Tập đoàn Lockheed Martin cho biết trong quá trình thử nghiệm, hệ thống HIMARS đã phóng 2 tên lửa PrSM và bắn trúng mục tiêu với sai số thấp, điều này khẳng định độ chính xác và khả năng chiến đấu của hệ thống.
“Tên lửa đạn đạo chiến thuật PrSM đã thể hiện hiệu suất và độ tin cậy vượt trội”, đại diện của Lockheed Martin cho biết sau các cuộc thử nghiệm.
Tên lửa tấn công chính xác tầm xa thuộc thế hệ tiếp theo với tên gọi PrSM của Quân đội Hoa Kỳ có khả năng vô hiệu hóa các mục tiêu ở khoảng cách hơn 400 km.
Do kích thước nhỏ gọn, không giống như tên lửa ATACMS, mỗi xe mang phóng tự hành thuộc tổ hợp M270 MLRS và M142 HIMARS có thể chứa 2 tên lửa PrSM thay vì chỉ 1 như ATACMS, ngoài ra kiến trúc mở mang lại tiềm năng hiện đại hóa lớn.
Quân đội Hoa Kỳ hiện đang xem xét hai phiên bản cải tiến của tên lửa bao gồm: PrSM Increment 2 với hệ thống dẫn đường đa chế độ, còn được gọi là tên lửa chống hạm trên đất liền LBASM, và PrSM Increment 3 với đầu đạn tăng cường trong khi vẫn duy trì kích thước và tầm bay.
Ngoài ra vào năm 2023, hai tập đoàn Lockheed Martin và Raytheon Technologies - Northrop Grumman đã bắt đầu phát triển dự án tên lửa PrSM Increment 4 với tầm bay hơn 1.000 km.
Dự kiến PrSM sẽ thay thế toàn bộ MGM-140 ATACMS, loại tên lửa ngày nay vẫn là phương tiện chính để đánh bại lực lượng mặt đất ở độ sâu chiến thuật của chiến trường. Vũ khí mới sẽ mang lại tầm sát thương lớn hơn khi sử dụng các bệ phóng hiện có.
Vào tháng 6, Mỹ đã thực hiện thành công các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn PrSM chống lại mục tiêu di chuyển trên mặt nước, cho thấy tiềm năng đặc biệt của vũ khí mới.