Ai cũng có thể mắc bệnh
Bác sĩ Đặng Yến Vy - Bệnh viện Đa khoa Bình Dương cho biết, đến nay tay chân miệng vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị và cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh.
Bệnh chủ yếu được điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và các biến chứng nếu có. Đối với những trường hợp nhẹ, chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau, an thần… Tuy nhiên, trẻ cần được theo dõi sát, để xử trí kịp thời những biến chứng.
Mặc dù, tay chân miệng không phải là một bệnh mới, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm trong cách chăm sóc trẻ.
Theo bác sĩ Đặng Yến Vy, một số phụ huynh quan niệm khi trẻ bị tay chân miệng thì hạn chế tắm rửa để ra ban càng nhiều thì sẽ càng mau lành. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai. Bởi vì nếu ủ trẻ nhiều quá sẽ bị nhiễm trùng da, để lại sẹo. Trong khi chăm sóc trẻ tay chân miệng cần giữ cho các nốt ban thoáng sẽ mau lành hơn và không để lại sẹo.
Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ nghĩ rằng, con mình ở nhà thì không thể nào bị tay chân miệng được. Nhưng bệnh có thể lây qua trung gian người chăm sóc. Trẻ không đi nhà trẻ vẫn có thể mắc bệnh do tiếp xúc người mắc bệnh không có triệu chứng, thường là người lớn. Vì vậy, bố mẹ hoàn toàn có thể mang bệnh về cho con nếu không vệ sinh sạch sẽ.
Nhiều phụ huynh cũng suy nghĩ rằng, trẻ nhỏ mới bị tay chân miệng. Tuy nhiên, bác sĩ Vy cho biết, quan điểm này là không đúng. Bệnh đa số chỉ gặp ở những trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt những trẻ dưới 3 tuổi.
Nhưng thực tế, người lớn vẫn có thể bị tay chân miệng. Thậm chí nhiều trẻ lớn mắc bệnh cũng có thể gặp biến chứng dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn. Do vậy, phụ huynh nên bảo vệ con và chăm sóc trẻ đúng cách để tránh mắc bệnh.
Một sai lầm về tay chân miệng được bác sĩ Vy liệt kê là trẻ khó ngủ, giật mình quấy khóc là do bị đau miệng. Thực tế, trẻ mắc bệnh tay chân miệng khi có biểu hiện giật mình chới với là đã có biến chứng. Vì vậy, cần được đưa đến bệnh viện khám để kịp thời điều trị.
“Để bệnh thuyên giảm và nhanh khỏi, người bệnh và người nhà không nên tự ý sử dụng, bôi thuốc vào các nốt bọng nước, các vết viêm loét ở miệng khi không có tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Không nên kiêng tắm cho trẻ vì rất dễ mắc thêm các bệnh viêm nhiễm do các virus vi khuẩn gây ra, gây ngứa ngáy khó chịu cho trẻ.
Lưu ý tắm nước ấm và phòng kín gió. Người bệnh cũng cần hạn chế tiếp xúc, nhất là với người lành. Cho trẻ ăn các loại dễ tiêu, lỏng như súp, cháo, sinh tố. Uống đủ nước các loại như sữa, nước ép, vắt từ trái cây tươi…”, bác sĩ Vy khuyến cáo.
Chủ động trong các trường học
Đối với vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn… nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ. Đồ chơi và vật dụng thường dùng của trẻ cần phải được tẩy trùng sạch sẽ bằng những dung dịch sát khuẩn được ngành y tế khuyên dùng như dung dịch Cloramin B 2%, dung dịch nước Javel hoặc xà phòng sát khuẩn để tạo tính an toàn cho trẻ khi sử dụng - Cô Nguyễn Thị Huê.
Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế đã đề nghị các cơ sở triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch...
Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho người mắc bệnh truyền nhiễm. Các bệnh viện cần hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Các địa phương chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.
Sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ động phối hợp với ngành y tế để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo. Đó là các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng và dịch bệnh trong trường học...
Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời…
Cô Nguyễn Thị Huê, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ban Mai (Hà Nội), cho rằng, ngoài ý thức chung, mỗi gia đình, cá nhân cũng cần chủ động phòng bệnh. Theo đó, mỗi người cần hình thành thói quen vệ sinh, huấn luyện cho trẻ em thói quen vệ sinh tay đúng bằng xà phòng. Trẻ phải được nghỉ học, cách ly trẻ lành và trẻ bị bệnh để tránh lây lan. Đồng thời, giám sát các hoạt động của trẻ bị bệnh trong sinh hoạt hằng ngày.
Mỗi cơ sở giáo dục cũng cần xây dựng văn hóa vệ sinh trong gia đình, lớp học, nhà trường, đặc biệt với người trực tiếp chăm sóc trẻ… Ngoài ra, giáo viên, cha mẹ học sinh cần vệ sinh tay đúng cách sau khi thay tã, lót, khi có tiếp xúc với phân, nước bọt. Không xả, làm văng bắn nước bọt, phân ra ngoài môi trường. Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch. Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ. Theo dõi các dấu hiệu chỉ điểm biến chứng sớm.