Ước mong đổi thay tích cực Giáo dục của cô giáo trẻ ứng cử đại biểu Quốc hội

GD&TĐ - Là ứng cử viên của khu vực Thành phố Nam Định, huyện Ý Yên, huyện Vụ Bản, huyện Mỹ Lộc, cô giáo trẻ Nguyễn Thu Hiền khẳng định nếu trúng cử sẽ nỗ lực hết mình để xứng đáng với niềm tin của cử tri.

Cô giáo Nguyễn Thu Hiền trong một giờ sinh hoạt nhóm với HS.
Cô giáo Nguyễn Thu Hiền trong một giờ sinh hoạt nhóm với HS.

Nhà giáo Nguyễn Thu Hiền hiện là giáo viên Trường Trung học phổ thông (THPT) Trần Hưng Đạo. Gần 16 năm công tác, cô giáo đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tích nhất định trong công tác giảng dạy, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, công tác chủ nhiệm lớp và đã có thành tích chung của ngành Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Nam Định.

Được sự hiệp thương giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Định, sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú giới thiệu, cô Nguyễn Thu Hiền là ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kì 2021-2026. Cô Hiền cho biết: "Tôi hiểu rằng, cùng với vinh dự lớn lao đó là trách nhiệm rất nặng nề trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân nếu tôi được cử tri tín nhiệm.

Cô Nguyễn Thu Hiền (áo xanh) và cô Trần Thị Mai - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, và các học sinh được khen thưởng của Sở GD&ĐT
Cô Nguyễn Thu Hiền (áo xanh) và cô Trần Thị Mai - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, và các học sinh được khen thưởng của Sở GD&ĐT 

Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, là một ứng cử viên đại diện cho ngành giáo dục, tôi đặc biệt  quan tâm tới vấn đề giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Là một giáo viên đồng thời cũng là một phụ huynh có con trong độ tuổi đi học, tôi đặc biệt quan tâm đến việc chú trọng phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật cho học sinh và thanh thiếu niên nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn và thân thiện.

Vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là điều tôi luôn theo sát. Tôi sẽ tập trung vào những vấn đề trọng yếu mà cử tri quan tâm như: thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018) (chất lượng sách, quy trình thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa; khó khăn về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí, về đầu tư cơ sở vật chất...); việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy và học, đặc biệt việc dạy học trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh; vấn đề xã hội hóa trong giáo dục; chế độ chính sách với cán bộ,  giáo viên nhất là giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học… để phản ánh trung thực tới Quốc hội, Bộ chủ quản và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Ở lớp học là cô giáo, ngoài sân trường cô giáo lại là bạn của những học sinh mình hết lòng yêu thương.
Ở lớp học là cô giáo, ngoài sân trường cô giáo lại là bạn của những học sinh mình hết lòng yêu thương.

Từ thực tiễn của địa phương, tích cực nghiên cứu học hỏi, tham khảo ý kiến chuyên gia, chủ động tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách, tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn giao thông; phòng, chống các tệ nạn xã hội… Quan tâm đến các dự án nước sạch ở khu vực nông thôn; giải pháp tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và giải quyết việc làm.

Là nữ ứng cử viên, tôi đang và sẽ tiếp tục quan tâm đến những chính sách có tác động đến phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới, góp phần xây dựng các chương trình tạo việc làm, các chương trình giáo dục cho phụ nữ, nhất là những phụ nữ yếu thế trong xã hội. Mong muốn tác động đến đổi thay tích cực là rất nhiều, nếu được cử tri tín nhiệm bầu, trúng cử Đại biểu quốc hội tôi sẽ nỗ lực thể hiện trách nhiệm bằng hành động của mình tại nghị trường".

Nhiều năm làm công tác giáo viên chủ nhiệm lớp 12, thường xuyên tiếp xúc với phụ huynh và học sinh, tôi hiểu, các gia đình đều quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp cho con em và sự lúng túng của chính bản thân các em khi lựa chọn ngành nghề. Hàng năm không ít tân cử nhân, kỹ sư ra trường nhưng chưa có việc làm hoặc làm việc trái ngành nghề, tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" khá phổ biến gây lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội. Nếu tôi trở thành đại biểu Quốc hội, tôi sẽ tận dụng cơ hội của diễn đàn Quốc hội để đóng góp ý kiến về việc gắn hoạt động GD-ĐT của nhà trường với nhu cầu của xã hội và đòi hỏi của các ngành nghề, của các doanh nghiệp, cần tiến tới việc đào tạo có “địa chỉ" - Nhà giáo Nguyễn Thu Hiền chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.