Đậu Đăng Thiện không còn “lạc lõng”

GD&TĐ - Cách đây 4 năm, Đậu Đăng Thiện chọn vào đại học Dược vì “tiếc” 27,6 điểm thi khối A. Rời quê ra Hà Nội, Thiện đã cố gắng ở lại với quyết định năm 18 tuổi, nhưng cuối cùng nhận ra mình đã sai lầm.

Đậu Đăng Thiện – SV ngành Sư phạm Hóa học, Viện Sư phạm Tự nhiên (Trường ĐH Vinh).
Đậu Đăng Thiện – SV ngành Sư phạm Hóa học, Viện Sư phạm Tự nhiên (Trường ĐH Vinh).

Không muốn kéo dài thêm thời gian lạc lõng, thiếu động lực, em quyết định rút hồ sơ, không bảo lưu.

Chàng trai trở về, dành 1 năm ôn tập và thi lại trúng tuyển vào đại học sư phạm với 29,35 điểm khối A – cao nhất tỉnh Nghệ An năm 2020. Lần này, Thiện không tiếc điểm số, không tiếc thời gian chậm chân so với bạn bè, mà lắng nghe bản thân, lựa chọn theo đam mê, vì cuộc đời là của chính mình.

Sự cô đơn, lạc lõng của nam sinh viên trường “top”

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Đậu Đăng Thiện (nguyên là học sinh Trường THPT Thanh Chương 1, huyện Thanh Chương, Nghệ An) đạt 27,6 điểm khối A. Điểm thi của em đạt kế cận mức được tuyên dương của UBND tỉnh Nghệ An năm học đó. Đây cũng là thành quả xứng đáng cho 12 năm học tập chăm chỉ, nỗ lực của nam sinh xứ Nghệ.

Trước ngưỡng cửa tương lai, Thiện đăng ký 3 nguyện vọng vào các trường: ĐH Bách khoa, ĐH Dược và ĐH Sư phạm. Tuy nhiên, do sai sót trong điền thông tin, ngành học tại Trường ĐH Bách khoa vượt quá khả năng tài chính của gia đình Thiện. Em cũng cân nhắc nguyện vọng sư phạm theo truyền thống gia đình, nhưng thầy cô, bạn bè lại tỏ ra “tiếc” điểm thi.

Sau đó, nam sinh chọn học Dược, bởi đó là trường “hot”, nằm trong tốp đầu cả nước. “Ngày ấy em thực sự chưa có định hướng gì về nghề nghiệp của mình. Em học tốt nhưng thụ động. Việc lựa chọn trường đại học cũng theo trào lưu và đánh giá của người lớn”, Đậu Đăng Thiện thú nhận.

Mang theo hành trang điểm đầu vào cao và chút háo hức khi rời quê ra Hà Nội, nam sinh xứ Nghệ bước vào cổng trường đại học. Em sớm bắt nhịp với môi trường, tác phong, phương pháp học tập mới. Nhưng điều em không thể nào tìm được là niềm yêu thích với ngành nghề mà mình đang theo học. Suy nghĩ về việc học sai ngành nhen nhóm, nhưng từ bỏ không hề dễ.

Quá nhiều áp lực, lo lắng và đánh đổi. Thiện không khó khăn để vượt qua các kỳ thi, nhưng kết quả học tập cũng chẳng nổi trội. “Thực tế có nhiều bạn khi vào đại học cũng chưa có định hướng rõ ràng như em. Nhưng sau đó, các bạn tự tạo ra động lực cho mình, tìm thấy đam mê với ngành nghề đang theo đuổi. Còn em thì không có cả 2 điều đó”, Thiện nói.

Em không trách ai, vì đó là lựa chọn của mình. Em cũng cố gắng ở lại với quyết định năm 18 tuổi, để cuối cùng nhận ra, càng tiếp tục thì càng kéo dài thời gian lạc lõng. Hết năm thứ 3 đại học, Đậu Đăng Thiện dừng lại. “Nhiều người động viên em cố gắng nốt 2 năm nữa để tốt nghiệp. Tấm bằng dược sĩ dù sao cũng danh giá. Nhưng em rút hồ sơ, không bảo lưu kết quả học tập. Từ bỏ hoàn toàn là cách để tạo áp lực, và cả động lực cho mình khi bắt đầu lại”, Thiện nói dứt khoát.

Làm lại và chọn con đường sư phạm

Từ bỏ trường Dược, chàng trai quay về quê, dành một năm ôn thi lại đại học. Bố mẹ tôn trọng ý kiến của Thiện nhưng cũng nhắc nhở: “Lần này không còn “nháp” nữa con nhé”! Em gái đã trở thành sinh viên năm nhất, còn Thiện như một người đi ngược, quay về vạch xuất phát.

Là thí sinh tự do, Thiện có lợi thế về thời gian hơn so với các bạn lớp 12. Nhưng gián đoạn 4 năm, cấu trúc đề, cách thức thi có nhiều thay đổi. Vì vậy, nam sinh lao vào học, để lấp khoảng trống kiến thức, đuổi kịp các em khóa dưới. Thiện cũng đặt cho mình mục tiêu cao tại kỳ thi này, chứng minh giá trị bản thân “không phải là một sinh viên trường dược thất bại”.

Em gặp thầy cô giáo cấp 3, dù tiếc nuối với lựa chọn từ bỏ của cậu học trò cũ nhưng vẫn tận tình, tâm huyết chỉ dạy. Chính thời gian này, em đã tìm được định hướng cho mình – trở thành một giáo viên. Em muốn tiếp bước thầy cô của mình, không chỉ chia sẻ kiến thức mà tạo niềm vui, truyền cảm hứng cho học trò.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Đậu Đăng Thiện đạt 29,35 điểm (Hóa học 10, Toán 9,6 và Vật lý 9,75). Em cũng là thí sinh đạt điểm khối A cao nhất tỉnh Nghệ An và đứng thứ 11 cả nước. Nhưng lần này, Thiện không tiếc điểm số, không tiếc những trường ĐH tốt theo đánh giá của những người xung quanh, mà mà lắng nghe bản thân.

Em đăng ký duy nhất nguyện vọng vào sư phạm Hóa học, và cân nhắc giữa Hà Nội hay Nghệ An. Sau 1 tuần suy nghĩ, Thiện chọn học tại Trường ĐH Vinh. “Trường có truyền thống đào tạo sư phạm, nhiều thầy cô giáo của em cũng tốt nghiệp từ nơi này, hơn nữa em cũng đỡ chi phí sinh hoạt, học tập”, Thiện chia sẻ.

Với lựa chọn đó, Đậu Đăng Thiện cũng là thủ khoa đầu vào năm 2020 của Trường ĐH Vinh. Dù mới nhập học hơn 2 tháng, nhưng em cho biết cảm thấy hứng thú, tìm được niềm vui ở môi trường sư phạm. Bắt đầu lại, chậm chân hơn với các bạn, Thiện tâm sự nghề giáo sau này có thể không giàu có nhưng có những giá trị riêng. Và quan trọng nhất, là em không còn thấy lạc lõng trong lựa chọn của mình nữa.

Nhìn lại thời gian đã qua, Đậu Đăng Thiện tâm sự, em không thấy năm đại học ở Hà Nội là lãng phí. Em có trải nghiệm, được tiếp xúc với môi trường năng động, mới lạ. Quan trọng nhất, là giúp em hiểu được bản thân mình, cho em sự tự tin, dám làm, dám chịu.

“Những năm học phổ thông, cái em thiếu là sự trải nghiệm và thông tin hướng nghiệp; thiếu sự chia sẻ thắng thẳn, chân thành với bố mẹ, thầy cô để nói lên nguyện vọng, mơ ước của mình. Em mong các bạn học sinh bây giờ sẽ được bù đắp những thiếu hụt đó. Để không lỡ mất nhiều năm mới nhận ra mình muốn gì, có thế mạnh về cái gì và quyết tâm theo đuổi”.

PGS.TS Lê Đức Giang – Viện trưởng Viện Sư phạm Tự nhiên (Trường Đại học Vinh) cho biết, những năm gần đây, tuyển sinh sư phạm gặp không ít khó khăn. Vì vậy, có được những thí sinh đạt điểm đầu vào cao như Đậu Đặng Thiện là rất đáng quý. Về phía nhà trường nói chung và Viện SPTN luôn tạo điều kiện, hỗ trợ chính sách học bổng cho sinh viên giỏi. “Hiện chúng tôi cũng đưa ra 2 định hướng cho Thiện.

Hoặc là học vượt chương trình và sau 3 năm em có thể tốt nghiệp ĐH. Hoặc đăng ký thêm văn bằng 2 Ngoại ngữ trong trong thời gian học chuyên ngành Sư phạm Hóa học. Nếu Thiện giữ được phong độ, có kết quả học tập xuất sắc thì sẽ có cơ hội đi du học và quay về trường làm giảng viên”, PGS.TS Lê Đức Giang nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ