4 năm vừa học vừa làm vẫn thành thủ khoa

GD&TĐ - Là thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Thành Đô với kết quả học tập xuất sắc, Phạm Thị Thoàn là một trong số 84 thủ khoa được vinh danh trong lễ "Tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường ĐH, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Phạm Thị Thoàn - thủ khoa Trường ĐH Thành Đô
Phạm Thị Thoàn - thủ khoa Trường ĐH Thành Đô

"Cháy" hết mình 4 năm sinh viên

Tự tin, năng động, Thoàn đã nhanh chóng xin được việc làm phù hợp với chuyên môn tại Hà Nội. Cô sinh viên tốt nghiệp trường đại học ngoài công lập thực sự gây ấn tượng khi cho rằng: giá trị của bản thân là kiến thức và kinh nghiệm mình tích lũy chứ không phải bằng cấp hay tiếng tăm của ngôi trường mình học tập.

Trong câu chuyện của nữ sinh trường Thành Đô luôn có bóng dáng người cha, người mẹ tần tảo sớm hôm trên đồng ruộng để nuôi con ăn học. Sinh ra ở nông thôn, quen với lao động và sự vất vả, ngay từ năm đầu tiên đại học, Phạm Thị Thoàn đã tranh thủ làm thêm để trang trải tiền ăn ở và phụ giúp cha mẹ nộp học phí.

"Vì đi làm thêm nên bản thân em luôn phải cân bằng giữa đi học và đi làm, để làm sao không ảnh hưởng đến việc học.

Có những buổi sáng sớm dậy đi làm thêm đến trưa rồi lại vội đạp xe để kịp giờ lên lớp. Nhiều khi phải học đến giờ giải lao mới xuống căng tin trường để ăn. Ra trường rồi thực sự rất nhớ những ngày tháng còn ngồi học cùng bạn bè. Có bạn bè giúp đỡ, cùng vui, cùng buồn" - Phạm Thị Thoàn nhớ lại.

Học, làm thêm, Phạm Thị Thoàn (thứ 2 từ phải sang) vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội
Học, làm thêm, Phạm Thị Thoàn (thứ 2 từ phải sang) vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội

Không một chút hối tiếc khi chọn trường ngoài công lập, Phạm Thị Thoàn đã thực sự "cháy" hết mình trong 4 năm sinh viên: dốc sức học nhưng đồng thời tham gia nhiệt tình mọi hoạt động của khoa, của trường.

Thoàn cho biết: Vì nhập học muộn hơn so với các bạn gần 2 tháng, nên buổi đầu tiên đi học em chỉ nghĩ cần cố gắng để nắm được kiến thức và theo kịp các bạn trong lớp.

Nhưng sau thời gian học tập tại trường, được các thầy cô truyền động lực, em nhận ra bản thân cần phải đặt mục tiêu cao hơn nữa và cố gắng để có những kết quả cao hơn.

Mặc dù vừa đi làm vừa đi học nhưng chưa bao giờ trên lớp em ngủ gục trên bàn, luôn chăm chú và hăng hái trong giờ học. Và vì là lớp trưởng nên em còn phải gương mẫu và truyền tinh thần học cho các bạn trong lớp, điều đó cũng thêm động lực để cố gắng.

Phạm Thị Thoàn nhận phần thưởng và bằng tốt nghiệp từ thầy Ngô Xuân Hà - Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Đô
Phạm Thị Thoàn nhận phần thưởng và bằng tốt nghiệp từ thầy Ngô Xuân Hà - Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Đô

Hãy học vì bản thân, không phải chỉ đề qua kỳ kiểm tra

Không giấu giếm việc bản thân đi làm thêm nên không có quá nhiều thời gian cho việc học, Thoàn bù lại bằng việc học rất tập trung, trên lớp chăm chú nghe giảng và áp dụng kiến thức vào làm bài tập luôn để nắm chắc hơn.

"Nếu tập trung khi học, vừa giúp nắm sâu kiến thức vừa tiết kiệm được thời gian. Và hãy học một cách thực sự nghiêm túc, học vì bản thân, học để lấy kiến thức, học để đi làm chứ đừng học chỉ để đủ qua các cuộc kiểm tra, học để chống đối.

Học làm sao để sau này, khi ra trường có thể tự tin với kiến thức mình có để đi xin việc. Bên cạnh đó thì việc tham gia các phong trào, hoạt động của nhà trường cũng rất quan trọng vì điều đó sẽ giúp chúng ta tự tin hơn, học hỏi được nhiều kỹ năng và kinh nghiệm từ những người xung quanh" - nữ sinh trường Thành Đô chia sẻ.

Với Phạm Thị Thoàn, kiến thức, kinh nghiệm của bản thân làm nên sự tự tin, chứ không phải bằng cấp
Với Phạm Thị Thoàn, kiến thức, kinh nghiệm của bản thân làm nên sự tự tin, chứ không phải bằng cấp

Nhiều bạn trẻ học trường đại học ngoài công lập thường có thái độ thiếu tự tin, nhưng từ kinh nghiệm thực tế, Phạm Thị Thoàn kể bản thân đã trải qua một vài cuộc phỏng vấn, thấy nhà tuyển dụng không quá quan tâm đến việc mình học trường gì và bằng loại gì; mà quan trọng là có làm được việc hay không và thái độ làm việc có thật sự nỗ lực và cống hiến cho công việc.

"Vì thế, các bạn hãy cứ nắm thật chắc kiến thức chuyên môn, sau đó nên tìm kiếm cho mình cơ hội tiếp xúc với công việc thực tế. Khi đó, chắc chắn các bạn sẽ tự tin với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được để đi xin việc chứ không hẳn dựa vào bằng cấp hay tiếng tăm của ngôi trường mình học tập" - Phạm Thị Thoàn gửi gắm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ