Tư vấn hướng nghiệp: Thầy cô là người đồng hành

GD&TĐ - Việc lựa chọn nghề vừa phù hợp với bản thân, vừa đáp ứng được nhu cầu xã hội đã trở thành mối quan tâm vô cùng cấp thiết. Làm thế nào để giúp HS hiểu rõ thế mạnh của mình, cũng như đưa ra lựa chọn chính xác con đường lập nghiệp sau này, rất cần người bạn đồng hành là thầy cô giáo.

Một buổi tư vấn hướng nghiệp cho HS Trường THPT Trần Nhân Tông (Nam Định).	Ảnh: TG
Một buổi tư vấn hướng nghiệp cho HS Trường THPT Trần Nhân Tông (Nam Định). Ảnh: TG

Giáo viên kiêm chuyên gia 

Thầy Lại Tiến Đẩu - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Nghĩa Hưng, Nam Định) cho biết: Từ nhiều năm nay, các thầy cô giáo của trường đều thấy việc định hướng nghề nghiệp cho HS ở các vùng nông thôn nói chung và trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng nói riêng chủ yếu từ phía gia đình hoặc theo bạn bè. So với HS thành phố, các em cũng không có cơ hội tìm hiểu các ngành, nghề trong xã hội. Điều này đã góp phần gia tăng tỷ lệ người được đào tạo làm trái nghề hoặc thất nghiệp ngày một cao trong nhiều năm trở lại đây. 

Khắc phục tình trạng trên, Ban giám hiệu Trường THPT Trần Nhân Tông sớm có kế hoạch cử GV cốt cán tham gia lớp tập huấn Tư vấn hướng nghiệp do Sở GD&ĐT Nam Định tổ chức. Tại đây, thầy cô được tập huấn không chỉ kỹ năng cần thiết để nắm bắt tâm tư, tình cảm của HS, mà còn là suy nghĩ, lựa chọn ngành nghề của các em trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhiều ngành nghề tăng tỷ lệ lao động thất nghiệp, xu hướng nghề cũng dịch chuyển theo biến động của dịch.

Thầy Đẩu cho biết: Để giải tỏa những băn khoăn của HS, trước thềm năm học 2020 - 2021, lãnh đạo nhà trường cùng 2 báo cáo viên tổ chức buổi chia sẻ những kiến thức, kỹ năng về Tư vấn hướng nghiệp tới hội đồng sư phạm nhà trường. Việc làm này góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục chung của trường và giúp các em, đặc biệt là HS lớp 12 sớm có lựa chọn đúng đắn trong việc chọn ngành nghề. 

Ban giám hiệu cũng yêu cầu tổ nhóm chuyên môn tập trung vào các vấn đề mang tính thiết thực: Thảo luận về các phương pháp dạy học theo hướng “Dạy cho HS cách học”; hình thành năng lực tự học của các em; phát triển phẩm chất năng lực tiếp cận Chương trình GDPT mới. Từ đó, dù giờ dạy trên lớp hay hoạt động ngoại khóa, HS được làm chủ, thể hiện được tính sáng tạo của mình dưới sự dẫn dắt của GV.

Đồng hành cùng học sinh

Chỉ khi đồng hành với HS, GV mới có được lời khuyên đúng nhất. Ảnh: TG
Chỉ khi đồng hành với HS, GV mới có được lời khuyên đúng nhất.     Ảnh: TG

Theo thầy Nguyễn Văn Nam - GV Trường THPT Trần Nhân Tông, với hiểu biết của mình, các thầy đã chia sẻ Lý thuyết cây nghề nghiệp với đồng nghiệp trong trường. Khi đó, GV trong mỗi tổ chuyên môn trở thành “học viên” để làm bài tập do các báo cáo viên giao. GV Tổ Tiếng Anh - Địa - GD Công dân và Tổ Ngữ văn – Lịch sử đã nhận được những đóng góp vô cùng quý báu của các đồng nghiệp, giúp tổ hoàn thiện hơn nữa bài tập chung. Những sản phẩm của buổi sinh hoạt bổ ích này trở thành tài liệu chung cho HS toàn trường tham khảo.

Thầy Nguyễn Văn Phương - GV Trường THPT Trần Nhân Tông nêu quan điểm: Mỗi thầy cô giáo phải là bạn đồng hành với HS. Do vậy, công tác tư vấn phải thực sự dễ hiểu, ngắn gọn, minh chứng phải thực tế và thuyết phục. Thầy cô và HS cùng trao đổi, thảo luận về các ngành, nghề để giúp các em có những hiểu biết cụ thể, kể cả trải nghiệm thực tế qua các phương tiện truyền thông. Từ đó, các em sẽ đưa ra lựa chọn cuối cùng, chính xác nhất khi chọn ngành nghề tương lai.

Cô Nguyễn Thị Phin - GV chủ nhiệm lớp 12A1 Trường THPT Trần Nhân Tông chia sẻ: Mỗi HS một cá tính, là GV điều đầu tiên phải cảm thông và chia sẻ. Ở lứa tuổi đang muốn tự khẳng định mình, nếu thầy cô không khéo léo trong cách định hướng sẽ phản tác dụng.

Với tôi, ngoài nhiệm vụ dạy học còn tìm hiểu điều kiện hoàn cảnh gia đình của từng HS, để có thể quan tâm, chia sẻ. Trong quá trình dạy học, thấy em nào có chí hướng và năng lực học tập tốt thì gặp gỡ tư vấn để định hướng chọn ngành, trường sau này phù hợp. Tôi dành nhiều thời gian tâm sự để nghe các em nói về nghề yêu thích của mình, từ đó mới có được lời khuyên đầy đủ nhất.

Giúp HS tự tin, động viên các em hãy nỗ lực hết sức mình và biết chọn điểm đến phù hợp là điều mà thầy Hiệu trưởng Lại Tiến Đẩu thường nhắc đồng nghiệp của mình. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Vũ Nam Trường, HS lớp 12A1 của trường, sức học tốt nhưng vẫn băn khoăn trong việc lựa chọn ngành học.

Vì kỳ nghỉ Covid-19 kéo dài, lại thêm thời gian thi thay đổi khiến Trường không còn tự tin vào kiến thức của mình. Vũ Nam Trường cho biết: Trước ngày thi tốt nghiệp, em được các thầy cô dặn dò và động viên hãy tự tin chọn trường mình yêu thích, vì năng lực học tập của em hoàn toàn có thể đáp ứng được. Em cũng nhớ lời thầy hiệu trưởng thường nhắc: “Tự tin vào mình để lựa chọn trường lớp là điều cần thiết, nhưng cần thiết hơn nữa là nỗ lực tự thân. Các em phải hiểu giảng đường ĐH chỉ là bước chân đầu tiên vào đời”.
 

Những lời căn dặn của thầy hiệu trưởng và được thầy cô tư vấn, động viên nhiều, Vũ Nam Trường bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT với tâm thế tốt nhất. Kết quả, Trường được 25,9 điểm. Với số điểm này, Trường tin mình sẽ trúng tuyển vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Khi thầy cô là người đồng hành, những tư vấn sẽ góp phần tích cực cho việc phân luồng, giúp các em sớm có định hướng nghề nghiệp trong tương lai cũng như tìm được niềm vui trong học tập và cuộc sống. Chỉ khi đồng hành cũng HS, các thầy cô mới nắm bắt được tâm sinh lý lứa tuổi cũng như suy nghĩ thật của các em. Đặc biệt hơn, kiến thức các thầy cô gửi đến HS còn hữu ích cả với từng GV, nhân viên. Bởi chính họ cũng trở thành người tư vấn nghề cho con, em mình.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.