GD phòng chống thiên tai - cách nào cho hiệu quả?

GD&TĐ - Phòng chống thiên tai được giảng dạy tích hợp, lồng ghép trong một số môn học, hoạt động giáo dục. Những ngày qua, mưa lũ hoành hành, gây hậu quả nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung

Học sinh quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) trao đổi tài liệu về kỹ năng phòng tránh thiên tai, biến đổi khí hậu. Ảnh: IT
Học sinh quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) trao đổi tài liệu về kỹ năng phòng tránh thiên tai, biến đổi khí hậu. Ảnh: IT

Phòng chống thiên tai được giảng dạy tích hợp, lồng ghép trong một số môn học, hoạt động giáo dục. Những ngày qua, mưa lũ hoành hành, gây hậu quả nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung đặt ra vấn đề phải thực hiện thực chất, hiệu quả hơn nữa nội dung này. 

Cần chú trọng hơn nữa

Là giáo viên Địa lý, cô Lê Thị Hải Anh (Trường THPT Thăng Long, Hà Nội) vẫn thường lồng ghép nội dung giáo dục về phòng chống thiên tai vào bài dạy. Tùy theo nội dung bài học, việc lồng ghép, tích hợp có thể là một phần hay cả bài và giáo viên căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch, tình huống dạy học phù hợp. 

“Giáo dục phòng chống thiên tai rất quan trọng, thiết thực. Dù triển khai có đôi chút khó khăn về thời gian, kinh phí, địa điểm, nhưng quá trình dạy học thực sự đem lại hiệu quả tích cực, giúp học sinh phát triển nhân cách toàn diện, tích lũy được kiến thức từ đời sống, có trách nhiệm hơn với môi trường và phòng chống thiên tai” – cô Hải Anh chia sẻ.

TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức) cho biết: Nội dung giáo dục về phòng chống thiên tai nằm trong chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững và rất được coi trọng ở Đức. Nội dung này được tích hợp trong nhiều môn học, cũng như thực hiện thông qua các dự án liên môn, với những sáng kiến của từng trường và địa phương. Tại Việt Nam, trong chương trình giáo dục, đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục môi trường và giáo dục vì sự phát triển bền vững được chú ý, trong đó bao gồm giáo dục thiên tai. Tuy nhiên, nội dung giáo dục trên tích hợp chứ không có chương trình riêng.

“Giáo dục phòng chống thiên tai là chủ đề giáo dục lồng ghép được Bộ GD&ĐT chú ý chỉ đạo thực hiện nhiều năm nay. Việc tích hợp có thể được thực hiện trong nhiều môn học và các hoạt động giáo dục, ví dụ qua môn Địa lý, Sinh học, Hoạt động trải nghiệm, hay thông qua các dự án học tập... Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, cũng như xu hướng phát triển, nội dung giáo dục này cần được các nhà trường, địa phương quan tâm nhiều hơn nữa, đặc biệt các vùng thường xuyên có thiên tai” – TS Nguyễn Văn Cường cho hay.

Trẻ em cần được trang bị những kĩ năng cơ bản để ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai. Ảnh minh họa
Trẻ em cần được trang bị những kĩ năng cơ bản để ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai. Ảnh minh họa

Khẳng định tầm quan trọng của giáo dục phòng chống thiên tai, TS Lê Thanh Hà, Phó Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đồng thời nhận định: Giáo dục kĩ năng ứng phó các tình huống bất thường của thời tiết là biện pháp phòng ngừa cần thiết trong tình hình biến đổi khí hậu, mưa bão thất thường trong những năm gần đây. Miền Trung luôn đối mặt với khó khăn liên quan đến bão lũ và các nhà trường cũng rất quan tâm trang bị các kĩ năng này cho học trò. Không chỉ trong nhà trường mà trong cộng đồng sinh sống cũng góp phần hình thành các kĩ năng này. “Dù giáo dục về phòng chống thiên tai luôn là chủ đề quan trọng trong nhà trường phổ thông, đặc biệt là khu vực miền Trung, nơi hàng năm có chục cơn bão đi qua, nhưng tôi cho rằng, cần đưa nội dung giáo dục kĩ năng ứng phó thiên tai, lũ lụt mang tính đặc thù của khu vực, trên cơ sở xác định nguy cơ nguy hiểm đến người dân và học sinh” – TS Lê Thanh Hà nêu quan điểm. 

Gắn giáo dục kĩ năng sinh tồn với đặc thù vùng miền 

Để triển khai có hiệu quả hơn giáo dục phòng chống thiên tai trong nhà trường, theo TS Nguyễn Văn Cường, nhà trường cần có kế hoạch GD với nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục phù hợp, thiết thực, hấp dẫn. Có thể lồng ghép, tích hợp vào một số môn học hoặc dưới dạng dự án liên môn. Học sinh được tự lực thực hiện dự án theo nhóm dưới sự hướng dẫn của giáo viên với từng chủ đề gắn với thực tiễn. Các em cũng có thể tự đề xuất chủ đề của dự án, xây dựng nội dung và phương pháp làm việc.

Học sinh tham gia hưởng ứng và tập huấn về phòng chống thiên tai. Ảnh: IT
Học sinh tham gia hưởng ứng và tập huấn về phòng chống thiên tai. Ảnh: IT

“Giáo dục phòng chống thiên tai chắc chắn là chủ đề được học sinh quan tâm vì nó gắn với thực tiễn và có ý nghĩa thiết thực cho hiện tại, tương lai. Các em không chỉ quan tâm đến thông tin thời sự về thiên tai mà cần được tìm hiểu nguyên nhân và các biện pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cũng như cần được huấn luyện kỹ năng ứng phó với thiên tai phổ biến ở địa phương” – TS Nguyễn Văn Cường chia sẻ.

Với vấn đề này, TS Lê Thanh Hà cho rằng, cần gắn chặt giáo dục kĩ năng sinh tồn với đặc thù vùng miền, đặc điểm địa hình. Ví dụ, miền Trung là nơi bão lũ liên tục xảy ra, nội dung cần phải thế nào cho sát hợp và hiệu quả trong ứng phó với thiên tai. 

Quan tâm đến những nội dung cần trang bị cho học sinh vùng lũ khi các em quay trở lại trường học, TS Lê Thanh Hà đặc biệt chú ý đến sự ổn định về tâm lý với các điều kiện vật chất thiết yếu được đáp ứng. Những động viên, chia sẻ của cộng đồng lúc này sẽ giúp họ bình ổn tâm lý và hướng tới việc khôi phục nhanh chóng mọi hoạt động. Cũng theo TS Lê Thanh Hà, người lớn nên quan sát, nhận biết những biểu hiện của học sinh để sàng lọc, phát hiện và sẵn sàng đưa ra hỗ trợ kịp thời nếu thấy cần. Cần chú ý đến những học sinh mà gia đình có mất mát lớn về của cải, vật chất… đặc biệt là người thân, cần có những hỗ trợ tâm lý để giúp các em nhanh chóng phục hồi. 

Tôi cho rằng, nên tổ chức những hoạt động theo nhóm để học sinh có cơ hội chia sẻ cảm xúc với nhau sau những khó khăn do thiên tai gây ra. Các em sẽ ứng phó tốt hơn nếu cảm thấy mình không đơn độc trong những lúc khó khăn. Các hoạt động giúp chữa lành vết đau cũng cần thiết trong lúc này. Học sinh cũng có thể chia sẻ bài học mà mình nhận được sau tình huống thiên tai, lũ lụt, như kĩ năng ứng phó, sinh tồn, sự tương trợ lẫn nhau trong khó khăn, kĩ năng tìm kiếm sự trợ giúp… - TS Lê Thanh Hà 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ