Kí ức trung thu

Khi cái gió heo may của mùa thu bất ngờ luồn vào tóc, làm dịu đi sự mệt mỏi sau một ngày học dài, tôi mới chợt giật mình nhận ra: thu đến thật rồi. 

Kí ức trung thu

Thu đến làm tôi bất chợt nhớ đến Trung Thu – cái dịp mà hồi nhỏ tôi luôn đếm nhẩm từng ngày để được ăn bánh dẻo, bánh nướng - và cứ thế biết bao kí ức của các dịp Trung Thu trước liên tục ùa về như một cơn gió đầu mùa dịu dàng nhưng cũng đủ làm con người ta xuyến xang.

Có lẽ kí ức về Trung Thu của tôi phong phú hơn nhiều bạn nội thành khác. Sinh ra và lớn lên ở huyện Hoài Đức sát nội thành Hà Nội, trước năm 2008, nó vẫn chỉ là một một vùng ngoại thành yên bình, mộc mạc trước khi hòa mình vào nhịp sống sôi nổi, hiện đại của thành phố. 

Tôi vẫn còn nhớ mãi cái cảm giác háo hức ngồi ngóng bố tỉ mỉ làm cho mình những chiếc đèn cù, đèn ông sao đủ sắc màu, nhớ niềm vui nho nhỏ khi đem những chiếc đèn tuyệt đẹp đó đi khoe khắp xóm. 

Trung Thu trong kí ức tuổi thơ của tôi cũng là những đêm rằm tháng tám, trăng tròn vành vạnh, tỏa ra thứ ánh sáng bạc mềm mại, tưới mát mọi cảnh vật, khiến mọi thứ như lung linh hơn, kì ảo hơn khiến tôi tin chắc rằng chị Hằng sắp xuống phát bánh cho mình và lũ em lít nhít đang hát hò ríu rít trong sân. 

Trung Thu cũng là những bữa cơm sum họp gia đình đông vui mà đầm ấm, là tiếng trò chuyện vui vẻ của mọi người quanh mâm cơm tươm tất do tự tay các dì, các mẹ làm. 

Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quên được những lần bọn trẻ con tíu tít cầm đèn của mình tụ tập thành một đoàn rước toàn người tí hon, lao xao, rộn ràng bám theo sau lưng các anh lớn đang rước chiếc đèn ông sao khổng lồ của xóm mình để đem ra Ủy ban xã, thi xem đèn của xóm nào là đẹp nhất.

Từ ngày ra Hà Nội học, được sống dưới một mái nhà mới: trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, tôi lần đầu được nếm trải một cái Trung Thu xa nhà, một cái Trung Thu không ở bên gia đình, không được cùng lũ trẻ trong xóm đi xem rước đèn, phá cỗ. 

Cái cảm giác trĩu nặng khi vừa ăn miếng bánh Trung Thu, vừa gọi điện về nhà chỉ để hỏi xem Trung Thu năm nay mọi người vẫn cùng nhau phá cỗ chứ? Đèn ông sao của xóm mình có thắng không? Nước mắt cũng chỉ đợi có thế mà trào ra, lăn dài… 

Trung Thu trong tôi giờ gắn với cái mùi hoa sữa nồng nàn trên các con phố đông đúc, những món đồ chơi rực rỡ, hiện đại, tinh xảo treo trước các cửa hàng trên mọi tuyến phố, những băng rôn tổ chức hoạt động Trung Thu cho các em nhỏ treo khắp các hàng cây, cột đèn… 

Nhưng Trung Thu xa nhà cũng vẫn rất tuyệt vì quanh tôi vẫn luôn là những người bạn vô cùng tình cảm, là những thầy cô tràn đầy nhiệt huyết, là mái trường Nguyễn Tất Thành thân thương… tất cả như những mảng màu ấm áp, lấp đầy cái sự trống trải mà nỗi nhớ nhà để lại trong lòng tôi.

Trung Thu năm nay rơi vào chủ nhật, nghĩa là tôi có thể đón Trung Thu cùng cả nhà, nghĩa là tôi có thể sống lại kí ức Trung Thu tuổi thơ hồn nhiên mà tuyệt đẹp, là lại được cùng cả nhà sum vầy quanh mâm cỗ rằm và cùng nhau ngắm trăng tròn vành vạnh đẹp đến nao lòng… 

Nhưng năm nay về nhà đón Trung Thu tôi cũng sẽ mang theo cái Trung Thu của Hà Nội, tôi sẽ kể cho mọi người nghe về cái hương hoa sữa nồng nàn nơi cuối phố, về những con người tuyệt vời tôi đã gặp và mến thương…

Con người lớn lên và kí ức về ngày rằm tháng tám cũng thay đổi, nhưng tất cả những kí ức đẹp đẽ đó sẽ luôn được gói lại, cất cẩn thận trong tim, để rồi chỉ cần một cơn gió heo may đầu mùa lướt qua cũng đủ làm chiếc gói đó mở tung. Và khi ấy, những kí ức ấm áp và ngọt ngào kia sẽ lặng thầm làm cho ta xao xuyến.

Theo Website THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…