25 tuổi, Nàng Xô Vi là đại biểu Quốc hội

GD&TĐ - Trúng cử đại biểu Quốc hội ở tuổi 25, cô giáo Nàng Xô Vi mong mang tiếng nói của mình đến với nghị trường. Qua đó có những kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển giáo dục, đặc biệt về giáo dục dân tộc.

Cô Nàng Xô Vi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở tuổi 25.
Cô Nàng Xô Vi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở tuổi 25.

Thích đi vì được thầy cô giải đáp

Cô giáo Nàng Xô Vi (SN 1996, làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) là đại biểu Quốc hội khóa XV trẻ nhất trong ngành Giáo dục. Cô cũng là người dân tộc ít người Brâu đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội.

Nàng Xô Vi kể, gia đình cô có 4 anh chị em, cô là con út trong nhà. Kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào vài sào ruộng và 3 con bò trợ cấp. Gia đình khó khăn, người anh đầu của cô chỉ học đến lớp 6 rồi nghỉ ngang để phụ bố mẹ lo cho các em ăn học. Còn anh thứ 2 chưa được một ngày đến trường vì muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho 2 người em gái.

Bố mẹ làm rẫy xa nhà, có khi ở lại vài tháng mới về nên anh em cô Nàng Xô Vi tự cơm nước, dắt nhau đến trường học con chữ. Khi đó trong làng chỉ còn lại toàn người già và trẻ nhỏ.

“Trước đây, nhà mình nghèo lắm, mấy anh chị em ở nhà thường chỉ ăn cơm trắng và rau rừng. Ở làng mình khi đó, cá khô được xem là một món xa xỉ. Để cải thiện bữa ăn, mình và anh chị thường đi mò cua, bắt ốc, hái măng có khi nhặt mảnh bom. Mình nhớ những ngày mưa, 2 chị em cắt bao phân để che vượt quãng đường 4km tới trường. Đến nơi quần áo, giày dép đều lấm lem bùn đất. May mắn sách vở được bọc kín trong túi nilông nên không rách. Tuy khó khăn, vất vả nhưng chị em đều vui và hạnh phúc”, cô Nàng Xô Vi kể.

Sau khi hoàn thành chương trình THCS tại địa phương, cô Vi xin bố mẹ cho xuống phố để học tiếp. Tuy nhiên, nhà nghèo nên gia đình khuyên can cô dừng việc học. Cô còn nhớ, khi đó bố nói rằng: “Thôi con ạ, nhà mình còn khó khăn. Học đến lớp 9 là được rồi, sau này kiếm được ai đó trong làng mà lấy”. Nhưng bản thân cô luôn mong được đi học để biết cái chữ, sau này về giúp gia đình và buôn làng thoát nghèo. Thế rồi cô Vi tìm xuống trưởng thôn Thao Lợi để nhờ sự giúp đỡ.

Đó là những ngày giữa tháng 7, Trường Phổ thông DTNT tỉnh đã ngừng tuyển sinh. Nhưng bác trưởng thôn vẫn dắt Vi cùng một cô học trò nữa xuống Sở GD&ĐT  Kon Tum để nộp hồ sơ xin học. Lần đầu tiên được xuống phố, cô Vi chẳng kịp ngắm nhìn cảnh sắc, bởi cơn say xe đã lấn át tất cả.

Đến nơi, vị cán bộ Sở hỏi cô học trò: “Cháu có hứa mình sẽ không bỏ học?”. Cô học trò 15 tuổi lúc bấy giờ tự tin gật đầu xin hứa. May mắn hồ sơ của Vi được chấp nhận.

“Khi còn nhỏ bản thân mình rất tò mò và luôn muốn biết nhiều điều. Chính vì vậy, mình luôn đặt ra những câu hỏi và thầy, cô giáo luôn là người giải đáp thắc mắc. Do đó, mình muốn học và trở thành một người giáo viên để “cái gì cũng biết” như thầy cô. Bản thân mình đã trải qua 9 năm vất vả, gian khó đến trường học con chữ. Vậy nên phải cố gắng hết sức để chạm đến ước mơ đứng trên bục giảng”, cô Vi chia sẻ.

Cô Nàng Xô Vi (ở giữa) và học trò của mình. Ảnh: NVCC
Cô Nàng Xô Vi (ở giữa) và học trò của mình. Ảnh: NVCC

Người Brâu đầu tiên của làng đậu đại học

Những ngày đầu nhập học, chưa quen với cuộc sống xa nhà nên Vi lạ lẫm, ngại giao tiếp với mọi người. Thời gian trôi qua, Vi tập làm quen và cởi mở hơn. Những gì chưa hiểu Vi mạnh dạn hỏi thầy cô, bạn bè và các anh chị khóa trên. Bẵng 3 năm học cũng trôi qua, Vi trở về nhà xin bố mẹ tiếp tục cho đi học đại học.

Khi đó, người phụ nữ Brâu lo lắng hỏi cô con gái: “Đại học là gì, có tốn tiền không con”. Nhưng người mẹ ấy không nỡ dập tắt ước mơ của cô con gái út. Bà bán những tài sản giá trị trong nhà và vay mượn khắp nơi để có được 2 chỉ vàng làm lộ phí cho con gái. Năm đó, Vi là người Brâu đầu tiên của làng đậu đại học. Nàng Xô Vi cũng dần chạm tới ước mơ khi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Huế.

Ngày Nàng Xô Vi nhận giấy báo trúng tuyển, bố mẹ không có nhà. Thương cô học trò nghèo hiếu học, thôn trưởng Thao Lợi đã đứng ra kêu gọi mọi người. Thế rồi, lần lượt người mang gạo, mắm muối, nồi niêu, bột giặt… đóng vào 2 bao tải lớn để cô học trò làm hành trang lên đường nhập học.

“Khi đó, chẳng phải vụ mùa nên các bác trong làng không làm gì ra tiền. Nhu yếu phẩm mà mọi người cho mình có cả những món phải kí nợ. Thậm chí có cụ bà vuốt lại những tờ tiền 1.000 - 2.000 đồng đã cũ nhàu dúi vào tay để mình làm lộ phí lên đường. Tất cả những chặng đường mình đã trải qua đều có sự giúp đỡ của mọi người. Do đó, mình luôn ghi nhớ, biết ơn những tình cảm mà gia đình, dân làng dành tặng”, cô Nàng Xô Vi tâm sự.

Để bố mẹ không phải bận lòng, suốt 4 năm đại học, cô Vi nhận phục vụ quán cơm, rửa chén bát…trang trải việc học. Năm 2018, cầm tấm bằng đại học trên tay, cô Vi vào TP Hồ Chí Minh xin làm ở lò bánh mì. Một năm sau đó, Vi làm giáo viên thỉnh giảng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Sau đó, cô quen và kết hôn với người đồng nghiệp ở cùng quê.

Khi hay tin Kon Tum tổ chức thi công chức, cả hai vợ chồng dắt díu nhau về quê. Cô Vi thi đỗ vào chính ngôi trường Phổ thông DTNT tỉnh mà trước đây từng theo học và được phân về Phân hiệu huyện Ia H’Drai công tác.

Trường cách nhà hơn 100km, cô Vi cùng gia đình nhỏ thuê trọ để thuận lợi việc giảng dạy. Để vợ có thời gian thực hiện ước mơ của mình, chồng cô tạm dừng công việc để phụ vợ chăm người con mới 9 tháng tuổi.

“Mình luôn tự dặn bản thân phải suy nghĩ lạc quan, cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Với mình, cuộc sống có như thế nào là do cách nhìn nhận của bản thân. Chính vì vậy, mình luôn cố gắng, trau dồi để dần hoàn thiện bản thân”, cô Vi chia sẻ.

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, cô Nàng Xô Vi trúng cử với 82% phiếu bầu. Là người Brâu đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội, cô giáo Nàng Xô Vi mong muốn mang tiếng nói của mình ra nghị trường Quốc hội. Qua đó, kêu gọi các chính sách hỗ trợ giáo dục, đặc biệt là giáo dục dân tộc, việc làm, với mục tiêu là thu hẹp dần về khoảng cách, mức sống và thu nhập bình quân so với cả nước.

Bên cạnh đó, cô Vi cho biết, bản thân rất quan tâm đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái, các vấn đề bình đẳng giới và việc làm cho lao động nữ. Do đó, cô sẽ kiến nghị, đề xuất về các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em…

Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, cô giáo Nàng Xô Vi trúng cử đại biểu Quốc hội là niềm vinh dự rất lớn đối với ngành Giáo dục tỉnh nhà. Cô Vi sẽ là người đại diện cho tiếng nói của ngành Giáo dục, đồng bào dân tộc thiểu số để có những kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển và xây dựng quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.