Bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi
Bệnh tay chân miệng là một nhiễm trùng do virus xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh thường tự khỏi và không đe dọa nhiều đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Không ít phụ huynh lo ngại khi một số bệnh như thủy đậu, zona... có triệu chứng tương tự tay chân miệng. Vì vậy, việc phân biệt tay chân miệng với các bệnh khác được coi là vô cùng quan trọng. Nhờ đó, chăm sóc trẻ để tránh những biến chứng.
ThS.BS Nguyễn Thị Ân - bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec - cho biết, đối với bệnh tay chân miệng, thời gian bùng phát dịch thường rơi vào hai thời điểm trong năm là tháng 3 - 5 và tháng 9 - 11. Bệnh chủ yếu gặp ở những trẻ dưới 10 tuổi.
Trong khi đó, về nốt ban, bệnh nhân thường nổi mụn nước, có hình bầu dục. Những mụn nước này mọc ở những vị trí điển hình như lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông. Đặc biệt, nốt phỏng nước có thể mọc ở miệng, họng. Những nốt này có thể làm loét miệng, họng khiến trẻ tăng tiết nước bọt, biếng ăn, lười bú và quấy khóc. Những nốt mụn nước này không ngứa, không đau.
Trong khi đó, khác với tay chân miệng, bệnh thủy đậu có số ca bệnh tăng cao vào mùa đông xuân hằng năm và kéo dài cho tới hết mùa xuân. Bệnh thủy đậu chủ yếu gặp ở trẻ em từ 5 - 11 tuổi.
“Nốt ban bệnh thủy đậu mọc nhiều giai đoạn, khởi điểm ở thân (thường là lưng). Sau đó, ban lan toàn thân, đầu mặt và tay chân. Mụn nước cũ xen lẫn mới, lõm ở giữa khi mới mọc, trong lẫn đục (mủ) do bội nhiễm vi khuẩn. Ban mọc nốt phỏng nước gây cảm giác ngứa, đau, nhức rất khó chịu”, ThS.BS Ân cho biết.
Ngoài ra, zona cũng là một căn bệnh dễ bị nhầm với tay chân miệng. Theo chuyên gia này, zona còn gọi là giời leo. Tuy nhiên, bệnh zona không dễ bùng phát thành đại dịch như thủy đậu hay tay chân miệng.
Thay vào đó, zona thường gặp ở những người có sức đề kháng kém bởi bệnh do siêu vi thủy đậu gây ra trước đó. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nếu sức đề kháng kém.
Khi bị zona, bệnh nhân cảm thấy đau rát ở một vùng da kèm theo sốt nhẹ và mệt mỏi. Sau đó, vùng da này sẽ nổi nhiều mụn nước to, nhỏ thành chùm. Điều đặc biệt là những mụn này chỉ nổi ở một bên cơ thể và cực hiếm khi lan sang vùng da bên kia. Tùy vào từng trường hợp mà hiện tượng đau rát sẽ nhẹ hay dữ dội. Phần nách, bẹn và cổ ở bên nổi mụn sẽ xuất hiện hạch sưng.
Trong khi đó, bệnh mụn nước có thể xuất hiện vào các khoảng thời gian trong năm, nhưng không dễ bùng phát dịch. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Nốt ban ở người mắc mụn nước thường là từng chùm nhỏ ở quanh miệng. Mụn nước sẽ vỡ, chảy dịch, đóng vảy và lành sẹo. Các mụn nước ngứa và rát.
Để phòng tay chân miệng và các bệnh tương tự, ThS.BS Ân khuyến cáo, người dân cần hạn chế đi đến nơi đông người trong thời điểm dịch bệnh tăng cao. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân.
Nếu cần tiếp xúc, phải đeo khẩu trang. Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân. Vệ sinh đồ chơi của trẻ, nhà ở thông thoáng, sạch sẽ. Vệ sinh cá nhân thường xuyên và nâng cao ý thức rửa tay bằng xà phòng cho mọi người và trẻ. Ăn uống bảo đảm vệ sinh và đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Tiêm phòng vắc-xin (nếu có) đầy đủ và đúng lịch cho trẻ.
Vị trí đặc hiệu
Thời gian qua, Hà Nội ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh. Trẻ em mắc tay chân miệng nếu không được chăm sóc đúng cách có thể diễn biến nặng, để lại biến chứng nguy hiểm. Đa phần trẻ nhỏ mắc tay chân miệng đều ở thể nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh có con nhỏ tuyệt đối không chủ quan. Khi phát hiện bệnh, cha mẹ cần chủ động đưa con đi khám để được chữa trị kịp thời.
BS Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - cho biết, triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường là những nốt phát ban ở tay, chân hoặc miệng.
Đặc biệt là ở những vị trí đặc hiệu như lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở trong khoang miệng. Những nốt phán ban cũng có thể xuất hiện ở những vị trí khác như: Khe mông…
“Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng mọc ở những vị trí này. Bởi, nốt phát ban có thể chỉ mọc ở chân, cũng có thể chỉ ở tay. Thậm chí có những bệnh nhân chỉ mọc 1 - 2 nốt thì vẫn được xác định là bị nhiễm tay chân miệng”, bác sĩ Công lý giải.
Chuyên gia này lưu ý, trong trường hợp trẻ quấy khóc, ngủ giật mình, sốt hoặc có những triệu chứng khác như: Kém ăn, buồn nôn, đi ngoài thì cha mẹ có thể nghĩ đến bệnh tay chân miệng.
“Bệnh tay chân miệng có các vị trí đặc hiệu là ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, đầu gối, khe mông. Những nốt ban của tay chân miệng thường là những nốt ban dát sẩn, thường chìm ở trên bề mặt da. Các vết loét ở khoang miệng thường tập trung tại đầu lưỡi, niêm mạc má hai bên.
Tuy nhiên, các nốt phát ban này sẽ đi kèm với một số triệu chứng khác như: Quấy khóc, chảy dãi… Đây là bệnh theo mùa, nên khi khám mình cần phải làm một số xét nghiệm để xác định có phải bị nhiễm hay không”, bác sĩ Công chia sẻ.