Lê Phương Thảo Nhi tiết lộ bí kíp giành học bổng du học toàn phần

GD&TĐ - Thủ khoa đầu vào Trường ĐH Ngoại thương TP HCM (năm 2012), tốt nghiệp Top 7%  năm 2016 và giành học bổng Chính phủ New Zealand ngay lần đầu tiên nộp hồ sơ là thành tích đáng nể của cô gái sinh năm 1994, quê ở Quảng Trị - Lê Phương Thảo Nhi. 

Lê Phương Thảo Nhi
Lê Phương Thảo Nhi

Dành cho GD&TĐ cuộc phỏng vấn độc quyền trước khi  du học NewZealand vào đầu tháng 2/2018, Thảo Nhi đã chia sẻ những bí quyết giành học bổng và kế hoạch học tập sắp tới.

- Xin chúc mừng Thảo Nhi giành được học bổng New Zealand ASEAN. Bạn có thể nói rõ hơn về học bổng này? 

* Đối với tôi, đây là một thành quả kỳ diệu vì đây là học bổng đầu tiên tôi nộp hồ sơ và đậu luôn!

Học bổng New Zealand ASEAN là học bổng toàn phần từ chính phủ New Zealand, giúp Việt Nam phát triển các lãnh đạo trẻ tương lai. Đây là chương trình dành cho bậc sau đại học trong tất cả các ngành và lĩnh vực khác nhau, trong đó, ưu tiên cho những lĩnh vực phù hợp với New Zealand và Việt Nam như Nông nghiệp, Năng lượng tái tạo, Quản lý khối Nhà nước và Phát triển khối tư nhân, …

Chương trình này bắt đầu từ 1994, và hằng năm, Việt Nam được phân bổ 30 suất học bổng. Từ 2016, việc đăng ký học bổng có thể tiến hành online, giúp các quy trình trở nên dễ dàng hơn cho các bạn để tham gia chương trình học bổng này. Thời gian mở cổng đăng ký vào khoảng tháng 2-3 hàng năm.

Từ năm 2013-2016, Thảo Nhi nhận học bổng HSG các năm đại học (Merit scholarships)
Từ năm 2013-2016, Thảo Nhi nhận học bổng HSG các năm đại học (Merit scholarships)

- Thảo Nhi chuẩn bị hồ sơ của mình như thế nào để gây ấn tượng với ban tổ chức?

* Thực ra, từ khi tìm hiểu thông tin chương trình học bổng này đến khi nộp tôi chỉ có tầm 2-3 tháng. Tuy nhiên, từ khoảng 1 năm trước đó tôi đã ấp ủ dự định đi du học và chuẩn bị hồ sơ cho bản thân rồi nên chỉ cần điều chỉnh đôi chút cho phù hợp với yêu cầu của học bổng. Do đó, lời khuyên đầu tiên của tôi dành cho các bạn là chuẩn bị càng sớm càng tốt. Thời gian và công sức chuẩn bị càng nhiều thì bộ hồ sơ càng hoàn thiện và sắc sảo.

Về cơ bản, tôi chuẩn bị hồ sơ theo đúng tinh thần “Là chính mình”! Tôi nghĩ, việc gây ấn tượng thì không thể gượng ép hay giả dối mà phải xuất phát từ bản thân, từ mục đích, động lực, tinh thần và câu chuyện của mình để truyền tải đến ban học bổng. Quá trình chuẩn bị hồ sơ của tôi có 5 giai đoạn:

“Suy nghĩ”: Đây là quá trình mất nhiều thời gian và công sức nhất, cũng là điều quan trọng quyết định toàn bộ hồ sơ. Lúc đó, ăn ngủ đi đường gì thì trong đầu tôi luôn hỏi: “Mình muốn theo đuổi lĩnh vực gì? Vì sao là ngành này mà không ngành khác? Động lực nào giúp mình theo đuổi? Mình có thế mạnh gì phù hợp với ngành? Mình cần cải thiện những điểm yếu gì? Vì sao mình phù hợp với chương trình học bổng này?...”

Đến khi nào có thể trả lời được rõ ràng những câu hỏi này thì bản thân mới có thể tự tin để nghĩ đến việc nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng được.

“Sắp xếp”: Khi đã thông suốt sau giai đoạn “tốn não” thì đây là lúc sắp xếp những thứ trong đầu thành những mục, những chuỗi câu chuyện và liên kết những ý với nhau. Nếu giai đoạn “Suy nghĩ” là việc tạo ra những mảnh ghép thì đây là bước ghép chúng lại thành một bức tranh tổng thể và logic.

“Soạn bài”: Đây là lúc vận dụng các kỹ năng viết để diễn đạt các ý tưởng và câu chuyện thành văn một các hoàn thiện và mạch lạc.

“Sửa lỗi”: Bước này cũng ngốn rất nhiều thời gian của em vì phải đọc đi đọc lại các bài viết và sửa lỗi rất nhiều lần. Cứ mỗi lần đọc sẽ thấy ra những lỗi khác nhau cần phải sửa, do đó, việc này phải dùng chiến thuật “bò nhai cỏ” thì mới ngày càng hoàn thiện được. Ngoài ra, tôi còn nhờ bạn bè đọc và góp ý để có cái nhìn khách quan và đa chiều hơn cho bộ hồ sơ.

“Sẵn sàng”: Bước cuối cùng là xem lại toàn diện, hít một hơi thật sâu, lên dây cót để nộp hồ sơ và sẵn sàng cho những vòng thi tiếp theo.

Thảo Nhi thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khi học ĐH và trong quá trình làm việc tại Viện Nghiên cứu & Phát triển Logist

Thảo Nhi thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khi học ĐH và trong quá trình làm việc tại Viện Nghiên cứu & Phát triển Logist

- Điều gì truyền cảm hứng để bạn viết bài luận? 

* Cảm hứng của tôi khi viết bài luận xuất phát từ những hình ảnh người thân, bà con, làng xóm ở làng quê tôi – những người nông dân giàu nghị lực và ý chí để lao động. Những hình ảnh đó luôn thôi thúc tôi nuôi dưỡng và phát triển mơ ước phát triển ngành kinh tế nông nghiệp ở quê nhà. Và đây cũng là một trong những giá trị cốt lõi truyền cho tôi động lực và cảm hứng.

- Để nộp hồ sơ ứng tuyển vào các trường nước ngoài, Thảo Nhi chuẩn bị hành trang tiếng Anh cho mình như thế nào?

* Tiếng Anh là hành trang cần thiết không chỉ để nộp hồ sơ ứng tuyển du học mà còn là yếu tố cần trong quá trình làm việc. Do đó, tôi luôn cố gắng học tiếng Anh trong những năm học đại học (hồi ở quê thì không có nhiều điều kiện để đầu tư học. Tôi học tiếng Anh trên lớp, kết hợp với việc tham gia các câu lạc bộ luyện tiếng Anh và cả học online.

Khi xác định sẽ nộp hồ sơ du học, tôi cũng định hướng việc học tiếng Anh để thi IELTS. Sau đó, tôi lên kế hoạch học 4 kỹ năng Nghe – Đọc – Nói – Viết bằng cách tải các tài liệu ôn thi trên mạng về để ôn luyện.

Theo tôi, quan trọng nhất là nền tảng tiếng Anh mà mình học được theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” trong nhiều năm, vì nó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc viết hồ sơ và khi phỏng vấn học bổng. Nếu nền tảng chắc chắn thì việc luyện thi IELTS/TOEFL theo yêu cầu của các chương trình học bổng là việc ôn luyện các kỹ thuật phù hợp với bài thi.

- Theo Thảo Nhi, bí kíp để thành công trong săn học bổng du học là gì? 

* Như tôi đã trao đổi ở trên, theo tôi để thành công thì trước hết hãy “Là chính mình”. Khi là chính mình, tất cả những năng lượng, câu chuyện và thông điệp đưa ra điều rất chân thật và nhiệt huyết. Một điều quan trọng nữa là biết mình là ai, mình muốn gì và định hướng/ kế hoạch của mình như thế nào. Ban học bổng là những người có kinh nghiệm, do đó, họ sẽ nhận ra ai là người phù hợp chứ chưa chắc là người giỏi nhất.

Đối với học bổng New Zealand ASEAN, sự phù hợp ở đây là “Bạn giúp gì được cho đất nước nếu bạn được học bổng? Năng lực và kế hoạch của bạn như thế nào để thực hiện điều đó?”.

Thảo Nhi là chuyên viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu & Phát triển Logistics Việt Nam, TPHCM từ 3/2016 đến 2017

Thảo Nhi là chuyên viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu & Phát triển Logistics Việt Nam, TPHCM từ 3/2016 đến 2017

- Được biết Thảo Nhi theo học ngành logistics & Supply chain – được cho là một trong những ngành nghề tiềm năng và “khát” nhân lực nhất hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới ! Bạn nghĩ sao về nhận xét này?

* Thực ra, mọi người làm về ngành này từ hàng ngàn năm nay rồi, nhưng để làm bài bản và tối ưu thì nước mình vẫn đang trong quá trình phát triển. Tôi từng nghiên cứu về lĩnh vực này và cũng biết được rằng: Nhân lực trong ngành ở Việt Nam hiện chủ yếu xuất phát từ công việc mà ra, chứ đào tạo bài bản tại Việt Nam mới chỉ được triển khai trong vài năm gần đây. Do đó, tôi muốn theo học chương trình này ở một nước phát triển như New Zealand để học hỏi được nhiều điều bổ ích và mang về Việt Nam “gieo hạt, trồng cây”!

- Hành trang chuẩn bị cho chuyến đi du học của bạn là gì? Bạn có đặt cho mình một mục tiêu khi sang NZ học tập không?

*Hàng trang của tôi mang đi không gì nhiều ngoài tinh thần học hỏi, trao đổi và khám phá!

Mục tiêu về điểm số thì tôi không đặt cụ thể nhưng tôi mong rằng mình sẽ học được càng nhiều càng tốt những điều hay, điều mới từ trong chương trình học và cả thực tế ở New Zealand và các bạn bè quốc tế khác.

- Mục tiêu của bạn sau khi học tập tại NZ là gì? 

Sau khi học tập ở NZ, mục tiêu của tôi là quay trở về làm việc trong lĩnh vực logistics & supply chain ngành nông nghiệp. Áp dụng những kiến thức và kỹ năng em học được để theo đuổi ước mơ của tôi trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và cùng người nông dân phát triển ngành Nông nghiệp Việt. Nghe thì to lớn quá nhưng tôi thực sự mong là mình sẽ đóng góp cho con đường phát triển của nông sản Việt.

Lê Phương Thảo Nhi tiết lộ bí kíp giành học bổng du học toàn phần ảnh 4Thảo Nhi và mẹ

Đối với tôi, mẹ là thần tượng thương yêu nhất! Mẹ tôi là người phụ nữ vừa thành công trong công việc, vừa đảm đang và chu toàn. Tôi chỉ mong được một phần của thôi!

Tôi nghĩ tôi đi học thì sẽ nhớ mẹ nhớ nhà lắm, nhưng tôi sẽ chuyển nỗi nhớ đó thành động lực để sống và học tập thật tốt. Với lại, thời đại công nghệ nên việc liên lạc về nhà dễ dàng hơn ngày xưa rất nhiều. Nên tôi sẽ thường xuyên cập nhật với cả nhà để chia sẻ niềm vui và khó khăn (nếu có).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.