Chỉ lính Mỹ vận hành
Đã có 5 tên lửa của Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất đã bị đánh chặn và một tên lửa bị hệ thống phòng không S-400 phá hủy vào ngày 19 tháng 11, khi lực lượng Ukraine phóng sáu tên lửa vào khu vực Bryansk của Nga lúc rạng sáng.
"Quân nhân Mỹ tham gia dẫn đường tên lửa ATACMS và điều phối các đường bay của chúng để thực hiện cuộc tấn công. Chúng tôi có thể nói điều này một cách hoàn toàn tự tin", Alexander Mikhailov, người đứng đầu Cục Phân tích Chính trị-Quân sự Nga, nói với Izvestia.
Nhà bình luận giải thích rằng: Tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất sử dụng dữ liệu định vị vệ tinh do quân đội Mỹ cung cấp.
Việc lựa chọn mục tiêu và tọa độ của chúng được thực hiện bởi các chuyên gia kỹ thuật quân sự Mỹ.
Quá trình nạp nhiệm vụ bay vào đầu dẫn đường của tên lửa cũng được thực hiện bởi binh lính Mỹ.
"Vụ phóng không thể được thực hiện nếu không có các sĩ quan Mỹ. Người Mỹ sẽ không chuyển giao các thuật toán, mã hoặc cơ chế nhập tọa độ vào tên lửa ATACMS cho các sĩ quan của Lực lượng vũ trang Ukraine", Mikhailov nói.
Các chuyên gia an ninh Mỹ đồng tình với học giả Nga. Cựu sĩ quan tình báo Thủy quân Lục chiến Scott Ritter tuyên bố rằng "ATACMS không thể được vận hành bởi bất kỳ ai ngoài Mỹ":
Hệ thống hướng dẫn và dữ liệu đang được đưa vào được phát triển bởi các nhà phân tích không gian địa lý của Lầu Năm Góc ở châu Âu.
Dữ liệu, được phân loại bằng mật mã của Cơ quan An ninh Quốc gia, được truyền từ địa điểm ở Châu Âu đến một trạm liên kết xuống ở Ukraine do các chuyên gia Mỹ điều hành.
Tiếp theo đó chúng mới được tải lên ATACMS một lần nữa bởi chính các chuyên gia Mỹ.
"Vì vậy, nhiệm vụ được Mỹ lên kế hoạch, dữ liệu được tải vào tên lửa và khi nút bấm được bấm, nó sẽ được Mỹ bấm và nhắm vào Nga", ông Ritter nói.
"Chỉ có người Mỹ mới có thể làm được điều đó", ông nhấn mạnh.
Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo Mỹ về việc gia tăng sự tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc Mỹ bật đèn xanh cho các cuộc không kích của Ukraine vào sâu bên trong nước Nga bằng ATACMS có nghĩa là một diễn biến mới nghiêm trọng liên quan đến sự tham gia của Washington.
Cơ chế dẫn đường
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington cho biết ATACMS sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với định vị vệ tinh GPS sở hữu độ chính xác lớn hơn phiên bản chỉ dùng công nghệ INS, có khả năng đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn bán kính 10-50 mét.
"Sự kết hợp giữa GPS và INS giúp đảm bảo khả năng nhắm mục tiêu với độ chính xác cao, yếu tố quan trọng để giảm thiệt hại ngoài dự kiến và tập kích thành công mục tiêu giá trị lớn trong nhiều kịch bản chiến đấu khác nhau", chuyên trang quân sự Army Recognition nhận định.
Truyền thông Nga đầu tháng 7 công bố video mổ xẻ tên lửa ATACMS thu được từ Ukraine, được cho là phiên bản tầm bắn 300 km.
Chuyên gia trong video cho biết cụm thiết bị dẫn đường của quả đạn có ba con quay hồi chuyển laser vòng, bộ phận cấu thành hệ thống dẫn đường quán tính, và ăng-ten GPS để điều chỉnh đường bay của quả đạn ở pha đầu và pha cuối.
"Nếu vệ tinh Mỹ không tham gia dẫn đường bằng tín hiệu GPS, ATACMS sẽ không phải tên lửa có độ chính xác cao", chuyên gia quân sự Nga Alexander Mikhailov cho biết.
Dù vậy, bổ sung hệ thống định vị GPS sẽ khiến phiên bản ATACMS tầm xa dễ bị gây nhiễu và vô hiệu hóa giống như loạt vũ khí chính xác cao khác mà Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Theo một báo cáo nội bộ của Kiev, tỷ lệ trúng đích của đạn pháo dẫn đường M982 Excalibur sử dụng công nghệ GPS đã giảm mạnh chỉ sau vài tháng thực chiến, xuống mức chưa đến 10% do bị Nga can thiệp.
Giới chuyên gia cũng nhận định lưới phòng không Nga hiện nay có đủ năng lực bắn hạ tên lửa ATACMS nếu không bị quá tải vì số lượng đầu đạn lớn trong đòn tập kích.
Về lý thuyết, khả năng đánh chặn tên lửa ATACMS ở lãnh thổ Nga cũng lớn hơn so với khi bị nó tấn công gần tiền tuyến, do khoảng cách xa sẽ giúp Moskva có thêm thời gian để phản ứng.
Quân đội Nga cũng có thể di chuyển các cơ sở và lực lượng quan trọng ra ngoài tầm bắn 300 km của tên lửa ATACMS, đồng thời tiếp tục đẩy lùi tiền tuyến về phía quân đội Ukraine, nhằm tạo vùng đệm rộng hơn.