Kỹ năng nghề ứng phó với bất định, bất ngờ

GD&TĐ - “Bất định, bất ngờ, bất an, diễn biến nhanh, khó dự đoán, khó dự báo”, đây là những thách thức từ cuộc khủng hoảng Covid-19, sự biến đổi khí hậu cũng như quá trình thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Người lao động cần được trang bị nhiều kỹ năng mới để thích ứng với công việc luôn thay đổi.
Người lao động cần được trang bị nhiều kỹ năng mới để thích ứng với công việc luôn thay đổi.

Những tác động này đang dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội và thế giới việc làm.

Ứng phó với bất định, bất ngờ…

Để ứng phó hiệu quả với sự thay đổi nhanh chóng, việc trang bị và phát triển kỹ năng cho người lao động nhằm đáp ứng những việc làm chưa từng có đang trở thành mục tiêu đặt ra cho giáo dục nghề nghiệp. 

Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Phát sinh từ dịch Covid-19 đang diễn ra, những việc làm chưa từng có đã xuất hiện như Vinfast đang sản xuất gấp máy thở cho thị trường trong nước và thế giới, hay nghề khám chữa bệnh từ xa bắt đầu phát triển. Bên cạnh đó, người lao động cũng rất cần được phát triển kỹ năng ở những việc làm ứng dụng công nghệ chưa từng được phát minh như động cơ lượng tử, băng thông 5G, chuyển đổi số…

Việc chậm thay đổi nhận thức và thói quen về tư duy tuyển dụng dựa vào bằng cấp sẽ khiến cho người lao động cũng như doanh nghiệp không kịp thích nghi với những thay đổi đang diễn ra nhanh chóng.

Theo ông Nguyễn Chí Trường, trong thời kỳ mới người lao động cần phải được trang bị các kỹ năng cơ bản, nền tảng và đa ngành nghề, với những phẩm chất nhằm nâng cao sức đề kháng, tính sáng tạo cho người lao động. Những kỹ năng nghề nghiệp được trang bị theo hướng chuẩn hóa, chuyên môn hóa, hiện đại, sáng tạo, linh hoạt, công bằng và hội nhập, theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu dịch chuyển lao động trong nước và phạm vi quốc tế.  

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến quý II/2019, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 55,46 triệu người, trong đó lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ chiếm 22,37%. Như vậy, số lao động chưa qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, chưa được công nhận trình độ kỹ năng là 77,63%. 

Số liệu cho thấy, với tỷ lệ lao động qua đào tạo nêu trên thì năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang còn nhiều hạn chế. Việc trang bị và phát triển kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh hiện nay là những thách thức rất lớn đối với giáo dục nghề nghiệp.

Phát triển kỹ năng cho người lao động

Đây là nội dung được nêu rõ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. 

Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Giáo dục nghề nghiệp đang chuẩn hóa hệ thống đào tạo để tương thích, trong đó hướng tới hai nhóm vấn đề. Thứ nhất là chuẩn hóa với yêu cầu của phát triển thị trường lao động trong nước, đồng thời hướng tới thị trường quốc tế. Thời gian qua, Tổng cục đã xây dựng một số chương trình theo chuẩn quốc tế để tổ chức đào tạo và nhân rộng trong hệ thống. 

Thứ hai, sắp xếp lại các mạng lưới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu, trong đó tập trung chuẩn hóa điều kiện bảo đảm chất lượng, đặc biệt là chuẩn của nhà giáo, người làm công tác quản lý đào tạo, chuẩn về cơ sở vật chất, định mức kinh tế kỹ thuật.

Bên cạnh đó, xây dựng thông tư quy định các ngành nghề bắt buộc phải sử dụng các lao động có chứng chỉ bằng cấp qua hệ thống giáo dục nghề nghiệp, hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Trên thị trường lao động hiện nay có nhiều lao động đang làm việc nhưng không hề có chứng chỉ ngành nghề.

Trong 5 năm qua, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng được gần 300 bộ tiêu chuẩn về định mức kinh tế kỹ thuật, và chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý đánh giá kỹ năng nghề, rà soát lại, bổ sung các danh mục ngành nghề mà hiện nay còn thiếu so với thị trường lao động.

Triển khai thí điểm mô hình Hội đồng quản lý kỹ năng nghề với sự tham gia của Hiệp hội Doanh nghiệp để xác định yêu cầu về tiêu chuẩn đào tạo, vị trí việc làm, kỹ năng nghề nghiệp cần có, để thiết kế và phát triển chương trình chuyển đổi đào tạo. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ