Trao quyền cho trẻ em

GD&TĐ - Các tỉnh miền Trung là một trong những vùng chịu nhiều thiệt hại và dễ tổn thương nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu.

Học sinh Trường THPT Võ Chí Công (Tây Giang) được hỗ trợ gạo khi chuyển về địa điểm học tập mới.
Học sinh Trường THPT Võ Chí Công (Tây Giang) được hỗ trợ gạo khi chuyển về địa điểm học tập mới.

Thông qua dạy học tích hợp và các hoạt động ngoại khóa, các trường học đã chủ động lồng ghép, trang bị kỹ năng phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai cho GV và HS.

An toàn trước thiên tai

Nằm ở vùng “rốn lũ” nên hàng năm, các địa phương ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đều ít nhiều bị ngập nước. Trong tháng 10/2020, HS toàn huyện có ít nhất 10 ngày nghỉ học để phòng tránh bão và áp thấp nhiệt đới. Ở một số vùng thấp trũng như Đại Hưng, Đại Cường, Đại Lãnh, số ngày nghỉ còn kéo dài từ 10 – 12 ngày. Chính vì vậy, các trường học trên địa bàn huyện thường tổ chức diễn tập phòng chống bão lụt để trang bị kỹ năng thích ứng cho cán bộ, GV, nhân viên và đặc biệt là HS toàn trường. Phòng GD&ĐT Đại Lộc đã đề xuất với UBND huyện trang bị khoảng 200 áo phao cho HS các xã Đại Lãnh và Đại Sơn và 60 áo phao cho những GV ở cánh dưới lên dạy ở các xã Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Sơn do phải đi qua 3 khe, mưa lớn là nước dâng cao, đường đi rất khó khăn. Ông Lương Đức Hiền – Trưởng phòng GD&ĐT Đại Lộc cho biết: “Học sinh các vùng thấp trũng được thầy cô giáo hướng dẫn di chuyển đến trường bằng những lối đi an toàn, có thể phải đi đường vòng để tránh những chỗ ngập nước hoặc các khe suối…”.

Nhà ở vùng thấp trũng (xã Hành Trung, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), em Nguyễn Hải Yến, HS Trường Tiểu học Hành Trung được hướng dẫn kỹ các kiến thức phòng chống thiên tai và an toàn trường học. Yến cùng các bạn được học kỹ năng để có thể hỗ trợ cha mẹ trong chằng chống nhà cửa, thu dọn và kê kích các vật dụng để tránh bị ngập lụt, sơ cấp cứu khi có người bị thương trong thiên tai; học cách bảo quản sách vở và đồ dùng học tập khi xảy ra mưa bão, lũ lụt. Thông qua các trò chơi dân gian, HS các trường tiểu học ở những vùng thấp trũng của Quảng Ngãi có điều kiện để tìm hiểu kiến thức và kỹ năng phòng chống thiên tai.

Chia sẻ lý do nhà trường tổ chức Hội thi truyền thông giảm nhẹ thiên tai trong trường học cho HS, cô Đoàn Thị Phước Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương An (xã Hương An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) nói: “Có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong mùa mưa lũ mà nguyên nhân chủ yếu là do các em thiếu sự quan tam từ phía gia đình, trong khi bản thân chưa được trang bị kỹ năng cần thiết để ứng phó với thiên tai. Nhà trường mong muốn thông qua các hoạt động ngoại khóa, HS được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về thiên tai, kỹ năng ứng phó khi thiên tai xảy ra, cùng với gia đình giảm thiểu thấp nhất rủi ro có thể xảy ra”. 

Học sinh các vùng bị ảnh hưởng bão lũ của Quảng Nam được hướng dẫn không tự di chuyển qua các điểm sạt lở, sông suối vào mùa lũ.
Học sinh các vùng bị ảnh hưởng bão lũ của Quảng Nam được hướng dẫn không tự di chuyển qua các điểm sạt lở, sông suối vào mùa lũ. 

Không HS nào bị bỏ lại phía sau

Nằm ở vùng có nhiều sạt lở, HS Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã Axan, huyện Tây Giang, Quảng Nam) được các thầy cô giáo hướng dẫn những kỹ năng để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. “Học sinh được nhắc nhở không chơi, không đứng dưới trụ điện hay gốc cây to khi trời mưa gió, sấm chớp, phải nhanh chân vào nhà để trú mưa. Biết cách quan sát những thay đổi bất thường của thời tiết, tránh qua các đoạn đường đang bị sạt lở hoặc lội qua những con suối một mình khi nước lũ dâng cao…” – thầy Nguyễn Viết Trường – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Trước khi di chuyển toàn bộ 277 HS của Trường THPT Võ Chí Công (xã Axan, huyện Tây Giang, Quảng Nam) về học nhờ tại Trường THPT Tây Giang, cách đó 40 km, ban giám hiệu nhà trường cùng với thầy cô giáo đã động viên HS để tránh những xáo trộn về mặt tâm lý.

Thầy Nguyễn Công Tươi – Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công  cho biết: “Để bảo đảm an toàn cho HS và GV, Sở GD&ĐT Quảng Nam cùng với UBND huyện Tây Giang thống nhất  chuyển toàn bộ HS của xuống học nhờ tại Trường THPT Tây Giang trong suốt năm học 2020 – 2021. Các GV chủ nhiệm cùng lực lượng quản sinh đã động viên, giải thích để HS yên tâm khi thay đổi môi trường học tập và sinh hoạt”.

Theo thầy Tươi, những học sinh không nằm trong diện được hỗ trợ lương thực sẽ được địa phương bổ sung nhằm giảm bớt khó khăn cho phụ huynh. UBND huyện Tây Giang đã tặng cho mỗi HS nội trú của Trường THPT Võ Chí Công một chăn ấm, thùng mì tôm và 100.000 đồng để các em sớm ổn định sinh hoạt ở nơi ở mới. HS của Trường THPT Võ Chí Công được bố trí ở nội trú tại trụ sở cũ của Ban Tuyên giáo huyện Tây Giang. Nhà trường tăng cường thêm một quản sinh để quản lý HS nội trú ở nơi ở mới.

Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã duy trì và củng cố đội thanh, thiếu niên xung kích từ 5 – 10 người ở chi hội chữ thập đỏ trường học; hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, thảm họa và tuyên truyền cho HS biết cách tự bảo vệ mình khi có thiên tai xảy ra. Trường THCS Lê Văn Tám (Đông Giang) còn tổ chức hội thảo về giảm nhẹ tai nạn thương tích cho HS. Qua đó, HS có ý thức hơn trong phòng chống thiên tai, giảm tắm sông suối… Để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ, thầy cô giáo nhà trường và cán bộ thôn tổ chức đưa HS qua những đoạn bị nhập hoặc cho HS nghỉ học nếu nước ngập sâu. 

Qua công tác tuyên truyền kỹ năng phòng tránh thiên tai và giảm thiểu rủi ro, HS hiểu được thiên tai ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của con người. Các em hiểu được nguyên nhân dẫn đến thiên tai để cùng vận động, thuyết phục cha mẹ cũng như cộng đồng hiểu được chặt phá rừng bừa bãi, khai thác tài nguyên cạn kiệt là nguyên nhân gây ra bão lũ, hạn hán ở nhiều nơi. Trồng một cây xanh, giảm thiểu rác thải… là chung tay góp phần tạo nên môi trường xanh để phát triển bền vững. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.