Trao quyền kèm trách nhiệm

GD&TĐ - Từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018 đến nay đã có 2 thông tư quy định về lựa chọn sách giáo khoa.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Điểm khác biệt mấu chốt giữa 2 thông tư này là thẩm quyền lựa chọn. Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT áp dụng trong năm đầu triển khai chương trình mới - giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục phổ thông, xây dựng theo tinh thần của Nghị quyết 88. Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT, áp dụng từ năm học 2021 - 2022 đến nay, quy định thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa là UBND tỉnh/thành phố, xây dựng theo tinh thần của Luật Giáo dục 2019.

Việc lựa chọn sách giáo khoa trong thời gian qua được đánh giá cơ bản bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật; quy trình lựa chọn sách giáo khoa chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tế triển khai Thông tư 25, nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng chỉ ra một số bất cập.

Ví dụ, Thông tư 25 quy định hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND tỉnh ra quyết định. Trên cơ sở danh mục sách đề xuất từ nhà trường, sở GD&ĐT tổng hợp trình hội đồng lựa chọn sách bỏ phiếu biểu quyết. Sau đó, sở GD&ĐT căn cứ kết quả này trình UBND tỉnh ra quyết định chọn các đầu sách giáo khoa được sử dụng tại địa phương.

Với quy định này, nếu nhà trường lựa chọn và đề xuất bộ sách giáo khoa nhưng không được hội đồng bỏ phiếu đồng ý, thì phải tổ chức lựa chọn lại cho đúng với danh mục mà UBND tỉnh đã phê duyệt… Ngoài ra, Thông tư 25 không đề cập đến việc chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục thường xuyên.

Sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 là tài liệu dạy học quan trọng mà người sử dụng trực tiếp là giáo viên, học sinh. Do đó, người lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp nhất với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và học sinh, không ai khác là nhà giáo trong cơ sở giáo dục.

Trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh được cho là thực hiện nguyên tắc dân chủ tốt nhất, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy - học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Đây cũng là lý do Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 25 theo hướng tăng cường vai trò tự chủ lựa chọn sách giáo khoa của nhà trường.

Dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên Bộ GD&ĐT công bố mới đây đáp ứng yêu cầu này. Dự thảo đã chuyển hội đồng lựa chọn sách giáo khoa về cơ sở giáo dục. Sở GD&ĐT chỉ tổng hợp, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, công bố các đầu sách của cơ sở giáo dục chọn.

Trao quyền lớn hơn cho nhà trường, cũng là trao quyền lớn hơn cho đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy. Quy định tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học (cả giáo viên trong biên chế, hợp đồng, thỉnh giảng, biệt phái, dạy liên trường…) tham gia lựa chọn sách giáo khoa như trong dự thảo cũng cho thấy khía cạnh chuyên môn được đề cao.

Vai trò tự chủ cao hơn luôn đi kèm với trách nhiệm. Từ cán bộ quản lý đến giáo viên sẽ vất vả, mất nhiều công sức, làm việc trách nhiệm hơn để nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa. Đổi lại, nhà trường chọn được bộ sách phù hợp nhất, thầy cô nâng cao chuyên môn, từ đó cải thiện chất lượng dạy học.

Trách nhiệm còn thể hiện ở việc thầy cô bỏ thời gian một cách nghiêm túc để nghiên cứu, góp ý dự thảo Thông tư này. Đóng góp của thầy cô từ mỗi nhà trường là không thể thiếu để Thông tư mới đi vào thực tiễn bảo đảm tính phù hợp, khả thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.