Bà Nguyễn Hạnh Chi - giáo viên Trường liên cấp Olympia (Hà Nội) cho biết, từ nhiều năm nay, nhà trường đã thành lập văn phòng Tư vấn Đại học, Du học và Hướng nghiệp (UCC). Tại đây, các chuyên gia tư vấn không chỉ giúp học sinh (HS) lựa chọn ngành nghề phù hợp mà còn hỗ trợ các em phát huy tiềm năng tối ưu của bản thân.
Văn phòng tư vấn hoạt động trên quy tắc vì quyền lợi của học sinh, đảm bảo HS nhận được sự tư vấn chính xác, hiệu quả, chi tiết trong quá trình lựa chọn ngành học và định hướng nghề nghiệp tương lai. Các hoạt động tư vấn phải được đảm bảo đi đôi với hoạt động giáo dục, đem lại giá trị thông tin và mang đến những bài học thực tiễn cho HS.
Mọi thông tin trao đổi giữa văn phòng tư vấn và HS đều minh bạch, rõ ràng và được bảo mật tuyệt đối theo yêu cầu.
Chương trình tư vấn của văn phòng tư vấn đảm bảo các quyết định về lựa chọn tương lai được chính HS đưa ra - văn phòng tư vấn, nhà trường và gia đình sẽ cùng đồng hành và hỗ trợ, HS tự chủ trong lựa chọn của bản thân và đưa ra quyết định tương lai.
Bà Lisa Shuttleworth - giáo viên Trường Quốc tế Hà Nội chia sẻ, việc tư vấn hướng nghiệp được các nước phát triển đặc biệt quan tâm. Ngay từ lớp 10 và 11, HS đã phải lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp ở bậc đại học. Chính vì vậy, các em phải được hướng nghiệp rất rõ ràng từ trước năm 16 tuổi.
Do đó, Trường Quốc tế Hà Nội cũng như các trường quốc tế khác tại Hà Nội đã thực hiện xây dựng chương trình hướng nghiệp dài hạn cùng với các khung năng lực hướng nghiệp xuyên suốt với hình thức triển khai phù hợp với từng lứa tuổi.
Bà Ngô Thị Thành - Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cho biết, trong những năm qua, nhà trường rất quan tâm đến việc tư vấn hướng nghiệp cho HS, triển khai dưới nhiều hình thức. Trong những giờ sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm định hướng cho HS, mời chính phụ huynh chia sẻ với HS về ngành nghề, giúp các con nhận biết được những nghề nghiệp trong tương lai.
Công tác Tâm lý học trường học và hoạt động tư vấn học đường sẽ là hoạt động hỗ trợ HS tự tin thể hiện bản thân mình và từ đó có cơ hội phát triển bản thân, định hướng phát triển bản thân và hướng nghiệp bản thân là điều rất quan trọng trong thực tiễn triển khai chương trình GDPT 2018.
Ông Nguyễn Khánh Chung - Hiệu trưởng trường Bai Mai chia sẻ: Mục tiêu của Phòng Tham vấn học đường là giúp phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ về rối loạn tâm lý gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ cũng như các vấn đề về bạo lực học đường, Phòng Tham vấn học đường đã trở thành cầu nối giữa Nhà trường – Học sinh – Gia đình và góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn và không bạo lực.
Phòng Tham vấn học đường chào đón tất cả học sinh đang và đã gặp khó khăn bao gồm khó khăn trong việc học tập, giao tiếp với bạn bè, mối quan hệ gia đình, tâm lý lứa tuổi, có hành vi chống đối, hệ quả của bạo lực.
Ngoài ra, các cô luôn chào đón những bạn mong muốn tìm hiểu rõ hơn về bản thân mình như những điểm mạnh và điểm yếu, hay những đặc tính khác biệt trong tính cách của từng học sinh.
Bên cạnh đó, các cô cũng hỗ trợ học sinh về một số kỹ năng như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng diễn đạt, định hướng nghề nghiệp.