Nỗi lòng sinh viên năm cuối

“Tốt nghiệp xong chắc là mang tấm bằng về đóng khung treo trưng bày xem như một kỷ niệm “Tôi đã từng học đại học”!” - Võ Chí Tâm (sinh viên năm 4 ĐH Công nghệ TPHCM) nói như đùa, nhưng trong đó chất chứa cả một nỗi trăn trở về con đường tương lai sau khi tốt nghiệp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đó không chỉ là mối lo của riêng Tâm mà hầu hết các bạn sinh viên năm cuối đều có chung nỗi niềm ấy. “Tôi sẽ làm gì sau khi ra trường?”. Câu hỏi đặt ra với bao nỗi trăn trở đối với không ít sinh viên năm cuối bởi “ra trường đồng nghĩa với việc không được làm phiền ba mẹ”.

Cùng chung tâm trạng ấy, Trần Thị Mỹ Duyên - Sinh viên năm cuối Trường ĐH Tiền Giang - tâm sự: “Giữa thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, tìm được một công việc có thể nuôi thân đã quá khó đối với một sinh viên vừa tốt nghiệp, huống chi tìm được một công việc đúng với chuyên ngành của mình”.

 Để không là gánh nặng của gia đình ngay trong thời gian chờ cấp bằng sau khi kết thúc chương trình học, Duyên đã xin vào làm công nhân cho một công ty may ở Tiền Giang. 

Duyên nói thêm: “Nếu sau khi nhận bằng mà không tìm được việc chắc tôi cũng đành giấu nhẹm cái bằng mà làm công nhân luôn chứ biết sao giờ...”.

Ở năm học cuối, nhiều bạn đã chuẩn bị hàng chục hồ sơ để “rải hồ sơ xin việc” ở các công ty đang có nhu cầu tuyển dụng. Hầu hết các bạn chỉ quan tâm mình có được tuyển hay không, còn tuyển vào vị trí nào không quan trọng. Vì trước mắt các bạn chỉ muốn có một công việc có thu nhập để khỏi phải phiền đến ba mẹ sau khi đã tốt nghiệp.

Huỳnh Việt Sử - Sinh viên năm 4 ĐH Công nghệ TPHCM - nói: “Ra trường tìm được việc gì thì làm việc đó chứ với sinh viên mới ra trường làm gì có quyền lựa chọn. Chỉ mong đừng bị thất nghiệp”.

Oan nghiệt câu nói “học đại học cho đã rồi cũng thất nghiệp” nên nhiều bạn ngại về quê, đành phải bám trụ lại thành phố để làm những công việc trái ngành... để sinh sống và chờ việc.

Nguyễn Khải Văn - Sinh viên năm cuối ĐH Nông lâm TPHCM - chia sẻ: “Không biết sau khi tốt nghiệp có tìm được công việc không, nhưng trước mắt có lẽ phải đi xin làm bán thời gian như bán hàng, phụ quán hoặc phát tờ rơi... để tự lập”.

Không ít người lại chọn cho mình con đường học thêm các khóa học ngắn hạn bổ trợ, học liên thông đại học hoặc học lên cao học, thậm chí thi vào một ngành khác để học chỉ để... trì hoãn thất nghiệp.

Nói về vấn đề này, bạn Lê Trần Hoàng Yến - Sinh viên năm 4 ĐH Mở TPHCM - chia sẻ: “Tôi cũng dự định sau khi tốt nghiệp nếu không tìm được việc chắc sẽ phải tham gia khóa học nào đó”.

Yến tâm sự thêm: “Những tháng ngày của năm cuối đại học này mình ít khi về quê, kể cả dịp lễ tết, mình luôn cố tìm cớ để không phải về quê, có về cũng chỉ ở nhà chẳng muốn đi đâu”. 

Hỏi ra mới biết nguyên nhân vì ngại phải trả lời những câu hỏi đại loại như: “bao giờ ra trường?”, “ra trường định đi làm ở đâu?”, “có tìm được việc không?”... Những câu hỏi như thế thường khiến các bạn sinh viên năm cuối băn khoăn khó mà trả lời.

Kết thúc bốn năm đèn sách là một niềm vui lớn. Nhưng vui chưa tới mà nỗi lo cứ lừng lững phía trước...

Theo Tuổi trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.