Tư vấn hướng nghiệp vào mùa: Bám sát thực tế, hướng tới hiệu quả

GD&TĐ - Mỗi năm có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc làm, hoặc làm trái chuyên môn được đào tạo.

Trường THPT Ỷ La (TP Tuyên Quang – Tuyên Quang) phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang tổ chức tư vấn, hướng nghiệp. Ảnh: IT
Trường THPT Ỷ La (TP Tuyên Quang – Tuyên Quang) phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang tổ chức tư vấn, hướng nghiệp. Ảnh: IT

Đây là sự lãng phí với nguồn lực lao động trẻ, có sức khỏe và trình độ. Điều này đòi hỏi công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông cần có sự đổi mới, bám sát thực tế để hướng tới hiệu quả thực.  

Quan tâm đặc biệt đến học sinh vùng khó

Thầy Phạm Công Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa - Quảng Trị) cho biết: 100% HS người dân tộc, gia đình làm nương rẫy, sức học và ý thức học tập không cao. Mặt khác, trường nằm ở khu vực vùng cao biên giới, chưa có nhà máy xí nghiệp lớn đầu tư, nghề truyền thống không có nên hàng năm học sinh lớp 12 chỉ có khoảng 15% em thi tiếp vào ĐH, số còn lại chọn nghề tự do… Công tác hướng nghiệp của trường chủ yếu lồng ghép trong hoạt động ngoại khóa hàng tuần từ năm học lớp 10. Với khối 12, giữa tháng 3 hàng năm mới triển khai hoạt động hướng nghiệp cụ thể và do GV kết hợp với Huyện đoàn tổ chức. 

“Với đặc thù riêng, công tác hướng nghiệp được nhà trường xác định phải phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh. Em nào có năng lực, học tập khá, tốt thì tư vấn tìm trường CĐ, ĐH. Với học sinh dân tộc, chúng tôi không thể hướng các em theo học các ngành công nghệ thông tin, mộc, điện…”, thầy Phạm Công Hiền chia sẻ.  

Cũng là trường vùng khó thuộc huyện Đồng Văn – Hà Giang, cô Lương Thị Ngọc – Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Văn cho biết: Bên cạnh công tác hướng nghiệp của GV, nhà trường, hàng năm có một số công ty, nhà máy từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, trường CĐ nghề… kết hợp với trường tổ chức hướng nghiệp thêm cho các em. 

“Học sinh của trường đa số người dân tộc, đời sống khó khăn. Phần lớn HS có sức học bình thường, ra trường lấy vợ, chồng luôn nên chỉ mong muốn sống và lao động ngay tại địa phương… Công tác hướng nghiệp của trường thường hướng tới các nhà máy tại địa phương hoặc học nghề nông để phát triển sản xuất nông nghiệp. Những công việc tạo ra thu nhập ngay, vừa nuôi sống được bản thân vừa hỗ trợ được gia đình… luôn được HS quan tâm bởi phù hợp với điều kiện, cuộc sống”, cô Ngọc nói. 

Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) không phải trường vùng cao biên giới, nhưng cũng thuộc địa bàn miền núi khó khăn. Thầy Phan Trọng Đức – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường khảo sát số HS đăng ký thi ĐH, CĐ, học nghề, đi làm ngay... Từ đó đưa ra định hướng nghề để GV chủ nhiệm triển khai từng nhóm. Việc hướng nghiệp cũng có thể kết hợp với tổ chức Đoàn thanh niên nhà trường và lồng ghép trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp. 

Hoạt động hướng nghiệp được nhiều trường kết hợp cùng tổ chức Đoàn triển khai hiệu quả. Ảnh minh họa
Hoạt động hướng nghiệp được nhiều trường kết hợp cùng tổ chức Đoàn triển khai hiệu quả. Ảnh minh họa

Hướng nghiệp gắn liền thực tế

Thầy Nguyễn Minh Quý – Hiệu Trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (thành phố Hải Phòng) chia sẻ: Là một trong những trường THPT chất lượng cao của TP, học sinh có truyền thống học tốt. Hằng năm, hơn 90% HS học tiếp lên ĐH, một số nhỏ học nghề và đi du học… nên công tác hướng nghiệp phải làm kĩ, sáng tạo từ khi học sinh bước vào trường. 

Nhà trường đã gửi đường link thông tin nghề nghiệp tới HS từ lớp 10 để tham khảo, tìm hiểu. Từ đó, nắm bắt được xu hướng chọn nghề ra sao và lọc ra những trường có xu hướng học sinh thi đông và mời đến trường tư vấn. Ngay trong học kỳ I, trường triển khai chương trình hướng nghiệp bằng cách mời một số diễn giả giỏi về hướng nghề cho HS khối 12 với chủ đề nghề nghiệp trong cách mạng 4.0. Học kỳ II, khi các em đi học trở lại sẽ tiếp tục mời 10 đơn vị là các trường ĐH tới trường tư vấn cho từng nhóm HS đã đăng ký nghề. 

Hiện số học sinh chọn ngành công nghệ thông tin chiếm khá đông (thay vì khối ngành kinh tế trước khi có sự tư vấn). Ngoài ra, Hải Phòng có cảng biển, nhiều khu công nghiệp, HS có truyền thống yêu thích ngành biển… nên xu hướng thi vào một số khối ngành của Trường ĐH Hàng Hải (Hải Phòng) cũng lớn. 

Nhìn thấy những bất cập trong công tác hướng nghiệp, cô Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, hướng nghiệp hiện nay còn yếu, mặt khác có sự ảnh hưởng của văn hóa bằng cấp tạo ra những suy nghĩ chưa đúng. Chính vì vậy, theo cô Nhiếp để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả cao phải làm tốt từ gốc, khi HS học tiểu học, THCS. Hướng nghiệp có thể lồng ghép trong bài học để HS biết mình thích gì, có thiên hướng ra sao? Trên cơ sở đó, trường THPT tiếp tục cung cấp những thông tin ngành nghề xã hội cần để HS có lựa chọn phù hợp nhất. 

Tại Trường THPT Yên Hòa, ngoài việc khảo sát năng khiếu, sở trường, ngành nghề yêu thích của học sinh, nhà trường còn mời chuyên gia tư vấn hướng nghiệp về trao đổi. Thậm chí, trong tiết ngoại khóa, hiệu trưởng trực tiếp trao đổi với HS những kinh nghiệm về nghề nghiệp, gợi mở sở thích, đam mê… giúp các em định hình và có quyết tâm theo đuổi nghề phù hợp bản thân. 

Nhiều năm trở lại đây, số HS học tiếp lên ĐH chỉ khoảng hơn 20%, gần 10% học nghề, còn lại đi làm… Do đó, nhà trường không thể tư vấn hướng nghiệp chung chung, thiếu thực tiễn hoặc gây sức ép để HS phải cố gắng học tốt để thi vào ĐH. 283 HS lớp 12 được tư vấn hướng nghiệp hoàn toàn dựa trên điều kiện chung và hoàn cảnh thực tế địa phương cũng như bản thân các em. - Thầy Phan Trọng Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ