duy của người Việt xưa về tình yêu trong ca dao Việt Nam”.

Cô Tuyết cũng cho biết thêm, luận án muốn làm rõ những điểm tương đồng và sự phái sinh của các nghĩa biểu trưng mà từ ngữ trong hai trường nghĩa tiêu biểu mang lại được khái quát trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới…

Nói về văn học một cách say sưa, có thể hiểu được niềm đam mê mà cô dành cho công việc. Cô khuyên các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên sư phạm cần có tri thức và kỹ năng giao tiếp để có thể truyền lửa đến học sinh của mình. Đồng thời, áp lực trong nghề là rất lớn, nhưng đã chọn nghề giáo, nếu có tình yêu, học sinh sẽ không bao giờ phải áp lực chuyện học tập.

Đặc biệt, hiện giờ, cô Tuyết công tác tại Khoa Giáo dục Tiểu học nên rất quan tâm tới đối tượng trẻ em. Cô cho rằng trẻ em cần được quan tâm và bảo vệ. Xây dựng môi trường hạnh phúc cho các em cần được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, người lớn cần quan tâm, lắng nghe, chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các em để thấu hiểu và trân trọng. Có như vậy, các em sẽ luôn được sống trong môi trường hạnh phúc.

Tận tâm với việc giảng dạy cho sinh viên sư phạm, thời gian tới, cô Tuyết mong muốn sinh viên sư phạm sẽ là người thầy, cô giáo tuyệt vời của học sinh.

Trong quá trình giảng dạy, cô Tuyết vẫn không thể quên được kỉ niệm mà mình được học hỏi từ sinh viên. Đó là nữ sinh viên ở Tuyên Quang mắc căn bệnh hiểm nghèo. Luôn nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, một mình chiến đấu với bệnh tật nhưng chưa bao giờ thấy em khóc. “Số ngày ở viện nhiều hơn ở nhà, bố mẹ thì lần lượt qua đời. Nhưng em ấy vẫn mạnh mẽ học tập, ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu. Ngày em đứng lên bục nhận bằng tốt nghiệp, nụ cười tươi và ánh mắt rạng rỡ khiến tôi nhớ mãi. Em chính là tấm gương sáng không chỉ với sinh viên khác mà cho cả bản thân tôi” - cô Tuyết xúc động nói.

Cô cho biết thêm, hiện nay sinh viên ấy đang dạy ở một trường quốc tế vẫn âm thầm chiến đấu với số phận, lạc quan với cuộc đời cùng tình yêu với trẻ thơ. Dù trong lòng chất chứa rất nhiều đau khổ, bất hạnh nhưng chưa bao giờ em ấy muốn người khác nhận ra. Nghị lực sống, học tập và làm việc của sinh viên này đã khiến cô Tuyết mạnh mẽ hơn, ý chí hơn để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...
Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".