"Báo động đỏ" học trò bắt chước Youtube làm pháo nổ

GD&TĐ - Gần Tết Nguyên đán, xảy ra nhiều vụ học sinh bắt chước Youtube tự chế pháo nổ. Đã có trường hợp tai nạn làm các em thương tật suốt đời, thậm chí tử vong, khiến dư luận xôn xao, phụ huynh lo lắng.

Nhiều vụ học sinh bắt chước Youtube tự chế pháo nổ gây hậu quả đáng tiếc. Ảnh minh họa
Nhiều vụ học sinh bắt chước Youtube tự chế pháo nổ gây hậu quả đáng tiếc. Ảnh minh họa

Clip dạy làm pháo tràn lan trên Youtube

Mới đây, dư luận lại xôn xao trước tình trạng học sinh tự chế tạo pháo nổ trên địa bàn Hà Tĩnh. Ngày 20/12/2020, công an xã Thạch Châu (Lộc Hà, Hà Tĩnh) phát hiện hai học sinh lớp 8 và lớp 9 có hành vi sử dụng pháo trái phép. Các em khai nhận cùng nhau lên mạng tìm hiểu cách chế pháo, sau đó mua các tiền chất để chế tạo pháo.

Cũng liên quan đến các trường hợp tự làm pháo, tại Đăk Lăk là vụ học sinh lớp 7 Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Pơng Drang) bị cháy xém mặt do học chế tạo pháo từ clip trên Youtube. Tương tự, tại Quảng Ninh cũng xảy ra vụ học sinh cấp 2 bị thương do tự chế pháo.

Ngoài ra, học sinh lớp 9 ở Kim Thành, Hải Dương lên mạng xem hướng dẫn chế tạo pháo rồi mua thuốc nổ về tự làm, thuốc phát nổ khiến em bị đa chấn thương phải cắt cụt bàn tay phải.

Càng gần thời điểm Tết Nguyên đán, những trường hợp học sinh bị thương tích liên quan đến pháo ngày càng tăng. Có thể thấy, nguyên nhân sự việc bắt nguồn từ các clip dạy làm pháo trên mạng. Không khó để tìm kiếm những clip như vậy tràn lan trên Youtube. Người truy cập chỉ cần gõ từ khoá tìm kiếm “hướng dẫn làm pháo” trên Youtube sẽ xuất hiện tràn lan hàng loạt các clip với hàng trăm nghìn lượt xem nhất là vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán.

Theo anh Phùng Trọng Tân, chuyên gia IT (Trường Cao đẳng Đường sắt), chỉ cần gõ các cụm “làm pháo diêm an toàn đón Tết”, “Cách cuộn pháo que bông cho Tết 2021”, “Cách làm dây pháo cháy chậm cho năm mới”,… đều liên quan đến cách tự làm pháo trên Youtube được đăng tải trong thời gian gần đây. Tiêu đề của chúng thường đính kèm với “Tết 2021”, “năm mới”. Ngoài ra những cụm từ như “an toàn”, “đơn giản”, “thành công 100%” cũng được đưa vào để thu hút người xem.

Từ công thức làm thuốc nổ pháo cho đến hướng dẫn làm thuốc nổ đen, hướng dẫn làm pháo bông, chế lựu đạn ném, cách làm pháo tép đều được hướng dẫn tỉ mỉ. Thậm chí có những video hướng dẫn người dùng tự chế nhiều loại pháo bông khác nhau từ pháo diêm, pháo que bông cho đến các loại pháo có độ sát thương mạnh, thậm chí cả bom xăng và bom hoá học.

Anh Phùng Trọng Tân cho biết thêm, các video hướng dẫn tự chế tạo pháo chỉ số ít được gắn nhãn giới hạn độ tuổi. Hầu hết chủ kênh không cảnh báo người xem mà còn nhấn mạnh cách làm của mình an toàn, không gây nguy hiểm. Điều này khiến các em nghĩ là được phép thực hiện và thực sự nguy hiểm nếu giấu người lớn tự ý làm.

Năm 2018, vụ nổ trong quá trình quấn pháo tự chế khiến em Th. (học lớp 7, ở Hải Phòng) bị dập nát tay, chỉ giữ được ngón cái tay phải và 3 ngón tay trái. (Ảnh: Internet)
Năm 2018, vụ nổ trong quá trình quấn pháo tự chế khiến em Th. (học lớp 7, ở Hải Phòng) bị dập nát tay, chỉ giữ được ngón cái tay phải và 3 ngón tay trái. (Ảnh: Internet)

Cảnh báo học sinh tự học làm pháo trên mạng

Theo Cô Nguyễn Thị Hiếu, giáo viên dạy Hoá đã nghỉ hưu (Hưng Yên), đa số những học sinh tự chế pháo chưa am hiểu về các chất, quy trình vận chuyển cũng như sử dụng cho quá trình sản xuất pháo. Việc điều chế thuốc nổ cần phải được thực hiện trong phòng thí nghiệm đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn, được cấp phép thực hiện và có người giám sát. Ngoài ra, người thực hiện phải được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ. Do vậy, việc học sinh tự chế pháo là cực kỳ nguy hiểm, thuốc nổ là hiểm hoạ dẫn đến tan xương nát thịt.

Được biết, nghị định mới về quản lý sử dụng pháo sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 11/01/2021 với rất nhiều điểm mới, quy định về nguyên tắc quản lý sử dụng pháo, quy định về cho phép các tổ chức cá nhân được phép sử dụng pháo. Khiến cho một bộ phận người dân trong đó có các em học sinh đang hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo hoa.

Luật sư Trần Thanh Bình (Công ty luật TNHH Trần Thanh Bình) cho biết, nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo mới được Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021. Việc không hiểu kỹ, hiểu sai bản chất của Nghị định sẽ vô tình khiến nhiều người trong đó có các em học sinh vi phạm pháp luật, dẫn tới bị xử lý hình sự nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề, nhu cầu sử dụng pháo hoa tăng cao.

Luật sư Bình chia sẻ thêm, người dân chỉ được sử dụng loại pháo hoa không có thuốc nổ, không gây ra tiếng nổ còn loại pháo hoa nổ, người dân tuyệt đối không được sử dụng. Người sử dụng pháo hoa phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Người dân chỉ được mua pháo hoa do các tổ chức doanh nghiệp của Bô Quốc phòng bán và được sử dụng trong các ngày lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi hoặc các sự kiện văn hoá nghệ thuật.

TS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Trung tâm Kỹ năng Atelier Minh cho rằng, các trường nên có biện pháp tuyên truyền đến các em học sinh về cấm chế tạo, mua bán, sự dụng pháo nổ. Vì các em chưa có ý thức về sự nguy hiểm của các loại pháo, sự mạo hiểm khi thực hiện các thử nghiệm liên quan đến hoá học mà không đảm bảo điều kiện an toàn.

Trong các giờ học Hoá học, giáo viên nên phân tích cho các em về tác hại của tự chế pháo nổ, không được tự ý thực hiện khi chưa được phép để tránh những hậu quả không đáng có. Ngoài ra, các cha mẹ cần chung tay quản lý, giám sát con em mình trong việc sử dụng mạng internet cũng như tiếp xúc với các chất dễ gây cháy nỗ, nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ