Dịch vụ sửa nhà: Lên ngôi nhờ tay nghề

GD&TĐ - Thợ xây là một vị trí nhân lực quan trọng trong ngành xây dựng. Họ là những người có tay nghề hoặc được đào tạo chuyên nghiệp để thực hiện công việc lao động trực tiếp xây dựng các công trình, nhà cửa... Ngày nay, một trong những công việc phổ biến của thợ xây là sửa chữa nhà.

Thợ xây lành nghề có nhiều cơ hội việc làm cho thu nhập khá cao và ổn định. Ảnh: TG.
Thợ xây lành nghề có nhiều cơ hội việc làm cho thu nhập khá cao và ổn định. Ảnh: TG.

Giỏi một nghề, biết nhiều nghề

Gắn bó với nghề thợ xây từ những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay ông Trần Thế Trung, ở Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội vẫn trung thành với dịch vụ sửa chữa nhà của mình.

Cũng là thợ xây nhưng việc sửa chữa nhà khiến cho ông Trung cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều khi so với việc xây dựng ở công trường, vừa phải xa nhà, dãi nắng, dầm mưa, ăn ở tạm bợ ở lán trại… Cho đến nay, ông Trung là một trưởng nhóm thợ xây, vừa nhận việc và vừa cùng cả nhóm làm các dịch vụ về sửa chữa nhà.

Cùng với ông Trung đến nhận việc tại một nhà dân, qua trao đổi, gia chủ yêu cầu phá dỡ một chiếc bể nổi đã lâu không còn sử dụng, làm lại mặt bằng của khu vực này, đồng thời trát vữa và lăn sơn mới cho phòng bếp, cùng một số công việc liên quan khác.

Sau khi bàn bạc, trao đổi, đo đạc, tính toán tại hiện trường, hai bên thống nhất mức phí là 4,5 triệu đồng cho gói dịch vụ này. Hợp đồng được thực hiện ngay từ ngày hôm sau.

Ông Trung cho biết, để có thể nhận được công việc này cần phải bảo đảm được ít nhất là có tiền công, muốn thế việc đo đạc và xác định khối lượng công việc phải chính xác. Ví dụ, trát vữa lăn sơn mới, phải đo mét vuông của tường từ đó tính ra khối lượng vữa cũ, gạch ốp phải cạo bỏ, vận chuyển khỏi nơi thi công, đồng thời tính luôn số lượng cát, xi măng trát lại, số sơn mới cần mua để sử dụng, số lượng ngày công… từ đó tính ra chi phí thực tế, cộng thêm phần công xá để đưa ra mức phí cho gói dịch vụ.

Ông Trung cho biết, trước đây dịch vụ sửa chữa nhà ở Hà Nội không nhiều, khi đó, nhu cầu về sửa nhà cũng không cao, thường người dân sẽ tự làm hoặc nhờ người quen đến giúp một vài buổi là xong. Tuy nhiên, xã hội phát triển việc sửa nhà đã trở thành một dịch vụ không thể thiếu được.

Khác với những thợ xây làm việc ở công trường lớn, thợ xây làm dịch vụ sửa chữa nhà cũng đỡ vất vả hơn bởi công việc thường ở trong nhà nhiều hơn ngoài trời, thế nhưng các yêu cầu sửa chữa lại không giống nhau về cả hình thức lẫn nội dung. Mức phí cho mỗi gói dịch vụ phải được tính toán kỹ để bảo đảm tính cạnh tranh, lấy cao quá thì dễ mất khách, mà thấp quá thì người làm dịch vụ thiệt thòi, thậm chí còn lỗ vốn.

Ưu thế hơn khi có trình độ

Công thợ xây có tay nghề cao được ông Trung trả 600 nghìn đồng/ngày, thợ phụ từ 300 - 400 nghìn đồng/ngày, đây được cho là mức thù lao nhỉnh hơn một chút so với mặt bằng công thợ xây hiện nay.

Tuy nhiên, khác hẳn so với việc thi công một công trình mới hoàn toàn, công việc sửa chữa nhà lại đòi hỏi nhiều hơn ở sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, bởi mỗi gói dịch vụ sửa chữa nhỏ có thể bao gồm nhiều công việc khác nhau, mà người thợ xây phải xử lý, trong đó có cả những việc thuộc về ngành khác như sắt, điện, nước, sơn bả…

Những công việc này theo gói dịch vụ rất ít, nên khó có thể thuê riêng công thợ chuyên nghiệp.

Qua khảo sát, thị trường lao động Hà Nội hiện có khá nhiều các tổ, đội dịch vụ cũng như một số công ty xây dựng tư nhân tham gia vào dịch vụ sửa chữa nhà. Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực thợ xây tại nhiều công trình xây dựng lớn, nhỏ, cũng có sự gia tăng đáng kể.

Hiện nay, thợ xây là một trong những nghề mang tính chất tự do. Rất ít thợ được đào tạo qua trường lớp, số đông người thợ đi lên từ con đường tự học, họ bắt đầu từ những công việc lao động phổ thông, phụ xây, dần dần được đào tạo theo lối “cầm tay chỉ việc” khi quen việc gần như nghiễm nhiên sẽ trở thành thợ chính. Tuy nhiên, đây là quá trình vừa học vừa làm khá dài và vất vả. Nếu được đào tạo cơ bản ở một cấp trình độ nghề nghiệp nhất định, người lao động sẽ có nhiều lợi thế hơn khi tham gia vào thị trường lao động.

Theo các chuyên gia ngành xây dựng, sự ổn định kinh tế, xã hội đã tạo điều kiện cho ngành xây dựng của Việt Nam phát triển tốt trong hiện tại và tương lai. Vì vậy, một thợ xây lành nghề có rất nhiều cơ hội việc làm cho thu nhập khá cao và ổn định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.