Trẻ từng mắc tay chân miệng có tái nhiễm không?

GD&TĐ - Có rất nhiều loại virus có thể gây bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng biểu hiện điển hình mọc ban ở quanh miệng, trong niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, khe mông. Ảnh minh họa.
Bệnh tay chân miệng biểu hiện điển hình mọc ban ở quanh miệng, trong niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, khe mông. Ảnh minh họa.

Do đó, người mắc bệnh tay chân miệng có thể bị lại. Thậm chí, có thể bị 2 lần trong cùng một mùa.

Tay chân miệng “vào mùa”

Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) mỗi ngày tiếp nhận khoảng cách 10 - 15 trẻ mắc tay chân miệng khám ngoại trú và 5 - 7 ca bệnh đang điều trị nội trú. Có trường hợp diễn biến nặng, nhưng con số này không nhiều.

Theo đại diện bệnh viện, đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có những biểu hiện bóng nước hồng ban ở lòng bàn tay, chân. Tuy nhiên, bệnh viện tiếp nhận điều trị một số trẻ mắc tay chân miệng gặp biến chứng với những biểu hiện bên ngoài thường đã chuyển biến nặng.

Trong khi đó, theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, có hơn 100 trường hợp trẻ nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng. Số ca mắc tăng nhanh trong tháng 3. Chỉ hơn 2 tuần cuối tháng 3, đơn vị đã ghi nhận gần 40 ca phải nhập viện. Một số trường hợp diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tuần qua ghi nhận 80 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 1,5 lần so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố có 378 ca mắc tay chân miệng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, con số này là 5 ca.

Tuần qua cũng ghi nhận 6 ổ dịch tay chân miệng tại các huyện: Ba Vì 3 ổ dịch, Thạch Thất 1 ổ dịch, Chương Mỹ 1 ổ dịch, Thanh Oai 1 ổ dịch. Các ổ dịch tay chân miệng xuất hiện gần đây chủ yếu lây nhiễm từ trường mầm non, mẫu giáo. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố có 20 ổ dịch tay chân miệng. Hiện, có 9 ổ dịch hoạt động.

Theo bác sĩ Phí Văn Công - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), tay chân miệng được chia làm 4 độ, từ độ 1 đến 4. Đa phần trẻ mắc tay chân miệng là độ 1. Song, cũng không ít trường hợp mắc tay chân miệng các độ 2, 3, 4. Độ càng cao thì càng nguy hiểm và có thể để lại hậu quả nặng, rất nặng. Tùy biểu hiện lâm sàng của bệnh mà bác sĩ sẽ khám, phân độ và có thái độ điều trị phù hợp.

Theo bác sĩ Công, cha mẹ cần lưu ý một số điều về bệnh tay chân miệng. Trước hết, tay chân miệng là bệnh do virus gây ra. Bệnh biểu hiện chính ở tay, chân, miệng nên được gọi là bệnh tay chân miệng.

Có rất nhiều loại virus có thể gây bệnh tay chân miệng. Bị lần này có thể do virus này, lần khác có thể do virus khác. Do đó, người mắc bệnh tay chân miệng có thể bị lại. Thậm chí, có thể bị hai lần trong cùng một mùa.

“Bệnh tay chân miệng biểu hiện điển hình mọc ban ở quanh miệng, trong niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, khe mông. Có thể mọc hết ở các vị trí trên, cũng có thể mọc không hết. Chẩn đoán bệnh bằng việc khám, mà chủ yếu là nhìn. Thế nên, có dấu hiệu nghi ngờ thì phụ huynh cần cho con đi khám”, chuyên gia lưu ý.

Hiện, không có thuốc điều trị bệnh. Điều đó có nghĩa là không có thuốc tiêu diệt virus gây ra bệnh. Chỉ có thuốc điều trị triệu chứng và biến chứng. Virus này gây tổn thương đến đâu thì sẽ điều trị đến đó.

Việc của bác sĩ là giữ cho bệnh nhân an toàn qua thời gian gây bệnh của virus. Đối với tay chân miệng độ nặng, gây biến chứng nặng là rất khó khăn. Bệnh tay chân miệng sau khoảng 7 ngày nếu không gây biến chứng thì thường sẽ tự khỏi.

Điều trị triệu chứng

Bác sĩ Công cho biết, việc đi khám nhằm xác định có phải trẻ bị tay chân miệng không? Đồng thời, xác định trẻ ở độ nào, ngày thứ mấy của bệnh. Khi khám, bác sĩ sẽ xem trẻ có triệu chứng gì để điều trị. Đồng thời, xác định bệnh nhi đã có biến chứng chưa. Nếu có thì cần vào viện điều trị. Biến chứng của tay chân miệng có thể rất nặng. Nặng nhất là tử vong.

Tuy có nhiều virus gây bệnh, nhưng chỉ một số nhóm virus có nhiều khả năng gây bệnh nặng. Hiện tại, các bệnh viện triển khai xét nghiệm test EV71. EV71 là virus gây bệnh tay chân miệng hay gây biến chứng nặng. EV71(+) có nghĩa là trẻ bị bệnh tay chân miệng do virus EV71 gây ra. Trong khi đó, EV71(-) có nghĩa là trẻ bị tay chân miệng nhưng do virus khác gây ra.

Khi theo dõi biến chứng của tay chân miệng, các phụ huynh được khuyến cáo chú ý tới các triệu chứng ở trẻ. Trong đó, bao gồm: Sốt cao trên 39 độ C; Quấy khóc nhiều; Ngủ thấy có giật mình; Cầm nắm đồ vật thấy run hơn bình thường. Trong trường hợp trẻ có những dấu hiệu này, cha mẹ cần ngay lập tức đưa con đến khám lại.

Bệnh tay chân miệng lây từ người này sang người kia theo hai đường chính. Trước hết là đường nước bọt. Trẻ này bị tay chân miệng chơi với trẻ kia, trong khi giao tiếp đùa nghịch bắn nước bọt vào nhau, dẫn tới lây bệnh. Một đường lây khác là phân - miệng. Cụ thể, trẻ này bị tay chân miệng chơi với trẻ kia, sau khi đi đại tiện, do vệ sinh không sạch, trẻ có thể cầm nắm vào đồ chơi. Sau đó, bạn khác cầm vào và có thể đưa tay lên miệng. Tình trạng này cũng dẫn tới lây bệnh.

Cũng theo bác sĩ Công, thời gian ủ bệnh thường trong vòng 4 - 6 ngày. Nếu hôm nay cha mẹ thấy trẻ có triệu chứng, nghĩa là khoảng 1 tuần trở lại đây, con có tiếp xúc với nguồn bệnh.

“Thời gian bị bệnh thông thường là 7 ngày. Có thể nhanh hoặc lâu khỏi hơn. Nếu trẻ được chẩn đoán tay chân miệng độ 1 ngày thứ 3, có nghĩa là cha mẹ cần theo dõi con 4 ngày nữa. Nếu không thấy dấu hiệu của biến chứng nêu trên thì gia đình có thể yên tâm”, bác sĩ Công chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.