Hiệu quả từ mô hình dạy nghề trồng vườn

GD&TĐ - Thông qua Đề án 1956 – “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020”, xã Phúc Ninh (Yên Sơn, Tuyên Quang) đã vươn lên trở thành một xã có nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, làm thay đổi diện mạo một vùng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Đăng Thuận chăm sóc vườn cây, chuẩn bị cho vụ thu hoạch sắp tới.
Ông Nguyễn Đăng Thuận chăm sóc vườn cây, chuẩn bị cho vụ thu hoạch sắp tới.

Làm giàu từ những lớp học nghề nông

Ông Nguyễn Đăng Thuận ở thôn Khuôn Thống (Phúc Ninh, Yên Sơn, Tuyên Quang) là một trong 33 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của toàn xã Phúc Ninh, cũng từng là học sinh xuất sắc của lớp học nghề trồng cây ăn quả.

Ông Thuận chia sẻ: Năm 2017, cùng với 30 lao động khác trong xã được tham gia lớp dạy nghề trồng cây ăn quả.

Qua lớp dạy nghề ở địa phương, ông đã học được rất nhiều kỹ thuật về nhân giống, cấy ghép, chiết cành, bón phân thúc cây, cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu....

Kết thúc lớp học, ông Thuận áp dụng thành công những kiến thức và kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho gia đình.

Hiện nay, gia đình ông Thuận đang tiếp tục nhân rộng và phát triển 2,7 héc ta trồng bưởi ngọt, bưởi da xanh, bưởi đường. Ngoài ra, 1 héc ta cam Vinh được gieo trồng cũng bắt đầu cho thu hoạch. Theo tính toán, một năm trừ chi phí mô hình trồng cây ăn quả từ gia đình mang về cho gia đình ông Thuận khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Đức Quân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Ninh cho biết: Địa phương đã xác định thế mạnh kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt. Trước đây, do không được đầu tư, hỗ trợ nên bà con trồng cây ăn quả theo kiểu tự phát manh mún, nhỏ lẻ.

Từ năm 2016, chính quyền chủ trương quy hoạch thành vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa. Đồng thời, xây dựng chiến lược dạy nghề cho LĐNT dựa trên thế mạnh địa phương, thì vùng trồng cây ăn quả ở Phúc Ninh được phát triển.

Hiện nay, toàn xã có hơn 1.440 hộ thì có tới gần 1.000 hộ trồng cây ăn quả và hơn 60% lao động trong hộ từng được tập huấn kỹ thuật hoặc được dạy nghề. Nhờ trồng cây ăn quả mà đời sống bà con giàu có lên trông thấy, thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng/trên một hộ.

Đào tạo gắn với nhu cầu

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An – Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Nông dân tỉnh Tuyên quang cho biết, trong 5 năm trở lại đây hoạt động dạy nghề của trung tâm đã được chuyển đổi mạnh mẽ, bám sát nhu cầu của thị trường và thế mạnh của địa phương.

Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp ở Tuyên Quang sẽ tiếp tục đào tạo theo nhu cầu của người học và xu hướng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp.

“Hiện nay, dạy nghề cho LĐNT không phải là dạy cái mình có mà phải dạy cái mà nông dân cần. Yêu cầu tiên quyết là phải dạy nghề dựa trên những thế mạnh của địa phương, giúp nông dân phát huy thế mạnh đó để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Nếu dạy nghề đơn điệu, kiến thức cũ thì nông dân sẽ không hào hứng theo học” – bà An nói.

Bà Lý Thị Hải Hiền – Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang cho biết, hầu hết các chương trình dạy nghề từ nông nghiệp, phi nông nghiệp đều được thiết kế dựa trên thế mạnh của địa phương. Lao động sau học nghề đã áp dụng được kiến thức vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, tăng thu nhập hộ gia đình.

Hoạt động dạy nghề không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động mà còn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2019 lên trên 57%, trong đó đào tạo nghề lên trên 35%.

Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang, qua 8 năm thực hiện Đề án 1956, đào tạo nghề cho LĐNT (từ năm 2010 - 2018) đã có 74.403 LĐNT được đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, trung cấp, cao đẳng là 4.453 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 69.950 người.

Dự kiến, năm 2019 sẽ dạy nghề cho thêm tổng số 8.000 LĐNT. Trong đó, tổng số LĐNT sau học nghề có việc làm là gần 50.000 người. Trong 8 năm từ 2010 - 2018, có gần 5.000 người thoát nghèo nhờ được dạy nghề tạo việc làm.

Hiện nay, nhu cầu về đào tạo của các hộ gia đình tại địa phương còn rất lớn nhưng thay vì các lớp học kỹ thuật trồng trọt, bà con mong muốn được đào tạo những kiến thức về kinh doanh, phát triển thương hiệu và thị trường cho sản phẩm của địa phương – ông Quân cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ