Khởi động cuộc thi “Bach Khoa Innovation” lần IV năm 2021

GD&TĐ - Sáng 16/1, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã chính thức khởi động Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo "Bach Khoa Innovation lần thứ 4 năm 2021" với mục tiêu “Hội nhập – Sáng tạo – Khởi nghiệp”.

PGS.TS Nguyễn Danh Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM phát biểu khai mạc (Ảnh: BTC).
PGS.TS Nguyễn Danh Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM phát biểu khai mạc (Ảnh: BTC).

Cuộc thi do Trường ĐH Bách khoa- ĐH Quốc gia TPHCM phối hợp với Sở KH&CN TPHCM tổ chức. 

Phát biểu khai mạc cuộc thi, PGS.TS. Nguyễn Danh Thảo – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết: Trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã có những đề án, hoạt động hỗ trợ về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo dành cho công dân Việt Nam nói chung và dành cho học sinh - sinh viên nói riêng thông qua 2 đề án: "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 18/5/2016 và "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 30/10/2017. 

Quang cảnh buổi lễ phát động cuộc thi
Quang cảnh buổi lễ phát động cuộc thi

Theo đó, Trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng triển khai nhiều hoạt động, dự án về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Trong số các hoạt động đó, cuộc thi Bach Khoa Innovation là một trong những hoạt động then chốt để nâng tầm sáng tạo đổi mới cho sinh viên và giảng viên. Hoạt động nghiên cứu hiện nay diễn ra rất đa dạng cả về hình thái tổ chức, lĩnh vực nghiên cứu cũng như đối tượng tham dự. 

PGS.TS. Nguyễn Danh Thảo cho biết, cuộc thi có sự kết hợp giữa khoa học, công nghệ với các mô hình kinh doanh thực tiễn vì vậy sinh viên không những phát huy khả năng vận dụng kiến thức đã học tập vào thực tế mà còn khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo của bản thân.

Sân chơi này không chỉ dừng lại ở các mô hình thử nghiệm mà còn là cầu nối để sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp cùng hợp tác để biến các ý tưởng thành sản phẩm cụ thể cũng như mở ra các hướng phát triển xa hơn. 

GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM – đơn vị phối hợp tổ chức, nhấn mạnh, hoạt động đổi mới sáng tạo phải được bắt nguồn từ các trường đại học, bởi tại đây có đầy đủ yếu tố và nền tảng như viện nghiên cứu, công nghệ, hệ thống đào tạo, đặc biệt là có đông đảo sinh viên trẻ và tài năng.

TS.Trương Quang Vinh - Trưởng BTC khởi động cuộc thi phát biểu

TS.Trương Quang Vinh - Trưởng BTC khởi động cuộc thi phát biểu

TS. Trương Quang Vinh - Trưởng BTC khởi động cuộc thi cho biết: Quy mô và thể lệ tham gia cuộc thi Bach Khoa Innovation lần IV năm 2021 so với các năm trước không chỉ gói gọn trong khuôn khổ phạm vi sinh viên trường ĐH Bách khoa mà mở rộng đến các trường ĐH, CĐ, THPT khu vực TP HCM và các tỉnh lân cận. 

Qua 4 kỳ tổ chức, cuộc thi đã nhận được rất nhiều những đề tài có ý tưởng mới lạ, độc đáo, ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến là dự án Hệ thống lọc không khí sử dụng TiO2 lắp đặt trên xe bus của nhóm Hệ thống lọc không khí.

Dự án NanoC.A.T - một loại thuốc nhuộm không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, chất lượng mà còn thân thiện với môi trường; Dự án “Smart Barrier” với tấm cách nhiệt, để nhiệt lượng bên ngoài không có khả năng truyền vào nhà, giảm một lượng nhiệt đáng kể; “Germicidal Wavelengths (GW)” sử dụng đèn uv và xúc tác vô cơ để diệt vi khuẩn. Nhóm BIOGOLD - biến bùn giấy thành vật liệu siêu bền - đề tài này cũng chiến thắng Tech Planter châu Á 2020...

Tọa đàm trả lời những thắc mắc của các bạn học sinh, sinh viên
Tọa đàm trả lời những thắc mắc của các bạn học sinh, sinh viên

Ngoài ra, một số đề tài/dự án của cuộc thi Bach khoa Innovation sau đó đã được ươm mầm thành công và thương mại hóa sản phẩm. Tiêu biểu như dự án Blocky về vấn đề xây dựng những bộ dụng cụ học tập (KIT) giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, kiến thức internet vận vật (IoT) và lập trình trong xu thế giáo dục STEM đang giữ vai trò chủ đạo của nền công nghiệp 4.0 hoặc dự án Easy Location với những ứng dụng đơn giản, thiết thực trong việc tìm kiếm địa điểm đã phần nào thuyết phục được ban giám khảo và các nhà đầu tư. Một số dự án đang được tài trợ đầu tư cũng như trong quá trình hoàn thiện sản phẩm để đưa ra thị trường. 

Năm nay, cuộc thi sẽ trải qua 3 vòng thi, ngoài ra còn có các buổi hội thảo, tư vấn tham quan doanh nghiệp với cơ cấu tổng giải thưởng lên đến hơn 500 triệu đồng, bao gồm giải thưởng cuộc thi và nhiều phần quà có giá trị từ nhà tài trợ. Bên cạnh đó, các đội TOP 5 sau vòng chung kết còn nhận được sự hỗ trợ trong quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ & đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên.

Thời gian đăng ký: đến hết ngày 23/2/2021. Các bạn sinh viên, học sinh có thể tìm hiểu thông tin chi tiết và tải mẫu đăng ký dự thi tại:  https://oisp.hcmut.edu.vn/bk-innovation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.