Để giúp con phát triển song ngữ tốt, cha mẹ có thể tập trung vào việc cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử theo thời gian quy định và nên có sự đồng hành của phụ huynh. Biến các hoạt động “học” thành “chơi”. Hoặc, dành thời gian trong ngày để “cùng con học nói”.
Thời điểm “vàng”
Hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh đối với tương lai của trẻ, nhiều phụ huynh sẵn lòng đầu tư, tạo mọi điều kiện để con học tiếng Anh. Nghiên cứu của Giáo sư Christine Moon và cộng sự tại Trường Đại học Washington (Mỹ) cho thấy, trẻ có khả năng phân biệt ngôn ngữ của mẹ hay dùng và ngoại ngữ từ tuần thứ 30 của thai kì. Não bộ của trẻ học ngoại ngữ tốt nhất ở thời điểm từ 0 - 3 tuổi. Những phát triển các tế bào não bộ liên quan đến ngôn ngữ sẽ tiếp tục giúp trẻ nhận biết môi trường ngôn ngữ bên ngoài. Khi chào đời, trẻ có thể đáp ứng lại những gì vừa nghe.
Nghiên cứu do Tiến sĩ Pascual - Leone tại Trường Đại học Harvard (Mỹ) thực hiện cho thấy, việc học một ngôn ngữ thứ hai còn có khả năng làm chậm quá trình lão hóa của não. Người học càng trẻ, khả năng bắt chước các âm thanh và cách phát âm càng tốt. Ngoài ra, những trẻ học ngoại ngữ sớm có khả năng đồng cảm tốt hơn. Đồng thời, có sự tò mò về những nền văn hóa và ý tưởng mới.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu của Trường Đại học London (Anh) đã tiến hành khảo sát so sánh trên 105 người. Trong đó, có 80 người biết một ngoại ngữ trở lên. Kết quả cho thấy, việc học ngoại ngữ đã làm thay đổi lượng chất xám tại vùng não bộ chứa thông tin. Điều này tương tự việc tập thể dục đều sẽ làm tăng cơ bắp. Lượng chất xám trên vùng não trái của những thiếu niên biết ngoại ngữ sớm có xu hướng cao hơn so với những em chưa học ngoại ngữ.
Tuy nhiên, có không ít quan điểm cho rằng, không nên để trẻ học ngoại ngữ nói chung cũng như tiếng Anh nói riêng quá sớm. Ngược lại, nhiều gia đình cho phép con tiếp xúc với ngoại ngữ từ nhỏ. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Lê Thu Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, cho biết: “Việc học đồng thời 2 ngôn ngữ giúp trẻ em trở nên linh hoạt, thông minh, có khả năng tập trung cao hơn. Theo các chuyên gia, khả năng tập trung chú ý cao là chìa khóa cho sự thành công trong học tập và là biểu hiện cao nhất của khả năng sẵn sàng đi học ở trẻ mầm non”.
Bác sĩ Lê Thu Phương dẫn chứng, các nghiên cứu đã nêu những bằng chứng về lợi ích trẻ có được khi học song ngữ. Theo đó, trẻ sẽ phát triển tốt hơn về kỹ năng xã hội, như có sự tiếp cận nền văn hóa khác trên thế giới, kỹ năng giao tiếp linh hoạt và tâm thế tự tin. Kỹ năng phát âm của trẻ cũng sẽ tốt hơn. Ngoài ra, trẻ sẽ có khả năng quan sát đối chiếu, so sánh linh hoạt do luôn chuyển dịch từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ kia.
“Từ khi mới sinh tới 6 tuổi là giai đoạn thích hợp nhất cho việc học song ngữ. Qua giai đoạn này, trẻ phải cố gắng nhiều hơn, nhưng hiệu quả sẽ kém hơn”, bác sĩ Phương nhận định.
Phương pháp “phản tác dụng”
Theo bà Phan Hồ Điệp - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong một số trường hợp, trẻ học ngoại ngữ quá sớm không hẳn là tốt. Ví dụ, cha mẹ đưa trẻ một chiếc Ipad để xem các kênh bằng tiếng Anh, nhưng không quản lý về thời gian. Hoặc, trẻ chủ yếu tương tác với màn hình mà ít vận động, giao tiếp với mọi người. Ngoài ra, việc học ngoại ngữ cũng sẽ không hiệu quả khi phụ huynh yêu cầu con nói bằng tiếng Anh ngay cả khi trẻ khóc, buồn, giận. Các cha mẹ cũng không nên sử dụng tiếng Anh chêm tiếng Việt, không nhất quán.
Theo bà Phan Hồ Điệp, trẻ sẽ áp lực khi vừa nói tiếng Việt, phụ huynh liên tục yêu cầu con dịch sang tiếng Anh. Đồng thời, việc học tiếng Anh đối với trẻ sẽ có thể trở thành gánh nặng, thay vì niềm vui. Ngoài ra, việc học cũng không hiệu quả nếu cha mẹ quá tập trung vào dạy từ vựng cấu trúc mà không dạy trẻ phát triển vốn từ tiếng Việt. Phụ huynh cũng không nên yêu cầu trẻ phải biết cả 4 kỹ năng ngoại ngữ cùng một lúc trong khi con còn quá nhỏ.
Để giúp con phát triển song ngữ tốt, nữ giảng viên gợi ý, cha mẹ nên tập trung vào việc cho con sử dụng các thiết bị điện tử theo thời gian quy định và nên có sự đồng hành của phụ huynh. Biến các hoạt động “học” thành “chơi”. Hoặc, dành thời gian trong ngày để “cùng con học nói”.
Ví dụ, phụ huynh nên tạo ra một môi trường có lợi cho sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ ngay tại nhà. Bà Phan Hồ Điệp gợi ý, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện, giải thích cho trẻ, thay vì chỉ đưa mệnh lệnh, chơi các trò chơi ngôn ngữ, khuyến khích và chờ đợi con diễn đạt. Cha mẹ cũng không nên chủ động dùng và giải thích từ có vẻ xa lạ với trẻ… Bên cạnh đó, phụ huynh cần giúp trẻ trở thành một chủ thể giao tiếp tự tin. Để làm được điều này, cha mẹ nên lắng nghe và ghi nhận những cấu trúc câu mới, từ mới của con. Đồng thời, để con được nói, trình bày, đọc thơ, kể chuyện…
Ngoài ra, tăng khả năng tập trung và ghi nhớ thông tin của trẻ cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Do đó, cha mẹ nên khuyến khích con kể, thuật lại, diễn tả, vẽ lại những gì trẻ thấy hoặc điều khiến bé say mê, thích thú. Phụ huynh cũng được khuyến khích kích thích trẻ bằng các loại đồ chơi và những cuốn sách theo từng giai đoạn. Đồng thời, nhận diện các vấn đề có thể cản trở sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Ví dụ, cha mẹ cần đặt ra một số câu hỏi như: Đó liệu có phải là bác giúp việc luôn dùng tiếng địa phương, phát âm sai? Là người lớn luôn dùng những câu cộc cằn với con? Người lớn nói tiếng lóng, nói bậy?...
Bên cạnh đó, hãy dùng các trò chơi và ý tưởng ngôn ngữ để làm giàu trí tưởng tượng của trẻ. Theo bà Phan Hồ Điệp, khi đã làm mọi điều với lòng nhiệt thành, sự hiểu biết, chắc chắn các cha mẹ sẽ không lo con “loạn ngôn ngữ”. Thay vào đó, phụ huynh hãy đón chờ thành quả không chỉ ngôn ngữ mà còn ở các lĩnh vực khác, theo cách của riêng trẻ.
“Điều tuyệt vời nhất trong việc đồng hành cùng học tiếng Việt/ ngoại ngữ với con là gì? Đó là bạn được sống với những câu hỏi không bao giờ dứt, những thắc mắc dễ thương muốn xỉu như: “Mẹ ơi, làm thế nào để con có thể sẽ mang mẹ đi khắp thế giới này? Mẹ ơi, tại sao vũ trụ lại sinh ra mẹ để mẹ làm mẹ của con?...”, nữ giảng viên bày tỏ.
Để trẻ học bằng nhiều cách
Đối với ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, bà Phan Hồ Điệp đã gợi ý một số phương pháp giúp trẻ học hiệu quả. Trước hết, trẻ cần học đều đặn vào một thời điểm nhất định trong ngày. Trong những khoảng thời gian khác, nếu trẻ vui vẻ, tự nguyện và có nhu cầu nói tiếng Anh, cha mẹ có thể khuyến khích con. Nếu không, phụ huynh và con có thể nói chuyện bằng tiếng Việt. Bởi, việc học hiệu quả không đồng nghĩa với việc trẻ cần nói ngoại ngữ mọi lúc mọi nơi.
Bên cạnh đó, trẻ có thể học thông qua những trò chơi mình thích. Đồng thời, tận dụng sự hỗ trợ của công nghệ với một khoảng thời gian học thích hợp. Đặc biệt, cha mẹ cần lưu ý, trong thời gian đầu khi học ngoại ngữ, trẻ cần được chú trọng vào kỹ năng và nghe và đọc nhất.
Phụ huynh cũng có thể khuyến khích con tự nghĩ ra những cách đánh giá vui nhộn. Ví dụ, trẻ có thể tự ghi âm lại bài nói, chấm điểm, nhận xét. Đồng thời, phương pháp “sân khấu hóa” các bài học tiếng Anh cũng là một cách để học hiệu quả. Trẻ có thể dựng lại bài học thành vở kịch, trình bày như một “diễn giả”, mô phỏng lại các bài hội thoại… Ngoài ra, các cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ theo đuổi những kỳ thi chuẩn quốc tế.
Để tham dự những kỳ thi chuẩn quốc tế, bà Phan Hồ Điệp chia sẻ, trẻ có thể chia nhiệm vụ thành những phần nhỏ, lặp đi lặp lại. Đồng thời, cảm nhận về vẻ đẹp của tiếng Anh, về cuộc sống, con người, ước mơ du học, khao khát chinh phục.
Theo nữ giảng viên này, tiếng Anh là phương tiện giao tiếp. Do đó, các phụ huynh nên để con học bằng nhiều cách.