Trẻ học ngoại ngữ sớm, nên hay không?

Trẻ học ngoại ngữ sớm, nên hay không?

Có rất nhiều ý kiến xung quanh việc có nên cho trẻ học ngoại ngữ sớm không. Sớm ở đây - theo qui định trong dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2008 - 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếng Anh sẽ là một môn học bắt buộc ở bậc Tiểu học (từ lớp 3) - nghĩa là trước khi các bé bước vào lớp 3. Đây là một vấn đề còn gây nhiều tranh cãi và khó mà đi đến “hồi kết”, bởi theo quan điểm của mỗi người, ai cũng có lí lẽ riêng nên bắt đầu cho trẻ học ngoại ngữ theo phương pháp nào, độ tuổi nào, sao cho hợp lí - một -  cách -  tương - đối.
Một giờ học của các em lớp mẫu giáo (Ảnh mang tính minh họa)
Một giờ học của các em lớp mẫu giáo (Ảnh mang tính minh họa)
Độ tuổi nào là hợp lý? Các thử nghiệm và nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy, trẻ em có khả năng tiếp thu ngoại ngữ rất nhanh và rất tốt. Thậm chí, những trẻ chưa biết chữ vẫn có thể học được ngoại ngữ. Một điều có thể thấy rất rõ, trẻ càng nhỏ thì việc uốn nắn cách phát âm càng đơn giản. Có thể nói nôm na là chúng có khả năng "bắt chước" rất nhanh, tốt hơn ở những độ tuổi lớn hơn. Càng nhỏ, trẻ càng có khả năng ngôn ngữ lớn, nên cho trẻ học ngoại ngữ sớm là điều hoàn toàn có thể, tuy nhiên, ở độ tuổi này (dưới lớp 3), ta nên chú trọng đến phần nghe, nói cho trẻ. Tuy nhiên, điều này không áp dụng với tất cả mọi trường hợp. Có những trẻ có thể nói "sõi" tiếng mẹ đẻ từ 2-3 tuổi, nhưng cũng có trẻ, do bộ máy phát âm chưa hoàn thiện, nên còn nói ngọng, nói sai. Ở trường hợp này, nên rèn luyện cho trẻ nói thật thành thạo tiếng mẹ đẻ trước khi học ngôn ngữ thứ 2. Hiện nay, trên thế giới, tiếng Anh là một ngôn ngữ quốc tế. Ở một số nước như Singapore, Brunei, Malaysia…, tiếng Anh là ngôn ngữ chính hoặc là ngôn ngữ thứ hai được giảng dạy song song với tiếng mẹ đẻ trong nhà trường. Ngoài ra, còn một số ngôn ngữ khác được giao tiếp phổ biến như tiếng Pháp, Đức, Trung Quốc … Tùy theo nhu cầu của từng gia đình, năng khiếu của trẻ mà chúng ta lựa chọn ngôn ngữ thứ hai cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhất là phải trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Nếu có một môi trường tốt, phương pháp giáo dục phù hợp thì thậm chí, trẻ có thể học ngôn ngữ thứ hai ngay từ 2 tuổi.Phương pháp dạy và học hiệu quả? Một thực tế cho thấy, hiện nay, ở Việt Nam, môi trường để trẻ học ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu. Phần lớn là dạy "tay bo" mà không có những giáo cụ cần thiết cho trẻ. Ở đây, chúng tôi đưa một số phương pháp dạy và học ngoại ngữ hiệu quả cho trẻ để bạn đọc tham khảo. Có một điểm chung nhất mà chúng ta cần phải quan tâm, đó là luôn để cho trẻ tiếp cận với ngoại ngữ theo cách "active learning" - hiểu đơn giản là học tích cực, chủ động.Học mà chơi, chơi mà học Nghe thì dễ, nhưng không phải là đơn giản. Đặc tính của trẻ là chóng chán, không thể tập trung vào một việc quá lâu. Nên phương pháp này rất hiệu quả đối với việc học ngoại ngữ của trẻ. Trong quá trình học, không nên đưa ra cho trẻ những khái niệm khô khan, những giáo trình đơn điệu, mà có thể tổ chức các trò chơi, kể những câu chuyện ngắn, hát những bài hát bằng ngôn ngữ đó… nghĩa là để trẻ không thấy mình đang "phải học" mà thấy mình như đang "được chơi". Như thế hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều so với những cách dạy và học truyền thống trước đây.Tiếp cận với môi trường ngoại ngữ Nói đơn giản là "ném lũ trẻ" vào môi trường ngoại ngữ, chúng sẽ phải thích nghi, tất nhiên, bước đầu sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Phải giúp trẻ "ăn ngoại ngữ, ngủ ngoại ngữ, chơi ngoại ngữ…", mọi sinh hoạt của trẻ trong "lớp học" phải hoàn toàn bằng ngôn ngữ mà chúng học. Trong môi trường đó, trẻ sẽ tiếp cận với ngoại ngữ một cách hoàn toàn tự nhiên, không khiên cưỡng. Khi giao tiếp bằng ngoại ngữ, chúng không phải đắn đo xem, câu này thì phải "chuyển" sang tiếng Anh/Pháp/Trung… như thế nào nhỉ, mà chúng sẽ "bật" ra hoàn toàn tự nhiên.Sử dụng nhiều giáo cụ trực quan Một đặc thù của việc học tập trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học là cần chú trọng đến "trực quan sinh động". Đây là những giáo cụ không thể thiếu trong quá trình dạy và học, có tác động trực tiếp và hiệu quả vào nhận thức của trẻ nhỏ. Cần phải có giáo cụ phong phú, tác động trực quan đến nhận thức của trẻ như băng hình, CD, đồ vật, mô hình… Những giáo cụ này sẽ tạo nên sự thích thú, say mê và kích thích óc sáng tạo của trẻ. Nếu bạn nói với trẻ là "It’s a cat" - hãy nên đưa ra mô hình một chú mèo hoặc cho trẻ xem hình ảnh về các chú mèo thì chắc chắn chúng sẽ nhớ ngay.Động viên, khuyến khích Đây là thao tác rất cần thiết để trẻ có hứng thú học tập. Ở lứa tuổi này, trẻ luôn muốn được cha mẹ, thầy cô khen ngợi và động viên. Nếu trẻ phát âm chưa đúng, cũng không nên nói "wrong" (sai) mà hãy động viên "good" hoặc "fairly good" (tốt) và phát âm lại từ đó để trẻ đọc lại cho đúng. Sự chê bai, khắt khe sẽ dập tắt hứng thú học ngoại ngữ ở trẻ.Hỗ trợ từ gia đình Nếu các gia đình mà phụ huynh có vốn ngoại ngữ tương đối, hãy cùng với con mình luyện tập ở nhà. Hãy giúp cho trẻ có môi trường học ngoại ngữ cả trong lớp học và gia đình, như thế hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều.Chất lượng của đội ngũ giáo viên? Trẻ em như tờ giấy trắng, những nét vẽ đầu tiên là rất quan trọng, thậm chí có ảnh hưởng trong suốt quá trình học tập về sau. Bởi thế, ngay từ khi cho trẻ tiếp cận với ngôn ngữ thứ hai, chúng ta phải quan tâm đến chất lượng giáo viên. Nếu giáo viên phát âm sai, tất nhiên con trẻ cũng không thể phát âm đúng. Bên cạnh việc có kiến thức chuẩn, giáo viên dạy ngoại ngữ cần phải có phương pháp hợp lý khi dạy ngoại ngữ cho trẻ. Độ tuổi dưới lớp 3, trẻ em không cần quá quan trọng về mặt ngữ pháp, mà vấn đề là để chúng hoàn toàn thoải mái và hợp tác trong quá trình học ngoại ngữ. Điều quan trọng là hãy để trẻ em có môi trường thuận lợi để học và thực hành ngoại ngữ. Làm được điều đó, giáo viên là người giữ vai trò quan trọng nhất.
Phạm Liên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ