Tin học, ngoại ngữ - nền tảng giúp học sinh vững vàng hội nhập

GD&TĐ - Vì sao tiếng Anh, Tin học cần thiết triển khai bắt buộc với học sinh từ lớp 3? Vấn đề này được ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) trao đổi với báo GD&TĐ.

Ông Đặng Tự Ân-Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT).
Ông Đặng Tự Ân-Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT).

2 môn học quan trọng 

Theo ông Đặng Tự Ân: Ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng có vai trò quan trọng trong CTGDPT 2018. Tiếng Anh không chỉ giúp HS hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn phát triển các năng lực chung để sống và làm việc hiệu quả hơn; để học tập tốt các môn học khác cũng như để học tập suốt đời.

Tiếng Anh sẽ là cầu nối, giúp HS đi tới và hội nhập mạnh mẽ vào giáo dục thế giới. Muốn học tập hay du học tới các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, chắc chắn phải có ngoại ngữ tiếng Anh. Ở bậc THPT, khi xét HS đạt loại Giỏi, ngoài hai môn Toán và Ngữ văn như trước, nay quy định thêm có môn Ngoại ngữ.

Giáo dục tin học cũng đóng vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho HS khả năng tìm kiếm, tiếp nhận, mở rộng tri thức và sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hoá.

Tin học có ảnh hưởng lớn đến cách sống, cách suy nghĩ và hành động của con người, là công cụ hiệu quả hỗ trợ biến việc học thành tự học suốt đời.

Môn Tin học và Công nghệ giúp HS thích ứng và hoà nhập được với xã hội hiện đại, hình thành và phát triển cho HS năng lực tin học để học tập, làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Học Tin học và Công nghệ ở Tiểu học không phải để trở thành các chuyên gia Tin học hay chuyên gia Công nghệ mà trước hết các em có được tâm hồn, hơi thở của thời đại mới, biết vận dung các thành quả của công nghệ số vào đời sống thực hàng ngày, dù đó là nhỏ nhất.

Trẻ làm quen tiếng Anh sớm sẽ tăng cường khả năng giao tiếp.
Trẻ làm quen tiếng Anh sớm sẽ tăng cường khả năng giao tiếp. 

Nền tảng triển khai CT GDPT 2018

Theo ông Đặng Tự Ân, tới nay nhiều địa phương đã tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh cho HS và GV. Mời các tình nguyện viên nước ngoài tham gia câu lạc bộ để tăng tính thực tiễn, hấp dẫn, lôi cuốn… Một số nơi mạnh dạn đưa học tiếng Anh vào dạy ngay từ lớp 1, lớp 2 dưới dạng vừa học vừa chơi…

Song để dạy học tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3 thì cần lưu ý để các nội dung dạy học phải đảm bảo giúp HS có khả năng như: hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật. Các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể.

HS có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân, giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ...

Đối với các nội dung dạy học môn Tin học bắt buộc cấp tiểu học cũng hướng tới giúp HS bước đầu làm quen với công nghệ kĩ thuật số, bắt đầu hình thành năng lực tin học và chuẩn bị cho HS tiếp tục học môn Tin học ở cấp THCS.

Điều đó giúp HS bước đầu hình thành tư duy giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính: Hình thành nhu cầu thu thập, sử dụng thông tin, ý tưởng điều khiển máy tính thông qua việc tạo chương trình đơn giản bằng ngôn ngữ lập trình trực quan.

Giúp các em sử dụng phần mềm tạo ra được những sản phẩm số đơn giản như một văn bản ngắn, thiệp chúc mừng, đoạn hoạt hình vui...

HS bước đầu quen với công nghệ kĩ thuật số thông qua việc sử dụng máy tính để vui chơi, học tập, xem và tìm kiếm thông tin trên Internet; rèn luyện cho HS một số kĩ năng cơ bản trong sử dụng máy tính; biết bảo vệ sức khoẻ khi sử dụng máy tính, bước đầu có ý thức phòng tránh những tác hại khi sử dụng Internet và ý thức tôn trọng bản quyền…

Tin học giúp HS làm quen và tận dụng kĩ thuật số vào học tập
Tin học giúp HS làm quen và tận dụng kĩ thuật số vào học tập

Ông Đặng Tự Ân khẳng định: 2 môn học tiếng Anh (nói chúng là Ngoại ngữ) và Tin học và Công nghệ là các môn học phù hợp với giáo dục hiện tại và tương lai, môn học của thời đại kỹ thuật số và số hóa trên phạm vi cả nước và toàn cầu.

Hai môn học này luôn liên kết, song hành và hỗ trợ cho nhau và cùng góp phần vào đào tạo người lao động chất lượng cao và hội nhập quốc tế.

Phương pháp chung để giảng dạy các môn học này đều là dạy học qua thực tiễn cuộc sống, dạy qua hoạt động và qua làm. Thực sự là giáo dục gắn với thực tế cuộc sống sinh động và đầy biến động.

Đây trở thành nền tảng cho việc triển khai CTGDPT 2018 có hiệu quả và phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển của ngành giáo dục của Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.