Lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm xuyên suốt và liền mạch

GD&TĐ - Các trường học đang triển khai đọc, thẩm định từng đầu sách để lựa chọn sách ở vòng cơ sở.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) với giờ học Dạy học liên môn.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) với giờ học Dạy học liên môn.

Một số trường học miền núi, với đặc thù nhiều giáo viên hợp đồng, ban giám hiệu đã cùng đồng hành với tổ chuyên môn trong thảo luận, so sánh, phân tích để có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương.

Đảm bảo tính xuyên suốt và liền mạch

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) hiện đã tiếp cận với 2 bộ SGK lớp 4 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để giáo viên toàn trường chủ động tìm hiểu, nghiên cứu. “Để giáo viên có thể nghiên cứu, đối sánh sách của các bộ sách khác nhau, có sách của nhóm chủ biên nào thì chúng tôi sẽ chuyển đến giáo viên trước để tìm hiểu dần” – thầy Bùi Quang Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Sau bước này, nhà trường sẽ tổ chức thảo luận, đánh giá từng đầu sách ở quy mô toàn hội đồng sư phạm nhà trường và nhóm giáo viên dự kiến sẽ đứng lớp dạy học khối 4 trong năm học tới. Từng cá nhân có phiếu nhận xét về ưu, khuyết điểm của từng bộ sách, đồng thời bỏ phiếu kín lựa chọn SGK. Nhà trường cùng tổ chuyên môn, Ban đại diện cha mẹ học sinh tiếp tục thảo luận, thống nhất trước khi báo cáo lên hội đồng thẩm định SGK cấp trên.

Thầy Bùi Quang Ngọc – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng cho biết: Ngoài tiêu chí về hình thức như kênh hình, kênh chữ, màu sắc, cách trình bày…; tiêu chí về cấu trúc của bài học, nhà trường chú trọng phân tích về nội dung sách.

Trong đó, sẽ xem xét trên các tiêu chí như các chủ đề, bài học, từng hoạt động trong mỗi bài, nội dung câu lệnh, nội dung bài học có giúp GV sáng tạo để phát huy trí tuệ, tư duy của HS hay không? GV có dạy theo định hướng phát triển năng lực cho HS không. Về ngữ liệu sẽ xem xét SGK sử dụng phương ngữ nào, cách dùng từ có phù hợp với HS địa phương hay không.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng tổ chức đọc thẩm định sách giáo khoa lớp 4 để lựa chọn sách ở vòng cơ sở. (Ảnh: NTCC).

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng tổ chức đọc thẩm định sách giáo khoa lớp 4 để lựa chọn sách ở vòng cơ sở. (Ảnh: NTCC).

Theo thầy Bùi Quang Ngọc, việc lựa chọn và quy trình lựa chọn SGK đảm bảo sẽ góp phần quan trọng vào việc lựa chọn bộ sách phù hợp với vùng miền, năng lực học sinh và điều kiện của các bậc phụ huynh.

“Như SGK môn Công nghệ lớp 4, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống, nội dung một số cây cảnh phổ biến, chỉ có những cây thông dụng ở vùng đồng bằng như cây trạng nguyên, cây thiết mộc lan… Thậm chí, phần hình ảnh minh họa, có những loại cây cảnh mà giáo viên người đồng bào cũng không thể biết được. Bài học này cũng giới thiệu cho học sinh một số loại chậu để trồng cây như chậu sứ, chậu đất nung, giá thể… Điều này là không phù hợp với điều kiện của học sinh vùng miền núi cao. Khi hướng dẫn cho học sinh thực hành, giáo viên chỉ có thể gợi ý cho các em sử dụng vỏ chai, thùng nhựa tái chế” – thầy Ngọc phân tích.

Gần như các trường vùng khó đều tổ chức lựa chọn SGK theo cách mà Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng triển khai. Theo cô Lưu Thị Nghĩa – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) thì cách làm này phù hợp với những trường học có đội ngũ giáo viên của từng khối lớp ít. Với những trường học có số lượng giáo viên trong từng tổ chuyên môn đông, như Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP Quảng Ngãi) thì ban giám hiệu sẽ chia các nhóm giáo viên theo các đầu sách để đảm bảo tính chuyên sâu và phát huy thế mạnh nghiên cứu của từng giáo viên.

Bổ sung đội ngũ giáo viên các môn học mới

Ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho biết, để chuẩn bị đội ngũ giáo viên tham gia lựa chọn sách giáo khoa các môn Mỹ thuật, Âm nhạc cho lớp 11 sắp tới, Sở đã hướng dẫn các trường THPT phối hợp với các trường THCS trên địa bàn để mời giáo viên các bộ môn này tham gia đề xuất lựa chọn sách ở cấp cơ sở.

Ngoài ra, Sở cũng lên kế hoạch tổ chức tuyển dụng và tiếp nhận thuyên chuyển giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc cấp THPT để bổ sung đội ngũ giáo viên đang thiếu. Được biết, năm học 2022 – 2023, Quảng Ngãi đã tuyển dụng và tiếp nhận 7 giáo viên môn Mỹ thuật, 9 giáo viên môn Âm nhạc cho các trường THPT.

Trước đó, theo kết quả thanh tra, giám sát của Bộ GD&ĐT về việc lựa chọn và quy trình lựa chọn SGK tại Quảng Ngãi cho thấy, chỉ có 31/40 trường THPT tổ chức lựa chọn đối với môn Âm nhạc và 16/40 trường THPT tổ chức lựa chọn SGK môn Mỹ thuật, chưa thực hiện theo quy định tại Công văn số 686 của Bộ GD&ĐT.

Học sinh Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) tham gia Chương trình “Chemistry Stem Science” trong chương trình trải nghiệm môi trường đại học tại phòng thực hành của Khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. (Ảnh: Trường ĐH Bách khoa cung cấp).
Học sinh Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) tham gia Chương trình “Chemistry Stem Science” trong chương trình trải nghiệm môi trường đại học tại phòng thực hành của Khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. (Ảnh: Trường ĐH Bách khoa cung cấp).

Cô Lê Thị Kim Bông – Tổ trưởng tổ Hóa học, Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) thì cho rằng, so sánh nội dung SGK lớp 10 của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với một số SGK của các chương trình trước đó, thì thấy rằng SGK mới có nhiều ưu điểm hơn.

Các chủ đề, bài học, từng hoạt động trong mỗi bài, nội dung câu lệnh, nội dung bài học đều giúp GV sáng tạo để phát huy trí tuệ, tư duy, hướng tới hình thành năng lực cho HS. “Tuy nhiên, một bộ SGK mới thì sẽ có một số “sạn” nhất định. Những lỗi này, giáo viên đều có ghi chú để gửi góp ý về các nhà xuất bản. Nếu nhóm chủ biên có sự tiếp thu, điều chỉnh phù hợp thì vài năm nữa, sẽ có một bộ sách hay” – cô Bông phân tích.

Cô Đỗ Thị Bích Thủy, tổ trưởng chuyên môn Tổ Vật lý, Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) thì cho rằng, do thời gian tiếp cận sách ngắn nên trong quá trình lựa chọn, thẩm định, giáo viên không thể phát hiện hết được. Cô Thủy ví dụ, như ở SGK Vật lý lớp 10 của bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống, thứ tự sắp xếp một số nội dung bài dạy chưa hợp lý. Ở bài 12 có nội dung chuyển động ném ngang, ném xiên nhưng HS lại chưa học phân tích lực (nằm ở bài 13) và 3 định luật Newton (bài số 14, 15). Vì vậy, để học sinh nắm được bài, giáo viên phải chủ động điều chỉnh, “đẩy” các bài sau lên dạy trước rồi mới quay lại dạy bài 12.

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, ngoài bộ SGK theo danh mục đã được UBND thành phố phê duyệt, thư viện các trường học đều trang bị đầy đủ các bộ SGK của các nhóm chủ biên khác nhau để GV, học sinh có thể tham khảo trong quá trình dạy – học.

“Bản thân GV phải xác định SGK không phải là pháp lệnh mà là tư liệu, GV phải sáng tạo, đổi mới hình thức, phương pháp dạy học thì mới giúp HS tiếp thu kiến thức không theo kiểu thụ động, từ đó góp phần giáo dục toàn diện cho HS” – bà Thuận chia sẻ quan điểm. Việc HS trở thành người như thế nào trong tương lai không chỉ phụ thuộc vào yếu tố chọn được bộ SGK nào cho các em học mà còn phụ thuộc rất nhiều vào người tổ chức giảng dạy từ các cuốn sách này, đó là GV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ