Học sinh lớp 8 sáng chế “Xe vệ sinh đa năng”

GD&TĐ - Thấy các cô chú lao công tại trường hằng ngày làm vệ sinh hết sức vất vả, nhóm học sinh (HS) lớp 8 Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, TP.HCM) đã nảy sinh ý tưởng chế tạo ra chiếc “Xe vệ sinh đa năng”. 

Đại diện nhóm em Tăng Thanh Hà, Lương Bảo Ngọc và Nguyễn Trương Mai Phương, cùng với thầy giáo hướng dẫn và cô hiệu trưởng vinh dự khi nhận giải Nhì tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 25 năm 2019 tại Quảng Bình. 	Ảnh: NVCC.
Đại diện nhóm em Tăng Thanh Hà, Lương Bảo Ngọc và Nguyễn Trương Mai Phương, cùng với thầy giáo hướng dẫn và cô hiệu trưởng vinh dự khi nhận giải Nhì tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 25 năm 2019 tại Quảng Bình. Ảnh: NVCC.

Sản phẩm của nhóm vừa tham dự Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 25 tổ chức tại Quảng Bình và đoạt giải Nhì.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Nhóm sáng chế có 5 thành viên với 4 nữ, 1 nam, trong đó Nguyễn Trương Mai Phương và Lương Bảo Ngọc phụ trách phần lập trình; Tăng Thanh Hà và Vũ Thị Ngọc Hân phụ trách phần lên ý tưởng và thiết kế bản vẽ, Nguyễn Ngọc Vũ Sang phụ trách phần cơ khí cho xe với sự hỗ trợ của cả nhóm.

Tăng Thanh Hà chia sẻ: Thấy các cô chú lao công tại trường phải thường xuyên quét dọn, lau sàn rất mệt nhọc, nhất là gặp thời tiết nắng nóng dễ sinh bệnh, chúng em đã tạo ra chiếc xe này nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Xe của chúng em được điều khiển bằng tay cầm, có rất nhiều tính năng như quét rác, sàng lọc rác, chà sàn, lau sàn, xịt nước…

Quan sát và thu thập dữ liệu cho thấy các loại rác cơ bản như chai nước, hộp đựng thức ăn, bọc, giấy, vỏ trái cây, đồ ăn thừa, lá cây rụng là chủ yếu, nhóm nghiên cứu hệ thống băng chuyền bằng ống nhựa, để sàng lọc rác theo kích thước cơ bản của chúng.

Tuy không chính xác 100%, nhưng chức năng sàng lọc rác giúp các cô chú lao công đỡ vất vả hơn trong việc phân loại rác tại nguồn.

Các thành viên trong nhóm sáng tạo ra chiếc xe vệ sinh đa năng. Ảnh: TG.
 Các thành viên trong nhóm sáng tạo ra chiếc xe vệ sinh đa năng. 
Ảnh: TG.

Dự án “Xe vệ sinh đa năng” nhằm giúp HS nâng cao ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, cũng như có trách nhiệm hơn trong việc phân loại rác thải tại nguồn.

Sau khi dự thi Hội Tin học trẻ TPHCM về, thì nhóm sáng chế đã chỉnh sửa và nâng cấp sản phẩm, gắn thêm bộ phận lau sàn và chuông báo cho xe khi có vật cản và khi đầy rác....

“Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm gặp rất nhiều khó khăn như khi cho xe hoạt động trong phòng với nền nhà láng thì xe có thể hoạt động tốt, nhưng khi đem xe ra ngoài sân trường sử dụng thì khó khăn, vì sân trường có những cái khe làm cho chổi bị vướng vào, không thể xoay được.

Hoặc là khi bắt tay chế tạo chiếc xe này, chúng em thường làm đơn lẻ các thiết bị. Nhưng khi ứng dụng chung lại để vận hành trên một hệ thống, thì chúng em còn lúng túng…

Đặc biệt ở phần khung xe, chúng em chọn vật liệu là mica với mục đích dễ cắt và chỉnh sửa. Tuy nhiên, nó lại dễ vỡ khi vận chuyển. Vậy là chúng em phải mang khung mica đã cắt ra tiệm gỗ và nhờ thợ cắt theo khung vẽ, để khung xe được hoàn thiện chắc chắn hơn”, Thanh Hà cho biết thêm.

Công nghệ giúp sản phẩm thân thiện hơn

Thầy Nguyễn Minh Triết, giáo viên hướng dẫn của nhóm sáng chế cho biết: “Khi thực hiện dự án, các em rất bỡ ngỡ. Ý tưởng là vậy, nhưng quá trình đưa dự án vào thực tiễn nảy sinh một số trục trặc kỹ thuật, buộc các em phải thay đổi một số chi tiết cho hợp lý.

Bản thân là giáo viên hướng dẫn, tôi luôn hướng các em hoạt động nhóm, để cùng trao đổi ý tưởng với nhau. Sau đó, tôi cùng nhóm chọn lựa phương án tốt nhất để thực hiện.

Với kiến thức lập trình mới, tôi hướng dẫn các em học các phần cơ bản, rồi chỉ các nguồn tài liệu cần thiết trên mạng để các em nghiên cứu thêm. Quá trình thực hiện sản phẩm, nếu gặp vướng mắc ở các phần lập trình, tôi cùng các em phân tích và tháo gỡ”.

Theo nhóm học sinh, về công nghệ cảm biến arduino, nhóm chỉ mới được học từ khi có ý tưởng và được sự hỗ trợ của thầy hướng dẫn. Các em tự học và tự giải quyết những vấn đề cần thiết phát sinh trong quá trình làm sản phẩm.

Chẳng hạn như các em học các mạch cơ bản, các kiến thức về vật lý và công nghệ, thì được hướng dẫn và áp dụng vào thực tiễn cho sản phẩm. Hoặc khi đang làm, nhóm nảy ra thêm ý tưởng làm đèn chiếu sáng và cảnh báo cho xe - nhưng ý nhóm chỉ là làm công tắc, thầy giáo đã hướng dẫn tìm hiểu và sử dụng cảm biến ánh sáng để đèn, có thể tự động bật tắt.

Hiện nhóm đang thử nghiệm làm một chiếc “Xe vệ sinh đa năng” lớn hơn sử dụng tại trường. Đối với mô hình xe nhỏ, thì có thể sử dụng xe tại hành lang các dãy phòng học, hoặc sử dụng trong các phòng chức năng trống (sau khi các tiết học bàn ghế đã được dọn dẹp).

Bên cạnh đó, nhóm cũng đang cải tiến xe, sẽ đưa vào thêm nhiều tính năng hơn như: Nâng cấp hệ thống chà và lau sàn hút bụi, cho xe tự động đổ rác và nghiên cứu sàng lọc các loại rác thải tốt hơn.

Thầy Nguyễn Minh Triết cho biết: Tại Hội thi vừa qua, sản phẩm này được Hội đồng đánh giá cao về ý tưởng và quá trình thực hiện. Đặc biệt ý tưởng này gần gũi, không quá lớn lao so với độ tuổi của các em và sản phẩm được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn.

“Bản thân tôi rất vui khi các học sinh ở độ tuổi này mà có được ý tưởng tạo ra một sản phẩm rất hữu ích, giúp các cô chú lao công đỡ vất vả, góp phần bảo vệ môi trường.

Điều đặc biệt là các em muốn thông qua sản phẩm, góp phần nâng cao nhận thức của các bạn trong việc phân loại rác tại nguồn. Ý tưởng rất hay và thực tiễn, nó gắn liền với cuộc sống hằng ngày của các em” - Thầy Nguyễn Minh Triết, Giáo viên Tin học Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, TP.HCM)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.