Hà Nội: Dân ngoại thành ồ ạt xây nhà “chạy” lên quận

Thông tin chốt 4 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì lên quận dẫn tới tâm lý ồ ạt xây nhà để tránh vướng thủ tục pháp lý sau này.

Người dân đua nhau xây nhà trước khi chính thức lên quận vào năm 2020
(Trong ảnh: Nhà đang xây dựng tại xã Hải Bối, Đông Anh)
Người dân đua nhau xây nhà trước khi chính thức lên quận vào năm 2020 (Trong ảnh: Nhà đang xây dựng tại xã Hải Bối, Đông Anh)

Xây nhanh kẻo lên quận!

Những ngày giữa tháng 4, tại thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm), từ đầu phố, PV đã chứng kiến cảnh bụi đất mù mịt với những đoàn xe tấp nập chở vật liệu xây dựng. Đi sâu vào thị trấn, rẽ vào ngõ Cửu Việt dài hơn km có gần chục nhà đang xây, máy kéo, trộn bê tông nổ xình xịch, tiếng thợ xây đập gạch lách cách, trò chuyện râm ran… Anh Nguyễn Văn Toàn, chủ nhà đang xây vừa giám sát thợ trộn bê tông vừa nói oang oang: “Thủ tục xây nhà đơn giản lắm, chỉ cần đủ chứng minh thư, hộ khẩu, sổ đỏ nộp lên là được xây”.

Ngay cạnh đó, chị Nguyễn Thị Ngoan cũng không ngần ngại chia sẻ: “Bây giờ vẫn là thị trấn, chưa phải xin phép. Nhà đang xây đây có phải làm gì đâu. Sang năm lên quận khó hơn đấy, có đất rồi thì xây luôn đi”.

Tương tự, tại xã Đông Mỹ, Thanh Trì, dọc chiều dài chừng hơn 2km ngổn ngang các bãi tập kết vật liệu xây dựng. Ông Trần Anh Hồng đang mướt mát mồ hôi xúc đất đổ nền cho biết, năm nay không phải xin phép, diện tích đất nhà ai từ đâu cứ căng dây xây từ đấy. “Năm nay xây đông lắm, từ đầu năm tới giờ có tới hơn 40 nhà đang xây. Sợ lên quận rồi họ sẽ siết chặt”, ông Hồng cho hay.

Dọc đê tả sông Hồng, đoạn qua xã Hải Bối, huyện Đông Anh, cũng là nơi đang có mật độ xây dựng dày đặc. Tính riêng làng Hải Bối đã có khoảng 20 nhà đang xây. Chị Hằng chủ một cơ sở vật liệu liên tục nghe điện thoại khách hàng giục giao hàng, vội vã chia sẻ: “Năm ngoái đã nhiều, năm nay xây còn gấp đôi. Hiện trong nhà có hơn trăm cuốn sổ theo dõi hàng xuất cho đại lý và người dân”…

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đình Ngọc, Phó chủ tịch UBND xã Hải Bối cho hay: “Từ giữa năm 2018 đến nay, hoạt động chuyển nhượng đất sôi động hơn hẳn, trung bình mỗi tháng xã làm thủ tục 15-20 trường hợp. Cùng với đó, tình trạng xây dựng cũng tấp nập không kém. 3 tháng đầu năm, đã có khoảng 90 trường hợp xây nhà mới, tăng gấp đôi so với cả năm 2018”.

Theo ông Ngọc, mật độ xây dựng tăng mạnh là do nhu cầu thiết thực của người dân và thông tin huyện Đông Anh sẽ lên quận trong năm 2020. “Bây giờ thủ tục đơn giản nên người dân có tâm lý xây trước khi lên quận, tránh những rắc rối sau này”. Theo báo cáo, nếu tháng 1, trên toàn huyện Đông Anh chỉ có 24 công trình xây dựng mới thì tới tháng 3 đã có 132 công trình xây dựng phát sinh.

Bất cập trong xử lý vi phạm xây dựng

 
“Hiện quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị một số nơi trên địa bàn còn thiếu, đặc biệt các vùng ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, chất lượng cấp phép chưa cao. Một số khu vực có quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch triển khai, chưa có quyết định thu hồi đất, chưa thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng… Điều này dẫn tới công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng còn hạn chế, thậm chí có nơi còn buông lỏng để xảy ra tình trạng đổ đất lấn chiếm, xây dựng móng, tường bao công trình khác trên đất không được cấp phép xây dựng”.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội

Theo PV Báo Giao thông ghi nhận, tình trạng xây dựng ồ ạt “chạy lên quận” không chỉ diễn ra trên đất hợp pháp có sổ đỏ mà còn ngay cả trên đất không được cấp phép xây dựng. Cụ thể, trong quý I, trên địa bàn Gia Lâm đã có 242 công trình xây dựng khởi công. Qua kiểm tra phát hiện 20 trường hợp vi phạm, trong đó có 18 trường hợp vi phạm xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp.

Ông Dương Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cho biết: “Công tác kiểm tra xử lý vi phạm trật tự vẫn để phát sinh một số trường hợp xây dựng sai phép, tiến độ xử lý còn chậm do UBND xã chưa quyết liệt, một số cán bộ trong đội quản lý trật tự xây dựng huyện tinh thần trách nhiệm còn hạn chế”.

Tương tự, tại huyện Thanh Trì, trong quý I, kiểm tra 45 công trình xây dựng trên địa bàn, phát hiện tới 28 trường hợp vi phạm, trong đó có 24 trường hợp xây trên đất nông nghiệp.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay đất ở vùng nông thôn thuộc diện miễn phép. “Tại các huyện ngoại thành, cụ thể là 4 huyện sắp lên quận, hầu hết đang được miễn phép khi xây trên đất ở. Khi lên quận, thủ tục cấp phép xây dựng sẽ phức tạp hơn, do vậy tâm lý “xây chạy” của người dân thời điểm này là hoàn toàn dễ hiểu”. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận tình trạng “xây chạy” nếu diễn ra phổ biến, sẽ gây khó cho công tác quản lý, quy hoạch xây dựng khi các địa bàn này đã lên quận.

Trước tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, ông Dũng khẳng định, trách nhiệm thuộc về UBND cấp xã. “Quy định về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội nêu rõ Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm toàn diện đối với các hoạt động xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. Trong trường hợp phát sinh vi phạm phối hợp với các đơn vị liên quan, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo lĩnh vực đất đai”, ông Dũng nói.

Cũng theo vị Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, Nghị định 139/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, có hiệu lực từ 15/1/2018 cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, không phù hợp với thực tiễn quản lý. “Nghị định không quy định hành vi vi phạm xây dựng trên đất không được phép xây dựng. Do đó, công trình xây dựng trái phép trên đất công, đất nông nghiệp không có căn cứ để xử lý theo lĩnh vực trật tự xây dựng”, ông Dũng dẫn giải.

Theo Baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.